|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hệ lụy kinh tế nghiêm trọng khi làn sóng COVID-19 lan tới chân các khu công nghiệp

07:00 | 22/05/2021
Chia sẻ
4 khu công nghiệp (KCN) đóng cửa, 136.000 công nhân, hàng trăm doanh nghiệp tạm dừng sản xuất,... là những gì đã xảy ra tại Bắc Giang, một trong những tỉnh tập trung các khu công nghiệp lớn ở miền Bắc khi dịch COVID-19 ập đến.
Hệ lụy khi làn sóng COVID-19 lan tới chân các khu công nghiệp - Ảnh 3.

Bắc Giang có lượng lao động di cư khá lớn - khoảng 240.000 công nhân đến từ 57 tỉnh thành, làm việc trong 6 khu công nghiệp trên địa bàn. (Ảnh: VOV).

Trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 diễn ra tại Việt Nam, Bắc Giang là tỉnh có tình hình dịch phức tạp nhất. Địa phương này dẫn đầu cả nước về số bệnh nhân COVID-19 với 728 trường hợp tính đến 12h ngày 21/5, đa phần trường hợp liên quan các KCN Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê – Nội Hoàng.

Tại cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp tối 17/5 trước khi đưa ra quyết định tạm dừng hoạt động 4 KCN, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhận định chưa bao giờ dịch lại phức tạp như hiện nay. Ngoài các ca dương tính, Bắc Giang có hơn 6.000 F1 đang cách ly tập trung, 30.000 F2 cách ly tại nhà.

Có thể thấy rằng việc đóng cửa sản xuất đối với cả một khu công nghiệp là một quyết định cực kỳ khó khăn đối với Bắc Ninh thời điểm đó.

Đa phần doanh nghiệp đề xuất không tạm dừng sản xuất. Việc dừng trong một tuần hay hơn đều khiến công ty thiệt hại lớn, đối tác dừng thậm chí cắt đơn hàng, theo báo Bắc Giang.

Chuỗi sản xuất đứt gãy...

Công ty TNHH Hosiden Việt Nam Hosiden, ổ dịch lớn nhất tại Bắc Giang với 390 ca nhiễm (số liệu tính đến 17h30 ngày 20/5), là doanh nghiệp có khoảng 6.000 công nhân và là một trong những nhà cung ứng cấp 1 của Samsung. Doanh thu năm 2019 của Hosiden đạt gần 14.800 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày 40,5 tỷ đồng.

Như vậy có thể hình dung mỗi ngày doanh nghiệp đóng cửa ngừng hoạt động, hàng chục tỷ đồng doanh thu không còn, hàng nghìn người không có việc làm và còn nhiều hệ luỵ phía sau do đây là một mắt xích trong chuỗi cung ứng sản xuất.

Hệ lụy khi làn sóng COVID-19 lan tới chân các khu công nghiệp - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại KCN Vân Trung, Bắc Giang. (Ảnh: Thanh niên).

Trong một chuỗi sản xuất khi một mắt xích bị dừng lại thì có thể cả chuỗi bị ảnh hưởng, thậm chí cũng phải ngưng lại sau khi dùng hết lượng hàng dự trữ.

Mặt khác, đặc điểm của các nhà máy trong KCN là đông đúc và phần lớn hoạt động trong môi trường kín, mật độ cơ sở dịch vụ và số lượng xe đưa đón công nhân lớn là những yếu tố khiến nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, mặc dù các ca nhiễm chỉ xuất hiện ở vài công ty nhưng hàng trăm phân xưởng, nhà máy khác cũng phải chịu ảnh hưởng và buộc phải tạm dừng sản xuất.

"Chuỗi sản xuất, cung ứng sẽ bị đứt gãy nếu để dịch bệnh lây lan trong các KCN. Nền kinh tế của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chúng ta để 'thủng' các KCN", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh tầm quan trọng của các KCN tại một cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch mới đây.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu để dịch COVID-19 lan rộng trong các KCN sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt kinh tế và xã hội. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng quyết định đóng cửa 4/6 KCN của Bắc Giang là bất đắc dĩ, doanh nghiệp nên thông cảm và ủng hộ.

Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, sẽ thiệt đơn thiệt kép nếu để COVID-19 lan rộng trong khu KCN, dịch phát tán trên quy mô rộng sẽ tác động trực tiếp đến dây chuyền sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nói chung.

Số công nhân phải ngừng việc tăng lên từng ngày

Tại cuộc họp hôm 17/5, Liên đoàn Lao động Bắc Giang cho biết có hơn 51.000 công nhân của 54 doanh nghiệp ở các KCN của Bắc Giang đã phải cách ly, ngừng việc. Số lao động ở Bắc Giang phải ngừng việc sẽ còn tăng mạnh theo từng ngày vì từ 18/5, 4 KCN mới được yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Sức khỏe cộng đồng LIGHT, Giám đốc Quỹ Vòng tay Nhân ái đánh giá ảnh hưởng trước mắt đến cuộc sống của công nhân tạm ngừng việc là khá nặng nề. 

Bà cho biết tỉnh Bắc Giang có khoảng 240.000 công nhân đến từ 57 tỉnh thành, làm việc trong 6 khu công nghiệp trên địa bàn và đây là nhóm đối tượng dễ chịu tổn thương nhất trong đại dịch. 

