|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các startup 'quay cuồng' sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank

11:20 | 11/03/2023
Chia sẻ
Nhiều founder cho biết 'đầu óc đang quay cuồng' cũng như 'không biết có đủ tiền duy trì startup và trả lương nhân viên hay không' khi nhận được thông tin Silicon Valley Bank sụp đổ.

Khi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ trong ngày 10/3, những người sáng lập các công ty khởi nghiệp có tiền trong ngân hàng đã tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với số tiền mà họ nghĩ là an toàn. Đối với một số người, việc có thể trả lương cho nhân viên hay không hoàn toàn phụ thuộc vào những khoản tiền đó, theo tạp chí Fortune.

SVB, một trong những tổ chức ngân hàng và cho vay lớn nhất phục vụ cho một lượng lớn cộng đồng khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm, đã bị cơ quan quản lý đóng cửa vào khoảng giữa trưa ngày 10/3, giờ New York.

SVB sụp đổ vào ngày 10/3. (Ảnh: Fortune).

SVB đã được Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Ngân hàng Liên bang (FDIC) tiếp quản với tư cách là đơn vị nhận tiền gửi. Trong khi các khoản tiền gửi được bảo hiểm — có giá trị từ 250.000 USD trở xuống — sẽ có thể được rút chậm nhất vào ngày 13/3, theo một thông cáo báo chí của FDIC, câu hỏi lớn đối với các công ty khởi nghiệp đã gửi tiền vào SVB là điều gì xảy ra với nếu họ gửi số tiền vượt quá mức 250.000 USD?

Một nhà sáng lập công ty khởi nghiệp đã thực hiện giao dịch với SVB nói với tạp chí Fortune rằng: “Vài giờ sau khi ngân hàng sụp đổ, đầu óc của chúng tôi đang quay cuồng. Chúng tôi không biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.

Một nhà sáng lập khác đã nói với Fortune rằng: “Tôi cho rằng toàn bộ hệ sinh thái đang bị tê liệt”. Những nhà sáng lập startup này nói rằng trọng tâm hiện tại của họ là làm thế nào để có đủ lượng tiền mặt và đủ khả năng trả lương cho nhân viên.

Trong khi đó, một số nhà đầu tư vốn mạo hiểm cũng không chắc chắn điều gì đang xảy ra với các công ty trong danh mục đầu tư của họ và cộng đồng khởi nghiệp nói chung.

Một quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) chia sẻ với Fortune rằng câu hỏi điều gì sẽ xảy ra với số tiền của các công ty khởi nghiệp vượt quá số tiền được bảo hiểm đó và liệu những khoản tiền đó có bị “mất” hay không chỉ là “câu hỏi diễn ra ngay trong ngày SVB sụp đổ”. “Giai đoạn cuối tuần này sẽ rất quan trọng”, đại diện VC này chia sẻ.

FDIC cho biết SVB có tổng tài sản trị giá khoảng 209 tỷ USD và 175,4 tỷ USD tiền gửi khi họ đóng cửa nó. Không rõ chính xác có bao nhiêu khoản tiền gửi không được bảo hiểm tại SVB tính đến ngày 10/3, nhưng theo hồ sơ báo cáo thường niên năm 2022 của công ty, họ có hơn 151 tỷ USD tiền gửi không được bảo hiểm tại các văn phòng ở Mỹ. Nói cách khác, dường như hơn 90% số tiền được gửi tại SVB không được bảo hiểm.

Theo FDIC, những người có tiền gửi được bảo hiểm sẽ có quyền truy cập vào những khoản tiền đó muộn nhất tới ngày 13/3. “FDIC sẽ trả phần tạm ứng cho những người gửi tiền không được bảo hiểm trong tuần tới. Những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ nhận được chứng chỉ tiền nhận đối với số tiền còn lại trong số tiền không được bảo hiểm của họ.

Khi FDIC bán tài sản của SVB, các khoản thanh toán trong tương lai có thể được thực hiện cho những người gửi tiền không được bảo hiểm”, đại diện FDIC chia sẻ. Cơ quan khuyến nghị những người có khoản tiền gửi trị giá hơn 250.000 USD trong tài khoản nên gọi cho FDIC theo một đường dây nóng để đơn vị này giải đáp thắc mắc.

Các startup lo lắng khi SVB sụp đổ. (Ảnh: BI).

Dù vậy, một số nhà sáng lập không chỉ không chắc chắn về điều gì sẽ xảy ra với những khoản tiền không được bảo hiểm đó, mà còn không có thời gian để chờ đợi và tìm hiểu. Một người sáng lập startup đã nói với Fortune rằng tình hình có thể rất tồi tệ đối với công ty khởi nghiệp của họ.

Họ nói: “Công ty của tôi đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn. Tôi chỉ có thể đủ khả năng trả lương thêm một hoặc hai tháng nữa trước khi mọi thứ chấm dứt”. Các nhà sáng lập nói rằng kể từ khi thông báo của FDIC được đưa ra, "không ai biết nó có nghĩa là gì và mọi người đã bàn tán với nhau trên đủ kênh thông tin”.

Một số nhà sáng lập đã đổ lỗi cho các VC vì đã không xử lý tình huống tốt và ví nó giống như việc khiến các công ty khởi nghiệp phải “tranh giành những mảnh vụn còn sót lại”.

Trong khi đó, một người sáng lập khác của một công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu đã nói chuyện với Fortune, cho biết họ có tổng cộng khoảng 1 triệu USD tiền gửi tại SVB và chỉ đang mong đợi nhận lại phần bảo hiểm trị giá 250.000 USD vào ngày 13/3.

Họ nói rằng nếu một startup có đội ngũ nhân sự nhỏ, thì số tiền đó sẽ đủ để duy trì cho khoảng ba tháng. “Tuy nhiên, nhìn chung, tôi nghĩ mọi người đều lo lắng về khả năng duy trì trong ngắn hạn”, một số nhà sáng lập startup chia sẻ.

Một câu hỏi lớn khác mà các founder đặt ra là liệu số tiền họ có trong tài khoản tại SVB có “được quản lý bởi BlackRock hoặc một tổ chức lớn khác và SVB là người giám sát hay đó thực sự là tiền của SVB?”

Thung lũng Silicon đang tự hỏi ai có thể tham gia mua tài sản của SVB, và khi nào những người này sẽ tham gia mua. Một số nhà sáng lập cũng đang tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với khoản nợ mà các công ty khởi nghiệp mắc phải với SVB.

Anh Nguyễn

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...