Những cái nhất của ngành ngân hàng thế giới
Quốc gia có nhiều ngân hàng nhất
Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), vào năm 2022, thế giới có 10.691 ngân hàng. Trong đó, quốc gia sở hữu nhiều ngân hàng nhất là Mỹ, với 4.097 nhà băng. Còn nếu sử dụng số liệu của Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), tính đến quý II/2023, nước Mỹ có 4.071 ngân hàng, với tổng tài sản đạt 22.191 tỷ USD.
Trong đó, có 140 tổ chức với tổng tài sản từ 10 tỷ USD trở lên, 14 tổ chức có tổng tài sản lớn hơn 250 tỷ USD. Để dễ hình dung, ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam là BIDV với 88 tỷ USD, số liệu vào cuối quý II/2023.
Tuy nhiên, Mỹ cũng có tới 642 những ngân hàng “bé hạt tiêu”, với tổng tài sản ít hơn 100 triệu USD. Trong khi đó, ngân hàng niêm yết với tổng tài sản nhỏ nhất tại Việt Nam là Saigonbank, đạt hơn 1 tỷ USD. Ngân hàng nhỏ nhất nước Mỹ - Kentland Federal Savings and Loan - có tổng tài sản vào quý III/2023 là 2,9 triệu USD, bằng khoảng 1/400 so với nhà băng nhỏ nhất của Việt Nam.
Xếp sau Mỹ là Nga (366 ngân hàng), Anh (294 ngân hàng), Đức (241 ngân hàng) và Thụy Sỹ (235 ngân hàng). Trung Quốc, Ấn Độ, quốc gia với 1,4 tỷ dân lại chỉ đứng vị trí thứ 8 và 9 với 184 và 141 ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu xét về số lượng chi nhánh ngân hàng, Trung Quốc và Ấn Độ vượt xa tất cả các quốc gia còn lại. Trung Quốc có 102.631 phòng giao dịch, trong khi Ấn Độ có tới 151.369 phòng giao dịch trên cả nước.
Ngân hàng tại Mỹ nhiều về số lượng và đa dạng về quy mô đến như vậy là do các quy định từ thế kỷ 19, hạn chế phạm vi hoạt động của các nhà băng.
Một số bang cho phép ngân hàng mở chi nhánh ở khắp nơi, số khác lại chỉ cho phép mở chi nhánh tại thành phố hoặc hạt mà ngân hàng đó đặt trụ sở.
Một số khác thậm chí còn cấm ngân hàng mở chi nhánh và chỉ được có duy nhất một trụ sở. Những quy định này nhằm mục đích ngăn cản các ngân hàng trở nên quá lớn mạnh.
Vào năm 1920, Mỹ từng có khoảng gần 30.000 ngân hàng, gấp 3 lần so với tổng số ngân hàng trên thế giới năm 2022.
Nhìn chung, số ngân hàng trên thế giới đang ngày càng giảm đi do xu hướng sáp nhập giữa các nhà băng, tạo thành những ngân hàng lớn hơn, tăng khả năng cạnh tranh cũng như đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe. Vào năm 2013, toàn thế giới có hơn 13.611 ngân hàng, cao hơn 30% so với hiện nay.
Ngân hàng lớn nhất thế giới
Trong danh sách 100 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất thế giới năm 2023 do S&P Global tổng hợp, các nhà băng tại Trung Quốc đã chiếm trọn 4 vị trí đầu tiên.
Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) dẫn đầu trong danh sách này, với tổng tài sản vào cuối năm 2022 là 5.743 tỷ USD.
Đến cuối quý III/2023, tổng tài sản của ICBC đã tăng 12,3% so với cuối năm 2022, đạt gần 6.100 tỷ USD (theo tỷ giá ngày 29/9).
Ba vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) và Ngân hàng Trung Quốc (BoC).
Trong khi đó JPMorgan Chase, nhà băng lớn nhất nước Mỹ, ghi nhận tổng tài sản ở mức 3.666 tỷ USD, đứng vị trí thứ 5 trong danh sách.
Đến cuối quý III/2023, tổng tài sản của ông lớn này đã tăng lên 3.898 tỷ USD. Lưu ý rằng các ngân hàng Mỹ và Nhật Bản sử dụng chuẩn mực kế toán GAAP, trong khi phần lớn các nhà băng còn lại sử dụng IFRS.
Tổng tài sản được báo cáo theo chuẩn mức GAAP thường thấp hơn so với IFRS. Trong danh sách 100 ngân hàng lớn nhất của S&P 500, có 20 đại diện đến từ Trung Quốc. Quốc gia có nhiều ngân hàng khổng lồ thứ hai là Mỹ, với 11 đại diện. 8 ngân hàng của Nhật Bản cũng góp mặt trong danh sách. Để lọt vào top 100, tổng tài sản tối thiểu mà các ngân hàng phải đạt được là 302 tỷ USD.
Ngân hàng lâu đời nhất
Danh hiệu ngân hàng lâu đời nhất thế giới thuộc về Banca Monte dei Paschi di Siena (MPS) từ Italy. Khởi nguồn của ngân hàng này là một tổ chức tín dụng nhỏ, với mục đích từ thiện, được thành lập vào năm 1472 (551 năm trước).
