|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sau khoản hỗ trợ 30 tỷ USD, Chủ tịch JPMorgan tiếp tục dẫn đầu nỗ lực giải cứu First Republic Bank

07:38 | 22/03/2023
Chia sẻ
Chủ tịch kiêm CEO của JPMorgan, tỷ phú Jamie Dimon đang dẫn đầu các cuộc thảo luận với CEO của những ngân hàng lớn khác nhằm tiếp tục hỗ trợ First Republic Bank. Hơn 100 năm trước, người tiền nhiệm của ông Dimon là John Pierpont Morgan từng có nhiều nỗ lực nhằm giải cứu thị trường tài chính Mỹ.

Theo Wall Street Journal (WSJ), cuộc thảo luận của ông Dimon đang tập trung vào việc liệu ngành ngân hàng có thể thu xếp một khoản đầu tư để tăng vốn cho First Republic hay không. Một trong những giải pháp đó là để các ngân hàng lớn đầu tư vào First Republic.

Tuần trước, 11 ngân hàng lớn đã hỗ trợ First Republic bằng 30 tỷ USD tiền gửi trong thời hạn tối thiểu 120 ngày. Nhà băng có trụ sở tại San Francisco đã chứng kiến 70 tỷ USD tiền gửi bị rút ra trong vài tuần qua.

Theo nguồn tin của WSJ, một phần hoặc toàn bộ khoản tiền gửi trị giá 30 tỷ USD có thể được chuyển thành vốn. Ngoài ra, khả năng First Republic bán mình hoặc huy động vốn từ bên ngoài cũng đang được xem xét.

Nhân viên của JPMorgan đã được thuê để tư vấn cho First Republic về các lựa chọn, nguồn tin cũng cho biết. 

 

Cổ phiếu và trái phiếu của First Republic đều đã sụt giảm nghiêm trọng trong phiên 20/3. Cổ phiếu của nhà băng lớn thứ 14 nước Mỹ đã giảm 47% riêng trong phiên 20/3, và đi xuống gần 90% kể từ ngày 8/3. Ngược lại, các ngân hàng tầm trung khác như PacWest, Western Alliance đều đã có dấu hiệu phục hồi, hoặc suy giảm không lớn.

Trong khi đó, trái phiếu đáo hạn vào năm 2046 của First Republic đã giảm xuống chỉ còn 55% mệnh giá vào ngày 20/3. Vào đầu tháng 3, trái phiếu này từng có thị giá bằng 75% mệnh giá.

Nhiều lần đứng ra giải cứu

CEO Dimon và JPMorgan, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo tài sản hoặc tiền gửi, đã từng nhiều lần nỗ lực giải quyết khủng hoảng tài chính của Mỹ. JPMorgan đã mua lại Bear Stearns khi ngân hàng đầu tư này sụp đổ vào năm 2008 và sau đó tiếp quản hoạt động kinh doanh của Washington Mutual Bank.

Ông Dimon đã dùng việc giải quyết khủng hoảng để ảnh hưởng tới chính trị, tư vấn cho các quan chức chính phủ, thúc đẩy những chính sách mà ông cho là sẽ giúp ích cho nền kinh tế, đồng thời mở rộng đáng kể quy mô của JPMorgan.

Ông J.P. Morgan được ví như người thống trị chủ nghĩa tư bản Mỹ cho đến khi qua đời vào năm 1913. (Ảnh: themorgan.org

Cuộc giải cứu do CEO Dimon dẫn đầu cũng làm gợi nhớ đến Cuộc hoảng loạn năm 1907, khi ông John Pierpont Morgan - người đã góp công xây dựng JPMorgan - đã kéo các nhà tài phiệt Phố Wall vào thư viện của mình và thuyết phục họ hỗ trợ Trust Company of America nhằm ngăn chặn một cuộc rút tiền hàng loạt.

Ông J. Pierpont Morgan khóa trái phòng họp lại và nhét chìa khóa vào túi. Ông khẳng định sẽ chỉ mở cửa cho đến khi mọi người thống nhất được một giải pháp để cứu hệ thống ngân hàng khỏi khủng hoảng. Sau cùng, lãnh đạo các ngân hàng đã thống nhất được một thỏa thuận nhằm bảo vệ khả năng thanh toán của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp.

Một lý do khiến các ngân hàng thời đó phải hành động là bởi chính phủ Mỹ không có nhiều công cụ trong tay. Đến năm 1913, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mới được thành lập.

Ngoài ra, vào năm 1998, các ngân hàng của Mỹ cũng đã hợp sức lại để cứu quỹ đầu cơ Long Term Capital Management (LTCM). Khi đó, Fed đã triệu tập một cuộc họp gồm các CEO của Phố Wall từ Merrill Lynch, Goldman Sachs và khoảng hơn chục giám đốc khác. 

Các ngân hàng đã đồng ý bơm 3,65 tỷ USD để duy trì hoạt động của quỹ đầu cơ và ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường tài chính. Tương tự như khoản cứu trợ 30 tỷ USD cho First Republic, Phố Wall đã cứu LTCM mà không cần dùng đến tiền của chính phủ. 

 

Tuy nhiên, không phải nỗ lực giải cứu nào của Phố Wall cũng thành công. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson cũng áp dụng cách làm tương tự như ông J.P. Morgan.

Trong ba ngày 12, 13 và 14/9/2008, ông Paulson triệu tập Chủ tịch HĐQT các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ thời bấy giờ, gồm JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Citigroup, Merrill Lynch ... đến tòa nhà của Cục Dự trữ Liên bang tại New York.

Nhiệm vụ của "nhóm tinh hoa tài chính" này là tìm cách giải cứu Lehman Brothers. Theo đề xuất của CEO Jamie Dimon các ngân hàng đã đồng ý góp tiền để cứu Lehman. Tuy nhiên, nỗ lực này cuối cùng đã thất bại vì vướng mắc phải quy định pháp luật. Lehman Brothers phá sản và thế giới rơi vào suy thoái.  

Minh Quang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.