"Trong các khảo sát của chúng tôi, cho thấy gần như các nhóm lao động di cư không có nhiều tiền dự phòng. Khi bị cách ly hoặc ngừng việc họ sẽ gặp khó khăn trong chi tiêu hàng ngày, thậm chí cho những nhu cầu tối thiểu... Họ xa gia đình, đa phần phải thuê nhà, phải chi trả những chi phí khác nhiều hơn so với nhóm lao động sở tại", bà Giang nói.

Hệ lụy khi làn sóng COVID-19 lan tới chân các khu công nghiệp - Ảnh 2.

Nhân viên y tế ghi thông tin của công nhân KCN trước khi lấy mẫu xét nghiệm. (Ảnh: Báo Bắc Giang).

Ngoài ra, bà Giang cũng đề cập đến áp lực về mặt tinh thần với nhóm lao động di cư phải tạm ngừng việc và xa gia đình. Bà cho rằng nếu dịch không được kiểm soát và lan rộng trong các KCN thì ảnh hưởng lâu dài sẽ rất lớn.

Bà Giang nhắc lại ba làn sóng dịch trước đó khiến một số doanh nghiệp phải đóng cửa hoàn toàn, thậm chí phá sản, người lao động, đặc biệt lao động ở KCN đứng trước nguy cơ cao mất việc làm, chuyển đổi việc làm. Hiện nay chưa thể đánh giá cụ thể về ảnh hưởng của dịch với các KCN, nhưng dễ dàng nhận thấy không chỉ Bắc Giang bị ảnh hưởng mà còn kéo theo hệ lụy. 

"240.000 lao động ở các tỉnh thành bị ảnh hưởng đồng nghĩa kéo theo từng đó gia đình bị ảnh hưởng. Một doanh nghiệp tạm dừng hoạt động ảnh hưởng đến tất cả lao động của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới chính sự phát triển của địa phương. Đó sẽ là câu chuyện rất dài", bà Giang cho biết.

Doanh nghiệp bảo đảm đủ điều kiện an toàn thì được phép quay lại sản xuất

Xác định được vai trò quan trọng và nguy cơ dịch bệnh tại các trọng điểm là khu công nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát động các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh tập trung toàn lực để kiểm soát dịch COVID-19. 

Việc chống dịch tại các "cứ điểm" là các KCN là một thách thức lớn đối với các tỉnh khi trên thực tế tới thời điểm hiện tại chưa địa phương nào có kinh nghiệm chống dịch liên quan đến các KCN lớn, hàng trăm nghìn công nhân.

Xét nghiệp mẫu gộp, cách ly F1 tại nhà, tự lấy mẫu xét nghiệm, giám sát bằng công nghệ,... là những gì đã và đang được thực hiện tại các KCN hiện nay.

Trong 371 ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Ninh có 6 ca trong khu công nghiệp, trong đó 5 ca của Samsung và Canon. Tỉnh Bắc Ninh quyết tâm giữ các khu công nghiệp không phải ngừng hoạt động sau khi khoanh gọn các ổ dịch ngoài cộng đồng.

Hệ lụy kinh tế nghiêm trọng khi làn sóng COVID-19 lan tới chân các khu công nghiệp - Ảnh 5.

Lãnh đạo các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cho biết đang phối hợp có phương án đảm bảo hoạt động, tránh chuỗi đứt gãy sản xuất của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. (Ảnh: VGP).

Đến ngày 20/5, dịch bệnh tạm thời trong tầm kiểm soát, Phó Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của tỉnh Bắc Ninh cho phép các nhà cung ứng cấp 1 (vender) của công ty Samsung tại Bắc Giang đang cung ứng cho Samsung Bắc Ninh và Thái Nguyên được quay trở lại sản xuất nếu đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

"Không để ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lãnh đạo hai tỉnh này cho biết đang phối hợp với nhau để có phương án đảm bảo hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn, đa quốc gia như Samsung, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Ngày 21/5, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương ban hành văn bản gỡ vướng cho sản xuất, lưu thông hàng hoá, theo hướng: nhà máy nào đảm bảo 4 tiêu chí sau sẽ được trở lại hoạt động.

Thứ nhất, tất cả công nhân đều được quản lý chặt chẽ cả trong giờ và sau giờ làm việc.

Thứ hai, tiến hành xét nghiệm sàng lọc trong nhà máy theo chu kỳ tối thiểu 3 ngày/lần hoặc tiến hành xét nghiệm nhanh hằng ngày.

Thứ ba, trong nhà máy phải đảm bảo giãn cách ở mức cần thiết.

Thứ tư, phương tiện vận chuyển hàng hoá phải được khử khuẩn, lái xe được xét nghiệm hàng ngày,...

Đại diện Bộ Công an cũng đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài phải có phương án quản lý chặt chuyên gia theo hướng các chuyên gia nước ngoài phải ở lại nhà máy (ký túc xá hoặc khu nhà ở cho chuyên gia), không đi lại giữa nhà máy và nơi cư trú…

Tất cả những biện pháp được đưa ra đều hướng đến một mục tiêu chung "vừa phải đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa duy trì sản xuất".

Anh Đào