|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Ngân hàng ngầm' dễ gây khủng hoảng tài chính hơn các nhà băng như SVB, Credit Suisse

17:16 | 07/04/2023
Chia sẻ
Hệ thống tài chính phi ngân hàng đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Các chuyên gia cảnh báo rằng những tổ chức này đang tạo nguy cơ lớn đến tính ổn định của nền tài chính toàn cầu.

Theo CNN, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cảnh báo về “những lỗ hổng” tại các tổ chức tài chính phi ngân hàng, cho rằng sự ổn định tài chính toàn cầu có thể phụ thuộc vào sự bền bỉ của những “ngân hàng ngầm này”. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng đưa ra những cảnh báo tương tự vào tháng trước.

Những nhà đầu tư được Bank of America khảo sát chỉ ra rằng một nhóm các tổ chức phi ngân hàng của Mỹ, chứ không phải nhà băng truyền thống, có khả năng cao nhất trở thành nguyên nhân cho khủng hoảng tín dụng.

Thuật ngữ tổ chức tài chính phi ngân hàng để chỉ các công ty tài chính, không bao gồm ngân hàng, cung cấp tất cả các loại dịch vụ tài chính, bao gồm cho vay hộ gia đình và doanh nghiệp. Những tổ chức nằm trong nhóm này bao gồm: quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, quỹ tương hỗ hay quỹ đầu cơ rủi ro cao.

Theo Ủy ban ổn định tài chính (FSB), các tổ chức phi ngân hàng có khoảng 239.000 tỷ USD tài sản vào năm 2021, chiếm gần một nửa tổng tài sản tài chính của thế giới. Dữ liệu của FSB cho thấy lĩnh vực này đã phát triển mạnh mẽ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, với tốc độ tăng trưởng tài sản trung bình khoảng 7%/năm.

Khi lãi suất chạm đáy trong nhiều năm, người tiết kiệm và nhà đầu tư đã chuyển sang các tổ chức phi ngân hàng để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Đồng thời, việc các cơ quan quản lý đặt ra nhiều hạn chế đối với hoạt động cho vay của ngân hàng khiến một số đối tượng đi vay nhất định, chẳng hạn như người tiêu dùng ưa rủi ro, tìm đến các tổ chức phi ngân hàng.

Những tổ chức phi ngân hàng cung cấp tín dụng được gọi là “ngân hàng ngầm” hay "ngân hàng bóng tối". Các ngân hàng ngầm hiện chiếm khoảng 14% tài sản tài chính toàn cầu nhưng lại hoạt động không chịu giám sát và yêu cầu minh bạch như nhà băng thông thường.

Các tổ chức phi ngân hàng nắm trong tay 239.000 tỷ USD vào năm 2021.

Rủi ro từ ngân hàng ngầm

Một trong những rủi ro của hệ thống ngân hàng ngầm là tổn thất tín dụng. Trong một báo cáo vào tháng 11, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã chỉ ra “những lỗ hổng lâu dài” trong khu vực phi ngân hàng, bao gồm cả “nguy cơ tổn thất tín dụng đáng kể” nếu khách hàng là các doanh nghiệp bắt đầu vỡ nợ trong bối cảnh kinh tế suy yếu.

Dù triển vọng kinh tế tại châu Âu đã sáng sủa hơn kể từ đầu năm, những lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ đã gia tăng sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, cũng như vụ giải cứu ngân hàng First Republic vào tháng trước.

Các nền kinh tế ở hai bờ Đại Tây Dương vẫn còn mong manh do lãi suất dự kiến sẽ tăng hơn nữa và giá năng lượng vẫn sẽ ở mức cao.

Những quỹ đầu tư như BlackRock nắm hàng nghìn tỷ USD tài sản, chủ yếu dưới dạng cổ phiếu, dễ chịu tác động nếu doanh nghiệp phá sản, vỡ nợ hàng loạt.

Một rủi ro khác bắt nguồn từ “sự chênh lệch thanh khoản” tồn tại ở các quỹ mở. Các quỹ mở cho phép nhà đầu tư rút tiền một cách nhanh chóng, tuy nhiên bản thân các quỹ này lại không có sẵn nhiều tiền để trả cho khách hàng.

