|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia: Sau vụ Silicon Valley Bank sụp đổ, NHNN sẽ càng kiên định trong việc kiểm soát tỷ lệ LDR

20:58 | 11/03/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng sẽ không có cuộc khủng hoảng nào xảy ra từ vụ việc SVB sụp đổ, song NHNN Việt Nam sẽ càng kiên định việc kiểm soát tỷ lệ LDR của các ngân hàng thương mại trong thời gian tới.

Ngày 10/3, Silicon Valley Bank (SVB) đã bị cơ quan quản lý Mỹ buộc đóng cửa, sau khi khách hàng rút 42 tỷ USD (25% tổng số tiền gửi của ngân hàng này) chỉ trong một ngày, theo Financial Times. Với tổng tài sản trên 200 tỷ USD, SVB trở thành ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau vụ sụp đổ của Washington Mutual năm 2008.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, một lần nữa sai lầm đã lặp lại như giai đoạn khủng hoảng của năm 2008. Vào năm 2018, Donald Trump đã ký sắc lệnh bỏ các quy định trong Dodd Frank, tức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không cần kiểm soát các ngân hàng có quy mô dưới 250 tỷ USD.

Trong năm 2020 và 2021, động thái bơm mạnh tiền của Fed như năm 2001 đã khiến các ngân hàng mạnh tay đầu tư vào các tài sản dài hạn và mạo hiểm hơn, SVB đang có tổng tài sản là 212 tỷ USD và chuyên tập trung đầu tư vào các khoản đầu tư mạo hiểm và startup. Từ khi lãi suất tăng lên thì tốc độ cho vay của SVB đã có xu hướng chậm lại trong năm 2022 và NIM của ngân hàng này cũng thu hẹp dần.

Mô hình quản trị rủi ro của SVB cũng có vấn đề khi ngân hàng này chuyên huy động ngắn và cho vay dài, mô hình này cũng không lạ lẫm ở các ngân hàng Việt Nam. Tóm lại, lượng tiền rẻ từ các chương trình mua trái phiếu (nới lỏng định lượng - QE) của Fed đã khiến SVB quên đi việc quản trị rủi ro của mình.

"Sau vụ việc này, tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ càng kiên định việc kiểm soát tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) của các ngân hàng thương mại (NHTM)," ông Minh cho hay.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam. (Ảnh: NVCC) 

Nói thêm về nguyên nhân sụp đổ của SVB, vị chuyên gia này cho biết các khoản đầu tư của SVB hiện nay đang ghi nhận thua lỗ do ảnh hưởng từ việc lãi suất tăng và các công ty startup có hiện tượng đốt quá nhiều tiền vào lĩnh vực công nghệ.

Tóm lại, đây là một sự cảnh tỉnh về các startup trên thế giới, đặc biệt nhất là Việt Nam. Sau vụ việc này, đề án thành lập sàn giao dịch cho startup nhiều khả năng sẽ không thể thực hiện.

Ngoài ra, việc SVB đầu tư thua lỗ và xin tăng vốn thêm 2,2 tỷ USD nhưng không thành công khiến cổ phiếu bị bán tháo, người gửi tiền quá hoảng loạn dẫn tới việc rút tiền ồ ạt và chuyển qua một ngân hàng khác.

Liệu có cuộc khủng hoảng nào từ SVB? 

Theo ông Thế Minh, sẽ không có cuộc khủng hoảng nào xảy ra từ vụ việc trên. Cụ thể, xét về thanh khoản, LDR của SVB chỉ có 43%, vẫn thấp hơn so với các ngân hàng lớn ở Mỹ là trên 70%.

Bên cạnh đó, tổng tài sản SVB chỉ khoảng 212 tỷ USD, trong đó có 165 tỷ USD là tiền gửi. Trong khi, tổng tài sản của Lehman Brother tại thời điểm năm 2008 lên đến 639 tỷ USD. Do đó, SVB vẫn chưa đủ sức để gây ra 1 cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2008. 

Theo ước tính của ông Minh, ngân hàng có thể thu xếp được 95 tỷ USD để hỗ trợ thanh khoản cho ngày thứ 2 tới đây khi người dân tiếp tục đi rút tiền. Trong đó bao gồm 50 tỷ USD trái phiếu chính phủ, 25 tỷ USD (hàng hóa, CDS,…), 15 tỷ USD tiền mặt của ngân hàng và gần 5 tỷ USD từ các hoạt động tái chính khác đáo hạn từng quý.

Nhìn chung, sẽ có khoảng 58% nguồn tiền để đảm bảo thanh khoản ngắn hạn. Song điều này có thể gây ra hành động bán tháo tài sản và gây ra khoản lỗ lớn cho chính SVB.

Các khoản bảo đảm thế chấp (MBS) tương tự như trái phiếu, ước tính rơi vào khoảng 70 tỷ USD, chỉ bằng gần một tháng Fed mua MBS trong gói QE. Như vậy Fed hoàn toàn có thể "ra tay" giải cứu SVB. Chuyên gia cho rằng Fed sẽ phần nào "hạ giọng" trong việc điều hành chính sách trong thời gian tới.

Phương Nga