Tới năm 1624, MPS đã được chính quyền Tuscany chuyển đổi trở thành một ngân hàng thực sự. Hiện nay, MPS là nhà băng lớn thứ 5 của Italy với 3,3 triệu khách hàng và tổng tài sản 129 tỷ USD. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ công châu Âu, MPS đã luôn trong tình cảnh khó khăn.
Một số quan điểm khác lại cho rằng ngân hàng Berenberg của Đức mới là nhà băng lâu đầu nhất thế giới. Ngân hàng này được thành lập vào năm 1590 và đã liên tục hoạt động như một ngân hàng kể từ đó đến nay. Ngân hàng đầu tiên của Mỹ là Bank of New York, được thành lập vào năm 1784. Tới năm 2007, Bank of New York sáp nhập Tập đoàn Tài chính Mellon, trở thành BNY Mellon.
Tính đến cuối quý III/2023, BNY Mellon có tổng tài sản là 405,2 tỷ USD, là nhà băng lớn thứ 11 của Mỹ. Phải tới 15 năm sau, vào năm 1799 thì tiền thân của JPMorgan Chase là Manhattan Company mới được thành lập. Mặc dù sở hữu 4 ngân hàng đứng đầu thế giới về tổng tài sản, nhà băng lâu đời nhất tại Trung Quốc phải tới đầu thế kỷ 20 mới xuất hiện.
Bank of Communications được thành lập vào năm 1908, hiện là ngân hàng lớn thứ 6 tại Trung Quốc. Tại Việt Nam, danh hiệu nhà băng lâu đời nhất thuộc về BIDV, với tuổi đời 66 năm. Ngày 26/4/1957, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (tiền thân BIDV) chính thức được thành lập. Đến nay, BIDV đang nắm giữ danh hiệu ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam.
Ngân hàng có lợi nhuận cao nhất thế giới
Theo thống kê từ CompaniesMarketCap, JPMorgan Chase là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất thế giới, đạt 63,5 tỷ USD trong 4 quý gần nhất (tính đến quý III/2023) JPMorgan ghi nhận kết quả tích cực trong những quý gần đây khi Fed nâng lãi suất giúp ngân hàng có thể thu được nhiều tiền hơn từ hoạt động cho vay, trong khi lãi suất huy động vẫn được duy trì ở mức gần bằng 0.
Trong khi đó, ICBC, nhà băng lớn nhất thế giới, lại tụt xuống vị trí thứ hai về lợi nhuận khi thu nhập lãi thuần (NIM) thu hẹp do phải hạ lãi suất, hỗ trợ ngành bất động sản nói riêng và nền kinh tế Trung Quốc nói chung.
Nhìn chung, kể từ khi khủng hoảng bất động sản bắt đầu, lợi nhuận các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đều đi ngang hoặc thụt lùi. Mặc dù không nằm trong top 10 ngân hàng lớn nhất, nhưng UBS, CM Bank, Citigroup lại lọt danh sách những ngân hàng có lãi cao nhất.
Ngoài ra, Sberbank của Nga cũng có khả năng nằm trong danh sách top 10, do nhà băng này vừa công bố kết quả kinh doanh quý III cao kỷ lục. Sberbank không công bố báo cáo tài chính cho quý IV/2022.
Ngân hàng trung ương giữ nhiều vàng nhất
Vàng là một thành tố quan trọng trong dự trữ ngoài hối của bất kỳ ngân hàng trung ương nào bởi tính an toàn, thanh khoản và lợi nhuận.
Các ngân hàng trung ương là một trong những bên nắm giữ nhiều vàng nhất, chiếm 1/5 tổng số vàng đã khai thác trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Đứng đầu danh sách trên là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với hơn 8.133 tấn vàng, trị giá 489 tỷ USD.
Số vàng này chiếm 68% dự trữ ngoại hối của Mỹ và được cất giữ tại 4 kho chính, với an ninh ở mức cao nhất. Trước khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ, Mỹ từng nhận lưu ký và cất giữ vàng cua các quốc gia khác để đổi lấy USD.
Có lúc khoảng 90 - 95% tổng dự trữ vàng toàn cầu (khoảng hơn 20.000 tấn) nằm trong kho của Mỹ. Đức, Italy và Pháp lần lượt chiếm ba vị trí tiếp theo trong danh sách.
Cả ba quốc gia này ghi nhận vàng chiếm hơn 60% dự trữ ngoại hối. Ở vị trí thứ 5 là Nga, với 2.333 tấn vàng. Kể từ năm 2014, khi cuộc xung đột Ukraine lần đầu nổ ra, Nga đã bắt đầu xây dựng kho dự trữ ngoại hối khổng lồ. Số vàng trong dự trữ của Nga đã tăng hơn hai lần so với 2014.
Kho vàng của Nga đã tăng thêm 34 tấn so với đầu năm. Trung Quốc là quốc gia sở hữu kho vàng lớn thứ 6 trên thế giới, với 2.215 tấn. Trong 9 tháng đầu năm nay, quốc gia này đã mua vào thêm 190 tấn vàng – tốc độ nhanh chưa từng có.
(Trích dẫn từ Đặc san Doanh nhân Việt Nam xuân Giáp Thìn)