|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tại sao chưa có ai muốn mua lại First Republic, ngân hàng có thể sắp nối gót SVB?

08:30 | 28/04/2023
Chia sẻ
Nếu một ngân hàng khác mua lại First Republic Bank với giá chỉ 1 USD, nhà băng có trụ sở tại San Francisco này vẫn có thể khiến người mua phải tiêu tốn thêm hàng chục tỷ USD.

Bảng hiệu của First Republic Bank. (Ảnh: Getty Images).

Trong nhiều năm qua, First Republic Bank đã nổi tiếng là một ngân hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh, tập trung vào nhóm khách hàng rất đáng mơ ước - những người giàu có.

Người ta có thể nghĩ rằng First Republic sẽ là lựa chọn phù hợp cho nhiều nhà băng muốn phát triển các mảng kinh doanh như quản lý tài sản, theo Wall Street Journal.

Tài sản của First Republic có vẻ cũng rất giá trị và an toàn, chẳng hạn như chứng khoán nợ của chính phủ và các khoản cho vay thế chấp nhà ở dành cho nhóm khách hàng giàu có.

Tuy nhiên, dù giá trị thị trường của ngân hàng này hiện chỉ dao động quanh mức 1 tỷ USD, tức là đã giảm khoảng 95% so với đầu năm, không có người mua tiềm năng nào xuất hiện.

Trong khi First Republic có thể hy vọng rằng họ sẽ vượt qua khủng hoảng nếu tiếp tục chờ đợi cho đến khi trái phiếu và các khoản cho vay đáo hạn hoặc được hoàn trả đầy đủ, tổ chức thâu tóm ngân hàng này sẽ không có được điều xa xỉ đó.

Theo các quy tắc kế toán về mua bán sáp nhập, người mua sẽ phải ngay lập tức hạ giá tài sản mà họ đang mua về giá trị hợp lý (fair value) của chúng, tờ Wall Street Journal cho hay.

Trong báo cáo tài chính quý I/2023, First Republic không đưa ra ước tính mới nhất về giá trị hợp lý của các tài sản mà họ đang nắm giữ. Vì vậy, có khả năng giá trị của các tài sản này đã cải thiện phần nào, do lợi suất trái phiếu chính phủ đã giảm trong ba tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, tính đến cuối năm ngoái, First Republic vẫn đang chịu khoản lỗ chưa thực hiện đối với các chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn (held-to-maturity securities) là 4,8 tỷ USD.

Ngoài ra, giá trị hợp lý của các khoản cho vay được đảm bảo bằng bất động sản của First Republic hiện đang thấp hơn khoảng 19 tỷ USD so với giá trị sổ sách của chúng.

Nhiều trong số các khoản cho vay thế chấp nói trên có mức lãi suất cố định trong hàng chục năm hoặc vài năm tới. Mức lãi suất này rõ ràng thấp hơn mặt bằng lãi suất hiện nay.

Người mua lại First Republic có thể sẽ bớt lỗ vài tỷ USD sau khi hạ giá các tài sản về giá trị hợp lý. Song, quy tắc bút toán giảm (write-down) vẫn có thể khiến vốn cổ đông của First Republic giảm mạnh từ con số 18 tỷ USD tại thời điểm quý I/2023.

Khi đó, người mua sẽ phải huy động hàng tỷ USD vốn chỉ để đảm bảo cho tỷ lệ vốn của mình tuân thủ mức tối thiểu theo quy định khi họ bổ sung tài sản vào bảng cân đối kế toán.

 

Nhà phân tích David Smithh của hãng nghiên cứu Autonomous Research cho hay: “Bạn có thể mất 30 tỷ USD vốn để mua lại First Republic với mức giá gần như miễn phí”.

Trong một giao dịch điển hình ở lĩnh vực ngân hàng, người mua lại có thể lấy tài sản vô hình để bù đắp cho khoản lỗ đối với giá trị của trái phiếu và khoản cho vay. Chẳng hạn, người mua có thể ghi nhận giá trị bổ sung cho khối tiền gửi của ngân hàng được mua lại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tiền gửi của hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn còn chưa ổn định, các nhà phân tích khó xác định giá trị tiền gửi của First Republic. Chưa kể, các tài sản vô hình như vậy thường không được tính vào vốn pháp lý cần thiết để điều hành ngân hàng.

Dù vậy, người mua tiềm năng của First Republic có thể áp dụng một vài thủ thuật để bù đắp thiệt hại. Một ngân hàng mua lại tài sản của First Republic với giá trị hợp lý có thể nhanh chóng bán chúng để hoàn trả khoản hỗ trợ khẩn cấp 30 tỷ USD mà 11 nhà băng lớn đã cấp cho First Republic hồi tháng 3.

Thủ thuật đó sẽ làm giảm quy mô và nhu cầu vốn của First Republic. Người mua cũng có thể hưởng lợi theo thời gian khi giá trị các tài sản mà họ đã mua lại tăng lên.

Nếu các phương án trên không có hiệu quả, thì chính phủ có thể dàn xếp một thương vụ mua lại toàn bộ First Republic, trong đó người thâu tóm sẽ nhận được hỗ trợ của Washington để xoay xở các khoản lỗ.

Sau sự sụp đổ của hai ngân hàng khu vực khác là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, khách hàng đã nhanh chóng rút tiền gửi ra khỏi First Republic. Tại sự kiện công bố kết quả kinh doanh mới đây, First Republic cho biết họ đã bị rút ra hơn 100 tỷ USD tiền gửi trong quý I. 

Một số nhà phân tích lo ngại rằng sau SVB và Signature, First Republic sẽ là ngân hàng tiếp theo của Mỹ sụp đổ sau khi chứng kiến dòng tiền gửi giảm mạnh.

Khả Nhân