|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

11 ngân hàng gửi 30 tỷ USD để giải cứu nhà băng lớn thứ 14 của Mỹ First Republic Bank

06:39 | 17/03/2023
Chia sẻ
Một nhóm các định chế tài chính đã thống nhất gửi 30 tỷ USD vào ngân hàng First Republic để thể hiện sự tin tưởng vào hệ thống ngân hàng, tránh một vụ sụp đổ khác sau các biến cố của Silvergate, Signature và Silicon Valley Bank.

Một chi nhánh của First Republic Bank tại Millbrae, bang California, ngày 13/3/2023. (Ảnh: Xinhua)

Theo CNBC, 4 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ là Bank of America, Wells Fargo, Citigroup và JPMorgan Chase sẽ góp mỗi người khoảng 5 tỷ USD, Goldman Sachs và Morgan Stanley mỗi người góp khoảng 2,5 tỷ USD. Các ngân hàng còn lại gồm Truist, PNC, U.S. Bancorp, State Street và Bank of New York Mellon sẽ góp khoảng 1 tỷ USD mỗi người.

11 ngân hàng vừa kể trên đều nằm trong top 15 có tổng tài sản lớn nhất nước Mỹ tính đến ngày 31/12/2022, như biểu đồ dưới đây cho thấy. Bản thân First Republic – ngân hàng được giải cứu – có tổng tài sản gần 213 tỷ USD và xếp thứ 14, theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Silicon Valley Bank – ngân hàng sụp đổ hôm 10/3 – xếp thứ 16.

First Republic Bank có tổng tài sản xếp thứ 14, Silicon Valley Bank xếp thứ 16 tại Mỹ

Sau khi có thông tin Phố Wall hợp sức giải cứu First Republic Bank, thị trường chứng khoán Mỹ lập tức diễn biến tích cực, các chỉ số chuyển từ xanh sang đỏ. Dow Jones có lúc giảm hơn 300 điểm nhưng sau đó đóng cửa tăng 372 điểm.

Thông cáo chung của 11 ngân hàng giải cứu có đoạn viết: “Hành động của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ phản ánh niềm tin vào First Republic và vào các ngân hàng với mọi quy mô. Hành động này cũng cho thấy quyết tâm chung trong giúp đỡ các ngân hàng phục vụ khách hàng và cộng đồng”.

Theo First Republic, 30 tỷ USD tiền gửi này phải có kỳ hạn ít nhất 120 ngày. Giá cổ phiếu các ngân hàng khu vực (regional bank) lao dốc đầu phiên 16/3 nhưng sau đó bật tăng mạnh khi có thông tin về kế hoạch gửi tiền để giải cứu.

Cổ phiếu First Republic có lúc rớt tới 36,5% nhưng đóng cửa có sắc xanh 10%. So với hôm 8/3, giá cổ phiếu First Republic hiện thấp hơn 70%.

Giá cổ phiếu First Republic hiện thấp hơn 70% so với phiên 8/3 khi Silicon Valley Bank bắt đầu có nguy cơ sụp đổ, đồng thời đã giảm gần 85% so với đỉnh lịch sử thiết lập cuối năm 2021.

Chủ tịch Jim Herbert và CEO Mike Roffler cho biết “chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc” tới 11 ngân hàng đã đồng lòng giúp đỡ.

Hôm 12/3, sau khi Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã tiếp quản Silicon Valley Bank (SVB), First Republic thông báo đang có sẵn 70 tỷ USD thanh khoản, chưa kể đến nguồn tiền bổ sung có thể vay từ Chương trình Cấp vốn Kỳ hạn Ngân hàng (BTFP) mới của Fed. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa đủ để ngăn nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu.

Hôm 16/3, First Republic cho biết đang có 34 tỷ USD tiền mặt tính đến ngày 15/3, chưa kể 30 tỷ USD mà 11 ngân hàng khác vừa cam kết hỗ trợ. First Republic đã vay hàng chục tỷ USD từ Fed và Federal Home Loan Bank trong một tuần vừa qua, nhưng dòng tiền gửi chảy ra hiện đã “chậm lại đáng kể”, nhà băng này cho hay. 

 

Nguồn tin của Bloomberg cho biết Capital One Financial – ngân hàng lớn thứ 9 của Mỹ xét theo tổng tài sản cuối năm 2022 – được mời tham dự nhóm góp tiền giải cứu First Republic Bank nhưng đã quyết định từ chối vì Capital One có mô hình hoạt động khác biệt và hiện không có quan hệ làm ăn với First Republic.

Ký ức về LTCM

Thương vụ hỗ trợ First Republic lần này có nhiều điểm tương đồng với kế hoạch giải cứu quỹ đầu cơ Long Term Capital Management (LTCM) năm 1998. Cả hai lần, Phố Wall đều chi tiền và không dùng đến nguồn lực chính phủ.

LTCM được thành lập năm 1994 bởi nhiều “ngôi sao” trong ngành tài chính Mỹ bao gồm ông John Meriwether – cựu Phó Chủ tịch ngân hàng đầu tư Salomon Brothers, ông David Mullins – người từ bỏ chức vụ Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để gia nhập LTCM, và hai nhà kinh tế học Myron Scholes và Robert Merton – những người giành giải Nobel năm 1997 nhờ đột phá trong nghiên cứu phương pháp định giá hợp đồng quyền chọn.

Trong những năm đầu thành lập, LTCM sử dụng các mô hình toán học phức tạp để giao dịch hợp đồng phái sinh phức tạp và đã gặt hái thành công vang dội, thu về tỷ suất lợi nhuận 21% trong năm đầu tiên, 43% trong năm thứ hai và 41% trong năm thứ ba.

Tuy nhiên đến năm 1998, các mô hình định giá của LTCM không còn hiệu quả sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 và khủng hoảng tài chính tại Nga 1998, quỹ phòng hộ này báo lỗ 4,6 tỷ USD trong chưa đầy 4 tháng và cần được giải cứu.

Fed đã triệu tập một cuộc họp gồm lãnh đạo của Merrill Lynch, Goldman Sachs và hàng chục ngân hàng khác. Tất cả đồng ý góp tổng cộng 3,65 tỷ USD để hỗ trợ LTCM và tránh sự sụp đổ của thị trường tài chính.

 

Song Ngọc - Đức Quyền