|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiến thuật đằng sau chương trình tiêm chủng COVID-19 thành công của Mỹ, Anh

12:00 | 26/05/2021
Chia sẻ
Mỹ và Anh đang là những quốc gia dẫn đầu về tốc độ tiêm chủng vắc xin COVID-19, ước tính trong vòng chưa đầy ba tháng nữa, hai quốc gia này có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử đang diễn ra với hơn 1,68 tỷ liều vắc xin COVID-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới ở 176 quốc gia, theo dữ liệu do Bloomberg thu thập tính đến 25/5. Cập nhập mới nhất, mỗi ngày có khoảng 28,9 triệu liều được sử dụng.

Trong đó, Mỹ và Anh là những quốc gia đang dẫn đầu trong cuộc đua tiêm chủng này, với tốc độ tiêm chủng hiện có, ước tính Mỹ chỉ cần thêm ba tháng nữa để có thể đạt miễn dịch cộng đồng (tiêm chủng cho 75% dân số), con số này ở Anh là hai tháng.

Anh tạo dựng niềm tin cho công dân về vắc xin COVID-19

Theo thông tin từ Chính phủ Anh, tính đến ngày 19/5, cứ 10 người lớn ở Anh thì có 7 người đã tiêm liều vắc xin COVID-19 đầu tiên. 

Nước Anh hiện đã sử dụng tổng cộng 57,8 triệu liều vắc xin chỉ trong hơn 5 tháng từ ngày 8/12 đến ngày 18/5, với kết quả 36,9 triệu người dân Anh đã tiêm liều đầu tiên (chiếm 70,2% dân số) và 20,8 triệu người dân Anh đã tiêm đầy đủ cả hai liều (chiếm 39,6% dân số).

Những chiến thuật đằng sau chương trình tiêm chủng COVID-19 thành công của Mỹ, Anh - Ảnh 1.

Người dân ở Soho, London khi một số biện pháp ngăn chặn COVID-19 của Anh đã được chính phủ nới lỏng. Nhờ chương trình triển khai vắc xin hiệu quả, nước Anh cuối cùng cũng tạm biệt những tháng khó khăn. (Ảnh: AP).

Chính phủ Anh đã đạt được mục tiêu là cung cấp vắc xin cho những người dễ bị tổn thương nhất vào ngày 15/4 và vẫn đang trên đà cung cấp liều tiêm đầu tiên cho tất cả người trưởng thành vào cuối tháng 7 năm nay. Dịch vụ y tế quốc gia Anh NHS sẽ gửi tin nhắn cho người dân trong độ tuổi 36, 37 để lên lịch tiêm chủng.

Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc Xã hội Matt Hancock cho biết, vắc xin đang lật ngược tình thế dịch bệnh ở đây và ông tự hào vì Anh là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cho người dân cao nhất trên thế giới, với 90% người dân đã hoặc sẽ được tiêm chủng.

Tiến sĩ Emily Lawson, người đứng đầu NHS Anh trong chương trình tiêm chủng COVID-19, cho biết đây là chương trình tiêm chủng nhanh nhất và thành công nhất trong lịch sử của NHS.

Theo Vox, một trong những chiến thuật giúp chương trình tiêm chủng của Anh thành công đó là cách tiếp cận và phản ứng của nước này trước những tin tức xấu về vắc xin. Đó là một cách tiếp cận giúp phát triển lòng tin của công chúng đối với vắc xin.

David Comerford, chuyên gia của Đại học Stirling ở Anh, người nghiên cứu về tình trạng do dự tiêm vắc xin cho biết: "Truyền thông y tế của Anh khá xuất sắc.".

Khi có tin vắc xin Johnson & Johnson và AstraZeneca gây ra hiện tượng đông máu bất thường, Mỹ và EU đã ngay lập tức tạm dừng phân phối những loại vắc xin này. Điều này khiến niềm tin của công chúng đối với vắc xin giảm ngay lập tức, kéo theo việc tiêm chủng bị đình trệ.

Ngược lại, Anh đã không tạm dừng vắc xin, thay vào đó, NHS đã khuyến cáo những người dưới 30 tuổi hoặc có xu hướng đông máu nên tiêm vắc xin Moderna hoặc Pfizer/BioNTech thay thế và tư vấn cho mọi người về những triệu chứng cần theo dõi.

