|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngành ngân hàng Mỹ cho vay hơn 12.200 tỷ USD, tỷ lệ bao phủ nợ xấu 218%

20:35 | 30/03/2023
Chia sẻ

Tính đến cuối năm 2022, các ngân hàng và quỹ tiết kiệm do FDIC bảo hiểm đang cho vay 12.229 tỷ USD, khoảng 47% trong số này là các khoản vay được bảo đảm bằng bất động sản.

Tổng giá trị cho vay tại thời điểm cuối năm 2022 tăng hơn 187% so với ngày đầu tiên của thế kỷ 21 và tăng gần 68% so với ngày đầu năm 2010. 

Theo thống kê của Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) dựa trên báo cáo từ 4.706 ngân hàng và quỹ tiết kiệm (sau đây gọi chung là các ngân hàng), tổng giá trị cho vay và thuê tài chính tại ngày cuối năm 2022 là 12.229 tỷ USD, tăng 8,7% so với một năm trước đó.

Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản vay được bảo đảm bằng bất động sản, có giá trị sổ sách 5.766 tỷ USD và chiếm 47,2% tổng cho vay. Trong đó, giá trị các khoản vay thế chấp để mua nhà cho 1-4 gia đình ở là 2.480 tỷ USD, kế đến là các khoản vay thế chấp bằng bất động sản phi nông nghiệp và phi dân cư trị giá 1.777 tỷ USD.

Các bất động sản khác được dùng làm tài sản thế chấp ở các ngân hàng Mỹ bao gồm đất xây dựng và phát triển, đất nông nghiệp, nhà ở cho >4 gia đình, ….

Nhiều khoản vay của các ngân hàng Mỹ được thế chấp bằng những căn nhà đủ cho 1-4 gia đình ở. 

Ngoài các khoản vay được thế chấp bằng bất động sản, ngành ngân hàng Mỹ còn cho vay trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp, cho vay cá nhân (thẻ tín dụng, …), cho vay nông nghiệp, cho vay các tổ chức tài chính khác, ….

Tỷ lệ nợ xấu của các khoản cho vay bất động sản là 0,9%, của khoản vay công nghiệp và thương mại là 0,67% và cho vay cá nhân là 0,85%. Tỷ lệ nợ xấu chung toàn ngành tại ngày cuối quý IV/2022 là 0,73%.

 

Tại ngày cuối năm 2022, các ngân hàng của nền kinh tế số 1 thế giới đang phải trích lập dự phòng nợ xấu 195,3 tỷ USD, cao nhất kể từ cuối quý I/2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (bằng giá trị dự phòng rủi ro chia cho giá trị nợ xấu) của năm 2022 đạt xấp xỉ 218%, mức kỷ lục kể từ khi có số liệu so sánh vào năm 2002 đến nay.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên cao kỷ lục trong năm 2022.

Về kết quả kinh doanh, các ngân hàng và tổ chức được FDIC bảo hiểm có lãi tổng cộng 263 tỷ USD trong năm 2022, giảm 5,8% so với mức đỉnh lịch sử của năm 2021. Khoảng 96,6% trong số các tổ chức nhận tiền gửi được FDIC bảo hiểm đã báo lãi trong năm vừa qua, tức là chỉ có khoảng 160 trong tổng số 4.706 ngân hàng và quỹ tiết kiệm thua lỗ.

Năm gần đây nhất các tổ chức được FDIC bảo hiểm báo lỗ là 2009 khi hệ thống tài chính đang chìm sâu trong khủng hoảng. Năm 2008, các tổ chức này vẫn báo lãi tổng cộng hơn 9 tỷ USD. Năm 2010, lợi nhuận quay lại mức 85,5 tỷ USD.

Đức Quyền