|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch COVID-19 bùng phát không phải nỗi lo lớn với nền kinh tế châu Á

20:00 | 26/05/2021
Chia sẻ
Chuyên gia của Citi Private Bank cho rằng châu Á đã quen đối phó với tình trạng các ca mắc COVID-19 tăng trở lại và nhận định đợt bùng phát dịch lần này không phải nỗi lo quá lớn đối với các nền kinh tế châu Á.

Theo CNBC, chiến lược gia đầu tư từ Citi Private Bank cho biết, sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới trên khắp châu Á không phải là một nỗi lo lớn và nền kinh tế của khu vực sẽ đi đúng hướng khi tình hình dịch bệnh lắng xuống.

Trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư có thể đổ tiền mua cổ phiếu của một số ngành bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 như lĩnh vực hàng không, du lịch và giải trí, Ken Peng, người đứng đầu chiến lược đầu tư châu Á của ngân hàng cho biết.

Dịch COVID-19 bùng phát không phải nỗi lo lớn với nền kinh tế châu Á - Ảnh 1.

Một nhân viên bảo vệ đi ngang qua bức tranh tường mô tả những người dân thuộc các tôn giáo khác nhau cảm ơn lực lượng tuyến đầu chống COVID-19 ở Mumbai, ngày 13/1. (Ảnh: AFP).

Hôm 25/5, Peng đã chia sẻ với CNBC trong chương trình Capital Connection rằng đây không phải lần đầu châu Á đối mặt với dịch bệnh bùng phát trở lại.

"Dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát ở châu Á vào mùa đông vừa qua và quý III năm ngoái, sau đó khi các ca nhiễm mới giảm xuống, kinh tế đã phục hồi trở lại theo đúng hướng. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta cũng không cần lo lắng quá nhiều ở đợt dịch lần này.", ông Peng nói thêm.

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, các nền kinh tế châu Á từ Nepal đến Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) đã báo cáo mức tăng kỷ lục về số ca nhiễm ghi nhận hàng ngày trong vài tuần qua. Ấn Độ cũng đang đối mặt với làn sóng dịch thứ hai tồi tệ với số ca nhiễm mỗi ngày vẫn tăng, mặc dù có xu hướng giảm so với thời kỳ cao kỷ lục vào đầu tháng 5 vừa qua.

Ngoài các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, ông Peng cho biết ông nhận thấy cơ hội mua cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc. Ông nói rằng giá cổ phiếu của một số cổ phiếu trong số đó đã giảm do sự giám sát của cơ quan quản lý.

Vị chiến lược gia này cũng cho biết ông cảm thấy "rất tích cực" về thị trường hàng hóa, với nhu cầu từ Trung Quốc, Mỹ và châu Âu có thể sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định.

"Những quốc gia sắp đạt miễn dịch cộng đồng với COVID-19 sẽ tiếp tục chứng kiến nhu cầu hàng hóa tăng lên. Vì vậy, tôi nghĩ rằng khi sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục, chúng ta không nên lo lắng quá nhiều về thị trường hàng hóa vào lúc này.", ông Peng nói.

Như Ngọc