Kinh tế Trung Quốc gặp rắc rối lớn, chính sách ba con chưa chắc giải quyết nổi
Việc cho phép mỗi cặp vợ chồng được sinh tối đa ba con thay vì hai nhằm mục đích cải thiện "cơ cấu nhân khẩu học" của Trung Quốc, đối phó với dân số già và duy trì "nguồn nhân lực dồi dào" cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo tờ Tân Hoa Xã.
Động thái trên là sự chuyển biến lớn đối với Trung Quốc. Nên nhớ rằng đất nước này mới chỉ nới lỏng chính sách một con từ 6 năm trước.
Nhưng kể từ đó áp lực đối với Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng. Chỉ vài tuần trước, Trung Quốc báo cáo sự suy giảm đáng báo động trong lực lượng lao động. Các nhà kinh tế nhanh chóng cảnh báo hiện tượng này có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Theo CNN, kết quả cuộc điều tra gần đây cho thấy dân số Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hàng thập kỷ. Trong khi đó, số người trong độ tuổi 15-59 giảm xuống dưới 900 triệu người, tương đương 63% tổng số dân năm 2020 – sụt hơn 7 điểm % so với một thập kỷ trước.
Các chuyên gia dự đoán lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong vài năm tới rồi sụt giảm khoảng 5% trong thập kỷ tiếp theo.
Bà Yue Su, nhà kinh tế tại Economist Intelligence Unit nhận xét: "Lợi thế nhân khẩu học đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây sẽ nhanh chóng tiêu tan".
Điều này có thể cản trở các mục tiêu chính sách kinh tế to lớn mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra. Ông đã đặt ra tham vọng GDP của Trung Quốc năm 2035 sẽ cao gấp đôi năm 2020.
Trung Quốc áp dụng chính sách một con từ hơn 40 năm trước nhằm giải quyết tình trạng quá tải dân số và xóa nghèo. Nhưng trước hiện trạng dân số già đi, Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng chính sách. Năm 2015, chính phủ Trung Quốc tuyên bố cho phép mỗi gia đình có tối đa hai con. Giờ đây chính phủ Trung Quốc thậm chí còn nới tay hơn nữa.
Thay đổi lớn, tác động nhỏ?
Chỉ hô hào mọi người sinh thêm con là không đủ để giải quyết khủng hoảng nhân khẩu học. Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc năm 2020 giảm gần 15% so với năm trước. Một số người chỉ ra rằng chi phí sinh hoạt tăng cao khiến họ không muốn phải nuôi thêm miệng ăn.
Phản ứng của người dùng trên mạng xã hội Trung Quốc về thông báo ngày hôm qua khá sôi nổi, nhưng lại trái ngược với mong muốn của chính phủ. Một trong những chủ đề thịnh hành nhất trên Weibo – mạng xã hội của Trung Quốc tương tự như Twitter – là những lý do mọi người không muốn sinh thêm đứa con thứ ba hay hoàn toàn không muốn có con.
"Chủ yếu là vì tôi thấy mệt", một người dùng Weibo viết. "Làm sao tôi có thể nuôi nổi một đứa con khi mà áp lực cuộc sống ngày nay quá lớn?"
Tờ Tân Hoa Xã hỏi người dùng Weibo liệu họ có sẵn sàng cho đứa con thứ ba hay không. Cuộc khảo sát trực tuyến thu hút hơn 30.000 người trả lời trong vòng nửa tiếng. Hơn 90% người tham gia lựa chọn "chắc chắn không có ý định". Cuộc khảo sát được lặng lẽ gỡ xuống.
Tuần trước, các nhà phân tích tại Goldman Sachs viết trong lưu ý: "Nếu không có các biện pháp khác để khuyến khích sinh đẻ, việc nới lỏng giới hạn con cái sẽ chỉ có tác động rất hạn chế đối với tỷ lệ sinh của Trung Quốc và tăng trưởng dân số nói chung".
"Dân số Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh trong 5 năm tới với số người trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm".