|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cơ quan quản lý Mỹ giải cứu người gửi tiền tại SVB và Signature Bank, ngăn hoảng loạn lan rộng

08:05 | 13/03/2023
Chia sẻ
Các cơ quan quản lý Mỹ ngày 12/3 đã xây dựng một kế hoạch để giải cứu người gửi tiền tại Silicon Valley Bank (SVB). Đây là bước đi quan trọng nhằm ngăn tâm lý hoảng sợ lan ra toàn hệ thống tài chính.

Silicon Valley Bank (SVB) cấp vốn cho nhiều công ty công nghệ ở vùng Thung lũng Silicon của bang California, cũng như cho nhiều startup trên thế giới. (Ảnh: New York Times).

Hai ngày sau khi SVB sụp đổ và Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) bước vào tiếp quản, một ngân hàng khác là Signature Bank tại New York cũng bị đóng cửa vào hôm 12/3 vì lo ngại rủi ro lây truyền mang tính hệ thống. Signature Bank là một nguồn cấp vốn phổ biến cho các công ty chuyên về tiền mã hóa.

Theo CNBC, các cơ quan quản lý Mỹ cho biết người gửi tiền tại SVB và Signature sẽ có thể tiếp cận được toàn bộ số tiền của mình bắt đầu từ sáng thứ Hai, 13/3.

Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã phê duyệt các kế hoạch giải thể cả hai ngân hàng này “theo một cách có thể bảo vệ tất cả người gửi tiền”.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo việc thành lập Chương trình Cấp vốn Kỳ hạn Ngân hàng (BTFP) với mục tiêu bảo vệ các định chế tài chính khỏi những bất ổn thị trường mà vụ sụp đổ của SVB gây ra.

Một thông cáo chung của Fed, FDIC và Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ không có chuyện giải cứu chủ sở hữu của các ngân hàng, và các kế hoạch hỗ trợ mới nhất sẽ không tiêu tốn tiền thuế của người dân. Cổ đông của các ngân hàng này và một số chủ nợ không có tài sản thế chấp sẽ phải chịu thiệt hại.

“Hôm nay, chúng tôi đang thực hiện những hành động quyết liệt nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng cách củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng”, thông cáo chung của Chủ tịch Fed Jerome Powell, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, và Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg viết.

(Ảnh: Getty Images; Đồ họa: Song Ngọc).

Chương trình BTFP mới được Fed lập ra sẽ cho các ngân hàng, hiệp hội tiết kiệm, liên minh tín dụng và các định chế khác được vay với kỳ hạn cao nhất một năm, giúp giảm căng thẳng về thanh khoản. Những tổ chức vay từ chương trình này của Fed sẽ phải có các tài sản chất lượng cao như trái phiếu Kho bạc, trái phiếu do cơ quan liên bang phát hành và chứng khoán đảm bảo để làm tài sản thế chấp.

“Động thái này sẽ nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng nhằm bảo vệ tiền gửi và đảm bảo việc liên tục cung cấp tiền mặt và tín dụng ra nền kinh tế”, thông cáo của Fed có đoạn viết. “Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẵn sàng giải quyết bất kỳ áp lực về thanh khoản nào có thể nổi lên trong tương lai”.

Bộ Tài chính Mỹ sẽ cung cấp tối đa 25 tỷ USD từ Quỹ Bình ổn Tỷ giá (ESF) để bù lỗ cho chương trình hỗ trợ thanh khoản của Fed nếu cần thiết. CNBC dẫn lời một quan chức Fed cấp cao cho biết số tiền của Bộ Tài chính Mỹ nhiều khả năng sẽ không được dùng đến và chỉ là để phòng xa.

Song Ngọc - Đức Quyền