|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nếu dân số Trung Quốc giảm, cả thế giới sẽ phải đau đầu

12:54 | 13/05/2021
Chia sẻ
Tăng trưởng dân số chậm lại sẽ không tạo ra khủng hoảng tại Trung Quốc. Nhưng phần còn lại của thế giới sẽ phải chịu cảnh giá cả hàng hóa tăng và sản lượng kinh tế toàn cầu giảm đi.
Nếu dân số Trung Quốc giảm, cả thế giới sẽ phải đau đầu - Ảnh 1.

Đám đông khách du lịch Trung Quốc tại Vạn Lý Trường Thành. (Ảnh: Getty Images).

Tốc độ tăng trưởng dân số chậm nhất trong hàng thập kỷ của Trung Quốc có thể sẽ có tác động đối với thế giới lớn hơn cả ảnh hưởng lên nước này. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng và thu nhập có thể tiếp tục đi lên, tuy là với tốc độ chậm lại.

Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới sẽ phải sống chung với tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm chạp và nguy cơ giảm phát. Việc Trung Quốc cung cấp nguồn nhân công giá rẻ vô tận và giúp giảm chi phí của mọi hàng hóa sẽ lùi vào dĩ vãng.

Kết quả cuộc điều tra dân số thực hiện 10 năm một lần cho thấy dân số Trung Quốc năm 2020 là hơn 1,41 tỷ người. Như vậy, dân số Trung Quốc tăng trung bình 0,53%/năm trong giai đoạn 2010-2020, mức thấp nhất kể từ 1953.

Các xu hướng lâu dài được thể hiện rõ ràng: Dân số trong độ tuổi lao động giảm xuống 63,4% từ tỷ lệ hơn 70% của 10 năm trước, trong khi đó tỷ lệ cư dân từ 60 tuổi trở lên tăng vọt. Hơn một nửa người Trung Quốc hiện sống ở các thành phố.

Tuy có khả năng dân số Trung Quốc sẽ giảm trong vài năm tới, nhưng điều này không có nghĩa là nước này sắp đối mặt với khủng hoảng. Nhật Bản, một trong số những quốc gia giàu nhất trên thế giới, đã đối mặt với tình trạng suy giảm dân số trong hơn 10 năm qua. Hàn Quốc và Singapore cũng gặp phải vấn đề tương tự trong năm 2020.

Nhưng cả ba nước trên đều có cơ sở hạ tầng hạng nhất, trường học tuyệt vời, tiêu chuẩn sống cao và vị trí thích hợp trong chuỗi cung ứng công nghệ giúp kinh tế có tiềm năng tăng trưởng lâu dài.

Hậu quả phần còn lại của thế giới phải đối mặt có lẽ còn to lớn hơn Trung Quốc. Sản lượng kinh tế của thế giới đã được thúc đẩy bởi Trung Quốc trong vài thập kỷ qua, đặc biệt là từ sau giai đoạn khủng hoảng tài chính 2007-2009.

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của GDP Trung Quốc là khoảng 8% kể từ năm 2000. GDP của Mỹ chỉ tăng với tốc độ bình quân chưa đến 2% trong giai đoạn này.

Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc sẽ đóng góp hơn 1/5 tổng mức tăng GDP toàn cầu trong 5 năm từ nay đến 2026. Đóng góp của Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản lần lượt là 14,8%; 8,4% và 3,5%.

Tăng trưởng dân số yếu ớt hay thậm chí là âm nhiều khả năng sẽ khiến kinh tế Trung Quốc mở rộng chậm hơn, ngay cả khi GDP đầu người tăng. Các giả định về đóng góp của Trung Quốc cho sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ phải thay đổi.

Điểm sáng

Một vấn đề khác cần được chú ý là lạm phát thấp dai dẳng, điều mà mọi ngân hàng trung ương trên thế giới ngày càng lo ngại. Sự trỗi dậy của Trung Quốc từ một đất nước lạc hậu thành công xưởng của thế giới và nhà xuất khẩu hàng đầu một phần là nhờ khả năng cung cấp lượng lớn lao động giá rẻ cho các công ty đa quốc gia.

Trong quá trình đó, Trung Quốc đã trở thành nhân tố lớn giữ cho giá cả hàng hóa ở Mỹ và châu Âu không tăng nhiều. Nhưng thời đại này có thể sẽ chấm dứt nhờ thị trường lao động thu hẹp.

"Vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi từ một nước xuất khẩu giảm phát trong quá khứ sang một nước trung lập hơn trong hiện tại. Tương lai, Trung Quốc có thể là nước kéo lạm phát đi lên", hai chuyên gia kinh tế Charles Goodhart and Manoj Pradhan viết trong cuốn sách xuất bản năm 2020 của họ. 

Như vậy, dân số Trung Quốc giảm không phải chỉ là tin xấu. Mô hình kinh tế Trung Quốc không còn dựa trên lao động rẻ để tung ra sản phẩm giá thấp sẽ loại bỏ một trong những công cụ đã giữ cho lạm phát ở mức thấp.