Tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản..., cách biệt giữa tăng trưởng tín dụng và tiền gửi ngày càng nới rộng
Cách biệt giữa tăng trưởng tiền gửi và cho vay đang nới rộng
Trong bối cảnh dịch bệnh, lãi suất ngân hàng thấp nhất trong nhiều năm trở lại, kênh gửi tiền tiết kiệm ngày càng trở nên kém hấp dẫn. Thay vào đó, dòng tiền có xu hướng chảy vào các kênh đầu tư rủi ro hơn nhưng cũng mang lại những cơ hội sinh lời hấp dẫn hơn như chứng khoán, bất động sản.
Hai dòng chảy đối lập này một mặt được thể hiện khi thị trường chứng khoán thời gian qua liên tục xác lập những kỷ lục thanh khoản mới, giá trị giao dịch hàng tỷ USD, lượng hồ sơ đất đai tại nhiều địa phương tăng mạnh...
Trong khi đó, tiền gửi của khu vực dân cư đã giảm liên tiếp trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể hơn, tiền gửi khách hàng tại một số ngân hàng ghi nhận rút ròng trong quý III, tốc độ tăng trưởng tiền gửi trong 9 tháng đầu năm thấp hơn hẳn các năm trước đó.
Điều này đang trực tiếp ảnh hưởng tới rủi ro thanh khoản của các nhà băng, và dễ thấy ở đây nhất chính là trên tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động.
Theo số liệu từ công ty chứng khoán SSI, tỷ lệ LDR thuần (dư nợ cho vay khách hàng bình quân trong kỳ trên tiền gửi khách hàng bình quân) tại 12/17 ngân hàng niêm yết ghi nhận tăng trong 9 tháng đầu năm, 4 ngân hàng giảm và một ngân hàng đi ngang.
Trong đó, MSB tăng mạnh nhất với gần 13,6 điểm %, nguyên nhân chủ yếu do dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này đã tăng mạnh 23,5% trong ba quý đầu năm. Thậm chí, trong chưa đến 9 tháng, MSB đã sử dụng hết room tín dụng cả năm, trước khi được NHNN nới thêm mới đây.
Trong khi đó, tiền gửi khách hàng của MSB chỉ tăng 7,4%, tương đối khiêm tốn so với hoạt động cho vay. Điều này cũng diễn ra tương tự với LienVietPostBank và VPBank, hai nhà băng có tỷ lệ LDR tăng trên 8 điểm % trong 9 tháng đầu năm.
Ở chiều ngược lại, nếu nhìn vào HDBank, tỷ lệ LDR đã giảm 3,6 điểm % xuống 98,5% do số dư tiền gửi khách hàng (+11,3%) tăng mạnh trưởng mạnh hơn cho vay (+7,4%).
Cũng phải lưu ý rằng, tỷ lệ LDR thuần như thống kê bên trên khác với tỷ lệ LDR theo quy định của Thông tư 22 của NHNN (tối đa không vượt quá 85%).
Tuy nhiên, tỷ lệ theo cách tính của SSI phần nào cho thấy được xu hướng chênh lệch của tiền gửi và cho vay và mức độ căng thẳng về cân đối vốn tại các ngân hàng.
Ngân hàng đi tìm nguồn vốn mới
Theo nhận định của giới phân tích, ít nhất từ nay cho tới cuối năm, mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn sẽ duy trì ở mức thấp.
Các chuyên gia phân tích của SSI lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế 2020 - 2021 ở mức thấp, nhiều khả năng ảnh hưởng tới mức tích lũy của người dân nói chung. Do đó, khó có thể kỳ vọng mức độ tăng trưởng tiền gửi của khu vực dân cư có thể quay lại mức trước khi có đại dịch COVID-19 một cách nhanh chóng.
"Trong giai đoạn 2 tháng cuối năm, tăng trưởng tổng tiền gửi sẽ không có nhiều yếu tố đột biến khi cân nhắc tới yếu tố mùa vụ", SSI Research dự báo.
Trong khi đó, nhu cầu tín dụng thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm cũng bởi yếu tố mùa vụ, chưa kể tới việc các doanh nghiệp đang cần tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tính đến 25/11, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 10,1% trong khi tính tới ngày 29/10, con số này mới đạt 8,72%. Như vậy, chỉ trong gần một tháng, tăng trưởng tín dụng đã tăng 1,34 điểm %, tương đương với hơn 120.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế.
Những yếu tố này cho thấy khoảng chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục được nới rộng thêm. Điều này buộc các ngân hàng phải tìm hướng mới để tăng nguồn vốn đầu vào nhằm đảm bảo thanh khoản.
Một trong những kênh được các ngân hàng "ưa thích" trong thời gian gần đây là huy động qua kênh trái phiếu. Theo số liệu từ Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 10 tháng đầu năm, ngành ngân hàng đã phát hành hơn 149.100 tỷ đồng trái phiếu, chiếm xấp xỉ 35% tổng giá trị phát hành của cả thị trường và chỉ xếp sau nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Một xu hướng khác cũng đang được các ngân hàng tận dụng trong thời gian gần đây đó là vay vốn nước ngoài.
Đơn cử như Techcombank, vào tháng 10 vừa qua, nhà băng này đã thành công huy động khoản vay hợp vốn nước ngoài trị giá lên tới 800 triệu USD, tương đương hơn 18.500 tỷ đồng. Lãi suất của khoản vay tín chấp này được tính bằng lãi suất LIBOR công biên độ, tức chỉ khoảng 1,6 - 1,9%/năm, rất thấp so với lãi suất tiền gửi VND của ngân hàng.