Đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu yếu hơn
Động lực của kinh tế Trung Quốc đã phần nào yếu đi trong tháng Năm, khi giá nguyên liệu thô tăng mạnh ảnh hưởng đến lợi nhuận, các doanh nghiệp trở nên thận trọng hơn và doanh số bán xe cũng như bất động sản tăng chậm hơn.
Theo một khảo sát đối với trên 500 doanh nghiệp do Standard Chartered Plc thực hiện, lòng tin của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong tháng Năm giảm từ mức cao kỷ lục do đợt bùng phát dịch mới. Chỉ số này đánh giá hoạt động hiện tại giảm trong tháng, chỉ số kỳ vọng cho thấy những lo ngại về nhu cầu và biên lợi nhuận trong thời gian tới.
Các nhà kinh tế Lan Shen và Ding Shuang của Standard Chartered cho rằng giá nguyên liệu thô tăng mạnh có thể là thách thức lớn nhất đối với các SME.
Các SME chủ yếu sản xuất phục vụ thị trường trong nước dễ chịu tác động hơn khi chi phí đầu vào tăng, trong khi biên lợi nhuận của các SME định hướng xuất khẩu không bị ảnh hưởng khi có nhiều đơn hàng mới và giá hàng hóa bán ra tăng.
Sự phục hồi nhu cầu của nước ngoài có thể thấy qua việc xuất khẩu của Hàn Quốc trong 20 ngày kể từ đầu tháng Năm tăng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ.
Theo Bloomberg Economics, thị trường hàng hóa toàn cầu phục hồi đã góp phần đẩy chỉ số giá của nhà sản xuất tại Trung Quốc lên mức cao kỷ lục trong tháng Năm.
Giá đồng và quặng sắt tăng lên các mức kỷ lục trong tháng này, dù đà tăng đã chững lại trong hai tuần qua, khi Trung Quốc tăng cường các nỗ lực kiểm soát giá trước những lo ngại về lạm phát.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc khởi sắc trong tháng Năm, với chỉ số CSI 300 của 300 cổ phiếu lớn nhất niêm yết trên các sàn giao dịch ở Trung Quốc đại lục trong tuần này đạt mức cao nhất kể từ tháng Ba.
Doanh số bán nhà tại Trung Quốc giảm trong tháng này, một dấu hiệu cho thấy những nỗ lực của các nhà chức trách nhằm kiểm soát những rủi ro trên thị trường bất động sản có thể gây tác động sau khi chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm ngoái đã tạo động lực cho thị trường này. Trong khi đó, số liệu về doanh số bán xe giảm đáng kể.