|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam, Ấn Độ có thể khiến chuỗi cung ứng dịch chuyển trở lại Trung Quốc

10:28 | 25/05/2021
Chia sẻ
Tình hình dường như đang thay đổi và chuỗi cung ứng có thể sẽ quay trở lại Trung Quốc khi số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng ở Ấn Độ và Việt Nam, Zhang Zhiwei, kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management nhận định.

Theo CNBC, một nhà kinh tế cho biết sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 mới ở một số khu vực châu Á có thể giúp thay đổi vận mệnh của Trung Quốc.

Trước đây, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến các công ty chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, đồng thời chuyển hướng mạng lưới sản xuất và phân phối sản phẩm và dịch vụ. Làn sóng này khiến các quốc gia như Việt Nam và Ấn Độ được hưởng lợi do các công ty chuyển sang thiết lập nhà máy tại đây.

Số ca COVID-19 tăng đột biến ở Ấn Độ, Việt Nam có thể khiến chuỗi cung ứng quay trở lại Trung Quốc  - Ảnh 1.

Một công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất các sản phẩm điện cho thị trường trong nước và Đông Nam Á tại thành phố Hải An, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc hôm 29/3. (Ảnh: CNBC).

Nhưng tình hình dường như đang thay đổi và chuỗi cung ứng có thể sẽ quay trở lại Trung Quốc khi số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng ở Ấn Độ và Việt Nam, theo Zhang Zhiwei, kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management.

"Trước đại dịch COVID-19, chúng tôi thấy làn sóng các nhà máy chuyển ra khỏi Trung Quốc, trong đó có những công ty tên tuổi như Samsung, Foxconn, những công ty này đã chuyển hướng xây dựng nhà máy ở Việt Nam, Ấn Độ.", ông Zhang chia sẻ với CNBC trong chương trình Street Signs Asia hôm 24/5.

Tuy nhiên theo chuyên gia này, giờ đây, làn sóng COVID-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam và Ấn Độ

Chuyên gia này cho biết, làn sóng COVID-19 bùng phát trở lại ở hai quốc gia này đã buộc các nhà máy như Foxconn phải tạm đóng cửa các cơ sở ở Ấn Độ và Việt Nam. 

"Điều này có thể khiến việc di dời chuỗi cung ứng bị đình trệ trong một thời gian. Vấn đề quan trọng là hoạt động đi lại quốc tế chưa bình thường trở lại, vì vậy các công ty đa quốc gia không thể cử nhân viên của họ đến Ấn Độ và Việt Nam để thiết lập các nhà máy mới.", ông Zhang nói thêm.

Số ca nhiễm mới ở Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 4 và chưa có dấu hiệu giảm, các nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế Nam Á có thể sẽ tăng trưởng âm trong quý này.

Tại Việt Nam, tỉnh Bắc Giang đã quyết định tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp từ 18/5, trong đó có 3 khu công nghiệp có nhà máy sản xuất của Foxconn.

Ông Zhang dự đoán tình hình dịch bệnh ở những nước này có thể có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng mức độ có lợi cho Trung Quốc còn phụ thuộc vào tình hình dịch COVID-19 ở Ấn Độ và Việt Nam kéo dài trong bao lâu.

Hiện tại, xuất khẩu của Trung Quốc tăng từ 20% đến 40% một tháng, ông Zhang nói. Nếu các nhà máy ở Ấn Độ và Việt Nam sớm mở cửa trở lại, xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay khi các công ty chuyển hoạt động sản xuất của họ sang hai quốc gia đó.

"Nhưng nếu chuỗi cung ứng ở Ấn Độ và Việt Nam bị gián đoạn trong một thời gian dài, chúng tôi có thể dự đoán tăng trưởng xuất khẩu ở Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì ở mức 20%, 30% trong năm tới.", ông Zhang nói.

Trước khi làn sóng dịch bệnh thứ 4 bùng phát, việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn khi các nước giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo CNBC, Việt Nam được đánh giá là một địa điểm tiềm năng để thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc.

Như Ngọc