VDSC: Đợt COVID-19 thứ 4 ảnh hưởng tiêu cực đến phục hồi kinh tế, chưa nên vội đưa ra biện pháp kích thích tài khóa mới
Tròn một tháng xuất hiện và bùng phát đợt dịch thứ 4, tổng số ca cộng đồng tính từ ngày 27/4 đến nay lên 2.872 ca, ghi nhận ở 30 tỉnh thành. Với đặc tính lây lan nhanh của chủng COVID-19 đến từ Anh và Ấn Độ, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội hiện đang là điểm nóng về dịch bệnh, khi Bắc Giang dẫn đầu với 1.454 ca, tiếp theo là Bắc Ninh (556 ca) và Hà Nội (231 ca).
Có thể nói, đây là làn sóng COVID-19 nguy hiểm nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, khi số lượng ca nhiễm nhiều ngày lên mức 3 con số. Để chặn đà lây lan của dịch, các địa phương ngay lập tức áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm tạm ngưng kinh doanh các dịch vụ không cần thiết, đóng cửa các điểm thu hút khách du lịch, hạn chế tụ tập công cộng, đóng cửa trường học và chỉ cho phép mua mang về đối với các cơ sở ăn uống.
Kể từ ngày 18/5, hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đã áp dụng giãn cách xã hội ở một số khu vực và tạm thời đóng cửa 4 khu công nghiệp (KCN).
Theo báo cáo mới công bố, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định sự phục hồi kinh tế có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi làn sóng dịch thứ tư.
COVID-19 lây lan trong các KCN quan trọng
Báo cáo của VDSC đề cập đến vai trò quan trọng của các KCN Bắc Ninh và Bắc Giang. Đây là hai địa phương được coi là trung tâm sản xuất lớn ở miền Bắc, phục vụ nhiều công ty FDI chủ chốt như Samsung, Canon hay các nhà cung cấp của Apple (Foxconn, Luxshare).
Năm 2020, GRDP của Bắc Giang đứng đầu cả nước. Ngoài ra, đáng chú ý xuất khẩu đạt 10,9 tỷ USD (tăng 44,8% so với cùng kỳ). VDSC cho biết Bắc Giang được coi là một ngôi sao đang lên trong việc thu hút FDI với tổng vốn FDI đăng ký là 895 triệu USD Mỹ vào năm 2020.
Vừa qua, Foxconn cũng đã thông báo đầu tư thêm 700 triệu USD vào Bắc Giang để sản xuất thiết bị MacBook và iPad của Apple.
Bắc Giang hiện đang tạm dừng hoạt động 4/6 KCN với 240.000 công nhân nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh COVID-19. Trong số các công ty bị ảnh hưởng có Foxconn, Luxshare - hai đối tác lớn của Apple.
Tiếp giáp với Bắc Giang, Bắc Ninh có 10 KCN với hơn 400.000 công nhân. Hiện các trường hợp COVID-19 đã được phát hiện tại 3 KCN Thuận Thành 2, Quế Võ và Yên Phong. Trong số những người bị nhiễm có công nhân của Samsung Electronics và Canon.
Năm 2020, tăng trưởng GRDP của Bắc Ninh chỉ đạt 1,4%, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh này tương đối cao ở mức 14,9% so với cùng kỳ, tương ứng 39,1 tỷ USD trong năm ngoái.
Tổng giá trị xuất khẩu của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang chiếm một phần đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nhờ xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI lớn (khoảng 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020).
Vì thế các chuyên gia của VDSC nhận định nếu đại dịch tiếp tục bùng phát mạnh ở các KCN của hai tỉnh, hoạt động sản xuất có thể bị ảnh hưởng tiêu cực dẫn đến sự ảnh hưởng lên nền kinh tế chung.
Ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề
Báo cáo của VDSC cho rằng những lo ngại gia tăng về đợt bùng phát mới nhất đã làm giảm sút niềm tin của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Ngoài ra, ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch do các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của virus.
VDSC dẫn khảo sát của Savills, cho thấy, hơn 50% số lượng đặt phòng bị hủy ở các khách sạn và khu nghỉ dưỡng.
Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 cũng tác động trực tiếp đến ngành hàng không. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, các chuyến bay của Vietjet Air và Vietnam Airlines giảm mạnh vào giữa tháng 5 so với ngày 29/4.
Việt Nam ghi nhận sự phục hồi cả về sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ trong tháng 4/2021, tuy nhiên, VDSC cho rằng các chỉ số kinh tế này trong tháng 5 có thể giảm so với tháng trước do đợt bùng phát thứ 4 của COVID-19
Chưa nên vội đưa ra biện pháp kích thích tài khóa mới
VDSC cho biết hiện Chính phủ vẫn tập trung vào mục tiêu kép, vừa khôi phục sản xuất tại các khu công nghiệp, vừa phòng dịch.
Biện pháp kích thích tài khóa mới vẫn chưa được đề cập đến nhưng một số Bộ ngành đã đề xuất gia hạn chính sách miễn/giảm thuế và phí cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Ngoài ra cũng có thêm đề xuất cắt giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
VDSC khuyến nghị chưa nên vội đưa ra một biện pháp kích thích tài khóa mới, mà ưu tiên chính hiện nay là ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh để bảo vệ hoạt động sản xuất bình thường của các công ty FDI quy mô lớn ở miền Bắc.