Một startup fintech nhận hàng tỷ USD tiền 'tháo chạy' từ Silicon Valley Bank
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank là vận may cho một số tổ chức tài chính, khi khách hàng ồ ạt rút tiền gửi khỏi ngân hàng này và tìm nơi "cất giữ" khác cho tài sản của mình.
Brex, một start-up trong lĩnh vực fintech, đã nhận được hàng tỷ USD tiền gửi từ các khách hàng của Silicon Valley Bank (SVB) vào ngày 9/3, theo CNBC. Brex được hưởng lợi sau khi các công ty đầu tư mạo hiểm khuyên nhiều đối tác rút tiền khỏi SVB trong tuần này.
Brex đã mở hàng nghìn tài khoản mới để tiếp nhận số tiền gửi lên đến hàng tỷ USD. Đến giữa ngày 10/3, các nhà quản lý đã đóng cửa SVB và nắm quyền kiểm soát các khoản tiền gửi của ngân hàng này.
Các ngân hàng khác như JPMorgan Chase, Morgan Stanley và First Republic cũng chứng kiến dòng tiền gửi từ SVB đổ sang trong 9/3, khi cổ phiếu của SVB cắm đầu hơn 60% trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về việc rút tiền ồ ạt.
Đà lao dốc của cổ phiếu SVB đã dẫn đến một đợt bán tháo trên diện rộng đối với cổ phiếu ngân hàng. Sự việc khiến một số nhà sáng lập công ty khởi nghiệp hồi tưởng những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Đầu tuần này, SVB đã cố gắng huy động khoảng 2,25 tỷ USD vốn thông qua việc bán cổ phiểu nhưng cuối cùng bất thành. Đây chính là một trong những ngòi nổ châm ngòi cho sự sụp đổ của ngân hàng này.
Quay cuồng trong khủng hoảng
Ngày 10/3, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã thông báo sẽ đóng cửa SVB và người gửi tiền được cơ quan này đảm bảo sẽ có thể tiếp cận tiền của mình chậm nhất vào sáng ngày 13/3.
Với tổng tài sản khoảng 209 tỷ USD, SVB đã trở thành ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau vụ sụp đổ của Washington Mutual năm 2008. Chưa đầy 18 tháng trước, SVB từng được định giá hơn 44 tỷ USD.
Quy mô rút tiền tại SVB đã được tiết lộ trong một lệnh của cơ quan quản lý tài chính bang California vào cùng ngày 10/3. Cơ quan này cho biết SVB đã mất khả năng thanh toán và thanh khoản của ngân hàng là không đủ để duy trì hoạt động.
Sự sụp đổ của SVB đã gây chấn động cho nhiều doanh nghiệp lớn và nhỏ, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cũng như các tổ chức đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon.
Theo CNBC, công ty truyền thông Roku có 487 triệu USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền được gửi tại SVB và lượng tài sản này không được FDIC bảo đảm. Cổ phiếu Roku đã giảm hơn 4% trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 10/3.
“Tại thời điểm này, chúng tôi không biết công ty có thể thu hồi tiền gửi tại SVB đến mức nào,” Roku thông báo trong một thông cáo báo chí.
Tuy nhiên, Roku tin rằng họ sẽ có thể đáp ứng các nghĩa vụ vốn trong hơn 12 tháng nữa với khoản dự trữ tiền mặt 1,4 tỷ USD không bị ảnh hưởng tại các tổ chức tài chính lớn khác.
“Như đã nêu, chúng tôi hy vọng rằng khả năng hoạt động và đáp ứng các nghĩa vụ theo hợp đồng của Roku sẽ không bị ảnh hưởng,” một phát ngôn viên của Roku cho biết.