Một cuộc thăm dò ý kiến của Chính phủ Anh cho thấy tỷ lệ do dự với vắc xin của người dân Anh rất thấp, chỉ khoảng 6% nói rằng họ sẽ không tiêm vắc xin. Trong khi ở Mỹ tỷ lệ này là 26%.

Bên cạnh đó, chương trình tiêm vắc xin của Anh được triển khai tập trung do NHS điều hành, toàn bộ quy trình đặt lịch tiêm vắc xin đều được thực hiện trên một trang web duy nhất của NHS.

Với hồ sơ chăm sóc sức khỏe của tất cả người dân có sẵn trên hệ thống, NHS sẽ biết những người nào đủ điều kiện nhận vắc xin và liên hệ qua điện thoại, email hoặc tin nhắn, nhờ đó mọi người không phải hoang mang về việc mình có đang thuộc đối tượng được tiêm chủng hay không.

Một cách để giảm bớt sự do dự của người dân về vắc xin là tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt. Ban biên tập của tờ Guardian cho rằng đây chính là một yếu tố khiến Anh có tỷ lệ do dự đặc biệt thấp, càng có nhiều người tiêm vắc xin, việc tiêm phòng càng trở nên bình thường, tạo ra một vòng tròn về sự tự tin phát triển.

Mỹ thiết lập hệ thống dày đặc các điểm tiêm chủng

Những chiến thuật đằng sau chương trình tiêm chủng COVID-19 thành công của Mỹ, Anh - Ảnh 2.

Người dân Mỹ nhận vắc xin phòng COVID-19 tại một điểm tiêm chủng hàng loạt tại Trung tâm Sự kiện Lumen Field ở Seattle, Washington, Mỹ ngày 13/3. (Ảnh: Reuters).

Theo AP, hôm 21/4, Tổng thống Joe Biden thông báo, Mỹ đã tiêm 200 triệu liều vắc xin COVID-19 tính từ khi ông lên nắm quyền vào cuối tháng 1. Cũng ở thời điểm đó, ông Biden cho biết, tất cả người trưởng thành tại Mỹ đều có đủ điều kiện để tiêm phòng.

Theo tờ CNN, dữ liệu được công bố hôm 23/5 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, khoảng 61,3% người dân trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin và khoảng 49,6% được tiêm chủng đầy đủ hai mũi. Hơn 49% tổng dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một mũi, trong đó hơn 39% dân số được tiêm chủng đủ hai mũi.

Ít nhất 25 bang hiện đã tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất một nửa số cư dân trưởng thành của họ. Quốc gia này đang ghi nhận một số ca nhiễm COVID-19 mới thấp nhất trong khoảng một năm qua và các quan chức cho biết tình hình dịch ở Mỹ có thể sớm trở nên tốt hơn nữa.

Với mục tiêu tiếp cận tất cả những người từ 16 tuổi trở lên tại Mỹ của chính phủ, và thông qua quan hệ đối tác với hơn 40.000 hiệu thuốc bán lẻ, hơn 90% người dân Mỹ sống cách điểm tiêm chủng chỉ trong bán kính 8 km. 

Bên cạnh đó, ông Biden đã đưa ra chính sách mới của liên bang nhằm hỗ trợ người lao động Mỹ được tính lương trong thời gian nghỉ phép để tiêm vắc xin phòng COVID-19; và chương trình tín dụng thuế cho các doanh nghiệp trả lương cho người nghỉ làm để đi tiêm chủng hoặc người cần có thời gian để phục hồi sau khi xuất hiện tác dụng phụ sau tiêm chủng. 

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng hằng ngày gần đây tại Mỹ đang sụt giảm một phần do các thông tin về các biến chứng sau tiêm khiến nhiều người dân do dự. Theo hãng tin AFP, Chính quyền các bang và doanh nghiệp Mỹ đang dùng đủ mọi cách như tặng tiền, bia, vé đi xem các sự kiện thể thao, mở xổ số một triệu USD cho đến đăng quảng cáo... để khuyến khích người dân đi tiêm vắc xin COVID-19.

Như Ngọc