|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

300 tỷ USD tiền gửi bị rút khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ chỉ trong vòng hai tuần

14:44 | 02/04/2023
Chia sẻ
Tiền gửi tại các ngân hàng Mỹ đã giảm khoảng 300 tỷ USD trong vòng khoảng hai tuần khi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ. Các chuyên gia cho biết khủng hoảng ngân hàng đã tạm lắng xuống, tuy nhiên điều kiện tín dụng vẫn sẽ còn thắt chặt.

Theo Bloomberg, tiền gửi và cho vay tại các ngân hàng Mỹ đã giảm mạnh trong bối cảnh bất ổn tài chính do sự sụp đổ của một loạt ngân hàng gần đây.

Dữ liệu được công bố hôm 31/3 bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy tiền gửi ở ngân hàng thương mại đã giảm 125,7 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 22/3. Tiền gửi của các ngân hàng trong nước giảm 84 tỷ USD, chủ yếu tại các ngân hàng lớn. Trong khi đó, tiền gửi ở những ngân hàng nhỏ đã tăng lên.

Tiền gửi tại các ngân hàng Mỹ đã giảm hàng trăm tỷ USD sau khi SVB sụp đổ (ngày 10/3). 

Cho vay giảm 20,4 tỷ USD, do các khoản vay thương mại và công nghiệp đi xuống. Cho vay bất động sản nhà ở và thương mại, cũng như cho vay tiêu dùng đã tăng so với tuần trước đó.Tương tự như tiền gửi, động cho vay đi xuống ở những ngân hàng lớn, và tăng lên ở các ngân hàng nhỏ.

 

Báo cáo H.8 của Fed bao gồm dữ liệu của hai tuần đầu tiên sau khi Silicon Valley Bank (SVB). Sẽ cần thêm thời gian để đánh giá đầy đủ tác động của tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính và dòng chảy tiền gửi từ các ngân hàng.

Số liệu được công bố vào ngày 30/3 cho thấy các ngân hàng đã giảm vay từ Fed - một dấu hiệu cho thấy nhu cầu thanh khoản có thể đang ổn định. 25 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ chiếm khoảng 3/5 tổng cho vay, tuy nhiên trong một số lĩnh vực, bao gồm bất động sản thương mại, các ngân hàng nhỏ là những nhà cung cấp tín dụng quan trọng nhất.

Ông Stuart Paul, nhà kinh tế học của Bloomberg, nhận định: “Việc dòng tiền lớn lại tiếp tục chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng thêm một tuần nữa có thể phản ánh rằng doanh nghiệp đang ưa thích các quỹ thị trường tiền tệ có lợi suất cao hơn, chứ không phải lo ngại rằng các ngân hàng khu vực có thể bị phá sản”.

“Sự mong manh của hệ thống ngân hàng dường như đã được kiềm chế - với sự phụ thuộc vào cơ chế cho vay của Fed giảm dần trong khoảng thời gian từ 22 đến 29/3. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục kỳ vọng các điều kiện tín dụng sẽ thắt chặt hơn trong tương lai”, ông nói.

Trước cuộc khủng hoảng ngân hàng, các điều kiện cho vay vốn đã thắt chặt do Fed nâng lãi suất. Các nhà kinh tế dự đoán khả năng tiếp cận tín dụng sẽ còn khó khăn hơn với doanh nghiệp và hộ gia đình.

Những dữ liệu quan trọng khác trong báo cáo của Fed bao gồm: tín dụng ngân hàng giảm hơn 76 tỷ USD; cho vay tiêu dùng tăng 4 tỷ USD; cho vay thương mại và công nghiệp - được coi là thước đo hoạt động kinh tế - đã giảm gần 30 tỷ USD; tổng tài sản, bao gồm tiền mặt trong kho tiền, cũng như số dư từ các tổ chức lưu ký và Fed, đã giảm 123,5 tỷ USD; tổng nợ phải trả giảm 105,3 tỷ USD. 

Minh Quang