|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đường đua tăng vốn nóng lên vào cuối năm: BIDV sắp lấy lại ngôi vương vốn điều lệ, nhóm tư nhân đẩy mạnh tăng vốn cấp 2

11:52 | 27/12/2021
Chia sẻ
Trái với tình trạng chậm rãi đầu năm, các ngân hàng lớn như BIDV hay Vietcombank đều triển khai kế hoạch tăng vốn "khủng" trong những tháng cuối năm. Trong khi đó, nhiều NHTM tư nhân tiếp tục phát hành trái phiếu bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn.

Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng sắp đổ bộ thị trường

Những tháng cuối năm, các ngân hàng bắt đầu chạy nước rút cho quá trình tăng vốn. Trật tự vốn điều lệ ngân hàng sẽ tiếp tục xáo trộn khi BIDV được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn thêm hơn 10.300 tỷ đồng bằng trả cổ tức. 

Cụ thể, BIDV sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu theo tỷ lệ 25,77% và chi hơn 804 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 2% (mỗi cổ phiếu sở hữu nhận được 200 đồng). Ngày thanh toán cổ tức bằng tiền mặt là ngày 24/1/2022. 

Trước đó không lâu, một ngân hàng quốc doanh khác là Vietcombank cũng đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền, năm 2019 bằng cổ phiếu.

Theo đó, Vietcombank sẽ phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%; đồng thời chia cổ tức tiền mặt năm 2020 theo tỷ lệ 12%. Ngày chi trả cổ tức tiền mặt là 5/1/2022. 

Bên cạnh hai "ông lớn" kể trên, VietinBank cũng sẽ chi hơn 3.844 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 8% (mỗi cổ phiếu sở hữu nhận 800 đồng), dự kiến thực hiện vào ngày 17/1 năm sau.

Như vậy, sau khi hoàn tất các phương án trên, BIDV sẽ là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống với hơn 50.585 tỷ đồng, theo sau là Vietcombank và VietinBank. 

Trong thời gian tới, Vietcombank vẫn còn kế hoạch phát hành gần 308 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư, nâng vốn điều lệ lên hơn 50.401 tỷ đồng. BIDV cũng sẽ phát hành thêm 341,5 triệu cổ phiếu mới với tỷ lệ 8,5% theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Trong khi đó, VietinBank này còn đặt tham vọng lớn hơn với kế hoạch đưa vốn điều lệ đến cuối năm lên mức 54.134 tỷ đồng.

Theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua, VietinBank sẽ tiếp tục chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 17,8% đối với trường hợp chưa hoàn thành tăng vốn điều lệ từ cổ tức 2017, 2018 và 12,6% đối với trường hợp đã hoàn thành.

Ngân hàng đua nhau tăng vốn - Ảnh 1.

Nguồn: ĐHĐCĐ các ngân hàng 2021, Agriseco.

Trước diễn biến thị trường thuận lợi, nhiều NHTM tư nhân cũng lên kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ/phát hành ra công chúng.

Mới đây, ABBank đã phát hành thành công hơn 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, tỷ lệ thực hiện là 5:1.

Kết thúc đợt phát hành, hơn 76,4 triệu cổ phiếu đã được bán cho các cổ đông hiện hữu và hơn 37,8 triệu cổ phiếu còn lại chưa bán hết được phân phối cho các nhà đầu tư trong nước, bao gồm CTCP Gelexhomes và một cá nhân. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. 

Sau khi hoàn tất tăng vốn đợt 1, ABBank kế hoạch phát hành gần 244 triệu cổ phiếu thưởng, tương đương với số vốn tăng thêm là gần 2.440 tỷ đồng (tăng 35% so với mức vốn điều lệ sau tăng vốn đợt 1). Thời gian thực hiện tăng vốn đợt 2 dự kiến trong quý IV năm nay.

Tại OCB, ngân hàng sẽ chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua hồi tháng 4. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết ngân hàng đang tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 21,8% nhằm chuẩn bị cho sự tham gia nhiều hơn của các cổ đông nước ngoài. Thương vụ sẽ được hoàn thành trong quý IV/2021 hoặc đầu năm 2022. 

Với MSB, tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích hôm 21/12, Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2021.

Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng việc tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu thông thường sẽ tạo ra những biến động lên giá cổ phiếu khi các thông tin cụ thể được công bố.

Đồng thời sẽ giúp các ngân hàng gia tăng vốn chủ sở hữu, cải thiện hệ số an toàn vốn CAR và tăng trưởng kinh doanh trong dài hạn.

Đặc biệt, bộ đệm vốn dày sẽ giúp các ngân hàng có lợi thế trong việc được NHNN xem xét cấp room tín dụng, gia tăng nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ, đảm bảo sớm hoàn thành tiêu chuẩn Basel II và tiến đến Basel III.

Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, Phó Thống đốc NHNN, ông Phạm Thanh Hà cho biết việc tăng vốn cũng giúp các NHTM có thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế. 

Dư nợ tín dụng nền kinh tế hiện nay là 10,1 triệu tỷ đồng, trong đó tổng lượng vốn tự có của hệ thống các TCTD là khoảng 1,35 triệu tỷ đồng. Nếu tăng 1 đồng vốn cho TCTD, bao gồm các NHTM Nhà nước, thì có thể gần tăng 8 lần dư nợ cho nền kinh tế.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà

Mở rộng huy động vốn thông qua kênh trái phiếu

Mới đây, HDBank đã công bố phát hành trái phiếu quốc tế tăng vốn chủ sở hữu cấp 2 cho IFC (thành viên của Ngân hàng Thế giới) và các định chế tài chính quốc tế.

Theo phương án được ĐHĐCĐ thông qua, HDBank sẽ phát hành cho nhóm các nhà đầu tư bao gồm IFC, DEG (Ngân hàng kiến thiết Đức KfW) và Quỹ đầu tư quốc tế LeapFrog Investments.

Tổng khối lượng trái phiếu phát hành đợt này là 165 triệu USD, với kỳ hạn 5 năm 1 ngày. Nhà đầu tư có thể chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu phổ thông theo các điều khoản, điều kiện của trái phiếu và quy định có liên quan. Giá chuyển đổi dự kiến trên 43.000 đồng.

Tại ACB, ngân hàng đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn một năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải nợ thứ cấp, không có tài sản bảo đảm. Trái phiếu có lãi suất cố định 2,45%/năm, trả lãi một lần. Ngày phát hành và ngày đáo hạn lần lượt là 20/12/2021 và 20/12/2022.

Trước đó vào ngày 13/12, ACB đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn hai năm, lãi suất 3,1%/năm. 

Một ngân hàng khác là Viet Capital Bank mới đây đã phát hành 15 triệu trái phiếu ra công chúng với tổng mệnh giá là 1.500 tỷ đồng. Số trái phiếu được chào bán đều có kỳ hạn 7 năm, lãi suất cố định ở mức 8,5%/năm, trả lãi định kỳ hàng năm. Giá chào bán là 100.000 đồng/trái phiếu.

Gần đây, Agribank cũng phát hành 2 triệu trái phiếu ra công chúng kỳ hạn 7 năm với tổng giá trị dự kiến 2.000 tỷ đồng. Đáng chú ý,  lãi suất trái phiếu phát hành trong đợt này cao hơn từ 1 % đến 1,2%/năm so với bình quân lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và được nhận lãi định kỳ 6 tháng/lần.

Theo các chuyên gia FiinGroup, 9 tháng đầu năm, các NHTM đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu với giá trị phát hành 116.000 tỷ đồng (tương đương 33% tổng giá trị TPDN phát hành), tăng 20,5% so với cùng kỳ.

Thống kê cho thấy gần như toàn bộ TPDN phát hành bởi các ngân hàng đều đang được sở hữu bởi các ngân hàng và một số định chế tài chính khác. 

FiinGroup cho rằng điều này thể hiện sự dư thừa thanh khoản nói chung của hệ thống liên ngân hàng trong khi các ngân hàng đều có nhu cầu tăng vốn cấp 2 nhằm bổ sung năng lực nguồn vốn trung và dài hạn, tài trợ việc tái cấu trúc nợ COVID-19 vốn có kỳ hạn dài hơn và cải thiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định hiện hành của NHNN.

Đường đua tăng vốn cuối năm: Các 'ông lớn' ngân hàng lấy lại vị thế - Ảnh 3.

Nguồn: SSI Research.

Phương Nga