|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vốn điều lệ các NHTM cổ phần tăng gần 10% sau 9 tháng, gấp đôi nhóm quốc doanh

10:42 | 01/12/2021
Chia sẻ
Tính đến 30/9, vốn điều lệ toàn hệ thống đạt 715.580 tỷ đồng, tăng 8,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, vốn điều lệ của nhóm cổ phần ghi nhận cao gấp đôi so với nhóm quốc doanh.

Vốn điều lệ nhóm cổ phần cao gấp đôi nhóm quốc doanh 

Theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 30/9, vốn điều lệ toàn hệ thống đạt 715.580 tỷ đồng, tăng 8,3% so với hồi đầu năm.

Trong đó, vốn điều lệ của các NHTM cổ phần đạt 348.481 tỷ đồng, tăng hơn 9,8% so với đầu năm, chiếm 49% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống. Đáng chú ý, vốn điều lệ của nhóm cổ phần ghi nhận cao gấp đôi so với nhóm quốc doanh.

9 tháng đầu năm, vốn điều lệ của NHTM Nhà nước đạt 169.690 tỷ đồng, tăng gần 9,3%, chiếm 24% vốn điều lệ toàn hệ thống. Trong khi đó, vốn điều lệ của các công ty tài chính, cho thuê tài chính tăng mạnh nhất hệ thống (14,8%) đạt 35.077 tỷ đồng sau 9 tháng.

Vốn điều lệ NHTM cổ phần tăng gần 10% sau 9 tháng, cao gấp đôi nhóm quốc doanh  - Ảnh 1.

Tỷ trọng vốn điều lệ của các TCTD tính đến 30/9/2021. Nguồn: Phương Nga tổng hợp từ số liệu của NHNN.

Về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) áp dụng theo Thông tư 41, đến tháng 9, các NHTM Nhà nước đạt 9,17%.Trong khi đó, CAR của các NHTM cổ phần là 11,38% và nhóm ngân hàng nước ngoài lên tới 18,94%.

Tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống là 25,09%. Cụ thể, tỷ lệ này tại NHTM Nhà nước là 27,91%, NHTM cổ phần là 28,39%, các công ty tài chính, cho thuê tài chính là 37,25% và ngân hàng hợp tác xã là 9,63%.

Tại hội thảo "Xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật" sáng ngày 24/11, đại diện cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Lê Trung Kiên cho biết NHNN đang nghiên cứu, xem xét việc lùi tỷ lệ áp dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, theo Báo Chính phủ.

Căn cứ vào tình hình hiện nay, nhiều khả năng, NHNN sẽ tiếp tục lùi thời điểm áp dụng Thông tư trên 1 năm nữa để các tổ chức tín dụng (TCTD) có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.

Trước đó, NHNN đã cho lùi 1 năm lộ trình áp dụng tỷ lệ "tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn".

Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021, tỷ lệ này được áp dụng 40%. Từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 giảm còn 37%. Từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 giảm còn 34% và từ ngày 1/10/2023 là 30%.

Tổng tài sản của các công ty tài chính giảm nhẹ sau 9 tháng

Về tổng tài sản, tính đến 30/9, tổng tài sản có toàn hệ thống đạt 15 triệu tỷ đồng, tăng hơn 7,5% so với con số đầu năm. 

Trong đó, khối NHTM Nhà nước gồm chiếm gần 41,2% tổng tài sản toàn hệ thống, đạt 6,2 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 7,2%. Tổng tài sản của các ngân NHTM cổ phần tăng 9%  lên hơn 6,6 triệu tỷ đồng, chiếm tới 43,7% tổng tài sản toàn hệ thống. 

Các ngân hàng liên doanh, nước ngoài cũng tăng 3,1% lên hơn 1,5 triệu tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Mặt khác, tổng tài sản của các công ty tài chính lại giảm gần 0,9%  xuống còn 227.075 tỷ đồng sau 9 tháng.

Về khả năng sinh lời, tính đến cuối quý II/2021, ROA và ROE của nhóm NHTM Nhà nước ở mức lần lượt là 0,55% và 9,48%. Tại nhóm NHTM cổ phần, ROA và ROE lần lượt là 0,87% và 10,23%.

Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi toàn hệ thống là 72,23%. Cụ thể, tỷ lệ này tại NHTM Nhà nước là 80,93%, NHTM cổ phần là 70,64%, ngân hàng nước ngoài là 41,49% và ngân hàng hợp tác xã là 42,05%.

Vốn điều lệ NHTM cổ phần tăng gần 10% sau 9 tháng, cao gấp đôi nhóm quốc doanh  - Ảnh 2.

Tổng tài sản và vốn điều lệ của các TCTD tính đến 30/9/2021. (Nguồn: NHNN).

Phương Nga