Ông Nicolas Charnay, Giám đốc cao cấp về các tổ chức tài chính châu Âu tại S&P Global Ratings, nhận định: “Lãi suất tăng và triển vọng kinh tế không chắc chắn cũng khiến việc tài trợ cho một số tổ chức phi ngân hàng tại châu Âu đắt đỏ, khó tiếp cận hơn”.

Vì tổ chức phi ngân hàng không thể nhận tiền gửi từ khách hàng nên cũng không phải chịu những yêu cầu khắt khe về khả năng hấp thụ vốn và thanh khoản như ngân hàng thông thường. Đồng thời, hầu hết cũng không phải chịu sự kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý.

Trong một báo cáo, S&P Global Ratings chỉ ra một điểm đáng báo động khác của nhiều tổ chức phi ngân hàng: “Các ngân hàng ngầm không thể tiếp cận nguồn hỗ trợ khẩn cấp của ngân hàng trung ương trong thời điểm căng thẳng. Chúng tôi cũng không kỳ vọng chính phủ sẽ sử dụng ngân sách để tái cấp vốn cho một ngân hàng ngầm bị sụp đổ”.

“Các cơ quan công quyền sẽ có ít công cụ để giảm thiểu rủi ro lây lan”, cơ quan xếp hạng tín dụng này cho biết.

Khó khăn tại lĩnh vực tài chính phi ngân hàng cũng có thể tác động tới những tổ chức cho vay truyền thống. Các tổ chức phi ngân hàng vừa cho vay và vay tiền từ nhà băng thông thường. Đồng thời, các tổ chức tài chính nói chung thường đầu tư vào cùng một loại tài sản.

Một ví dụ điển hình là sự sụp đổ của quỹ đầu cơ Archegos Capital Management hai năm trước, gây ra khoản lỗ trị giá khoảng 10 tỷ USD trong lĩnh vực ngân hàng. Hơn một nửa khoản lỗ này rơi vào Credit Suisse - nhà băng vừa bị UBS thâu tóm khẩn cấp hồi tháng trước.

Rủi ro nằm ở đâu?

Các nhà phân tích cho biết những quỹ mở đang đối mặt với nhiều rủi ro. Nếu nhà đầu tư hoảng loạn và rút tiền cùng một lúc, các quỹ này sẽ phải bán tháo một số tài sản để đáp ứng nhu cầu khách hàng - tương tự như SVB.

Và việc bán tháo sẽ làm giảm giá trị tài sản, gây tổn thất cho những người nắm giữ cùng một loại tài sản, bao gồm cả ngân hàng thông thường. Vào mùa thu năm ngoái, các quỹ hưu trí ở Anh đã bán tháo trái phiếu chính phủ, tạo ra một “vòng xoáy luẩn quẩn” trên thị trường, suýt nữa làm sụp đổ hệ thống tài chính Anh.

Những liên kết trực tiếp và gián tiếp giữa nhà băng và tổ chức phi ngân hàng không phải là rủi ro duy nhất cho toàn hệ thống. Niềm tin cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng. “Không nên đánh giá thấp hình thức rủi ro lây lan thông qua quan hệ mật thiết hoặc rủi ro danh tiếng”, S&P Global Ratings cho biết.

Các cơ quan quản lý đã bắt đầu đóng vai trò tích cực hơn. Vào tháng 3, BoE tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc kiểm tra đối với hệ thống tài chính nước Anh, bao gồm cả các tổ chức phi ngân hàng. Cơ quan giám sát tài chính tại Mỹ và châu Âu cũng đề xuất giới thiệu cơ chế nhằm hạn chế việc rút tiền ồ ạt từ các quỹ thị trường tiền tệ. 

Trong một báo cáo về các tổ chức phi ngân hàng được công bố trong tuần này, IMF hoan nghênh “sự giám sát chặt chẽ hơn” đối với lĩnh vực trên.

Minh Quang

ADB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,4% năm 2024 và 6,6% năm 2025
Theo các chuyên gia từ ADB, hoạt động thương mại của Việt Nam mạnh hơn dự kiến, sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, và việc tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, tổ chức này đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam.