|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Từng được Vietcombank và nhóm Bản Việt rót vốn, VietCredit kinh doanh ra sao trước khi lên sàn?

07:50 | 24/12/2021
Chia sẻ
68,8 triệu cổ phiếu TIN của VietCredit sẽ bắt đầu giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 28/12 với giá tham chiếu 15.200 đồng/cp. Với mức giá này, quy mô vốn hóa của VietCredit đạt gần 1.050 tỷ đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định về việc chấp thuận niêm yết đối với cổ phiếu của Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit - Mã: TIN). Theo đó, gần 68,8 triệu cổ phiếu TIN, tương đương vốn điều lệ 687,9 tỷ đồng, sẽ bắt đầu giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 28/12 với giá tham chiếu 15.200 đồng/cp.

Sáng lập từ nhiều định chế lớn, hiện ai đang sở hữu vốn VietCredit

VietCredit tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC), được thành lập ngày 29/5/2008. Vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) chiếm 61,5% vốn. 

Trong quá khứ, công ty tài chính tiêu dùng này rất được mong chờ sẽ tạo ra sự đột phá khi cơ cấu cổ đông ngoài Vietcombank còn có Ngân hàng TMCP Bản Việt (nắm 4,96% vốn năm 2016) và Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt (nắm 4,96% vốn năm 2016).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cổ đông sáng lập và định chế tài chính trên đã thoái toàn bộ vốn khỏi VietCredit, chỉ còn lại Vicem với tỷ lệ sở hữu 14,59% vốn điều lệ. 85,41% vốn cổ phần còn lại thuộc về 108 cổ đông khác, đều là cổ đông cá nhân trong nước.

Về phần sở hữu của ban lãnh đạo, Chủ tịch HĐQT VietCredit, ông Nguyễn Đức Phương sở nắm giữ hơn 2,9 triệu cổ phần, tương đương 4,32% vốn cổ phần. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Chí Hiếu và bà Nguyễn Thị Thanh Hoa đang sở hữu lần lượt 3,38% và 2,5% vốn công ty. 

Theo công bố thông tin, VietCredit hoạt động chính trong các lĩnh vực huy động vốn, cho vay, đầu tư kinh doanh chứng khoán nợ, kinh doanh vốn trên thị trường tiền tệ và kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Công ty hiện sở hữu hệ thống 59 điểm cung cấp dịch vụ, tập trung chủ yếu ở các trung tâm thương mại, siêu thị và các khu công nghiệp.

Vietcredit kinh doanh ra sao?

Mặc dù sớm đi vào hoạt động, kinh doanh của VietCredit mới chỉ khởi sắc từ năm 2020 tới nay. Giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu hoạt động chỉ duy trì trong khoảng 80 - 300 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng chỉ vỏn vẹn vài tỷ, đặc biệt năm 2018 lỗ tới 52 tỷ đồng.

Từng dưới trướng của Vietcombank và Ngân hàng Bản Việt, VietCredit kinh doanh ra sao trước thềm niêm yết? - Ảnh 1.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp từ Báo cáo tài chính của Vietcredit).

9 tháng đầu năm 2021, VietCredit ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 878,9 tỉ đồng, tăng 72,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 785,4 tỷ đồng tỷ đồng, tương đương 89% tổng doanh thu. Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 107,2 tỷ đồng, tăng 140,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trừ đi các loại chi phí, VietCredit báo lãi sau thuế 9 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 69 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, VietCredit đã vượt 71,6% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.

Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của VietCredit đạt 5.322 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng chiếm tới 3.344 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Bảo Ngọc