Chủ tịch BIDV tiết lộ kết quả kinh doanh năm 2021: Dư nợ tín dụng tăng trưởng 12%
Thông tin tại Hội nghị triển khai ngành ngân hàng 2022, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) cho biết tính đến 29/12, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 1,68 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, dư nợ tín dụng đạt hơn 1,58 triệu tỷ đồng, tăng 12%. Mức tăng trưởng này cũng bằng đúng hạn mức tín dụng BIDV được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm đợt cuối năm vừa qua.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1,5%, giảm nhẹ so với mức 1,6% hồi cuối tháng 9 theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III.
Cũng tại sự kiện, Chủ tịch HĐQT BIDV nhận định rằng hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại Việt Nam còn thấp so với thế giới. Theo đó, ông đề xuất các cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng quốc doanh.
Hôm 24/12 vừa qua, BIDV đã chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt và phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhận còn lại các năm trước.
Theo đó, BIDV chi hơn 804 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 2% (mỗi cổ phiếu sở hữu nhận được 200 đồng) và phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu theo tỷ lệ 25,77%. Ngày thanh toán cổ tức bằng tiền mặt là ngày 24/1/2022. Sau khi chia xong, vốn điều lệ của BIDV tăng lên hơn 50.585 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ông Tú cũng kiến nghị Chính phủ luật hoá nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, dự kiến hết hiệu lực vào tháng 8/2022, và hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động ngân hàng điện tử, các quy định về bảo mật...
Ngoài ra, ông Tú kỳ vọng các cơ quan sẽ chỉ đạo phát triển vững chắc thị trường vốn, giảm dần phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, qua đó giảm dần rủi ro của hệ thống.