Phi thường Sandy Weill từ hai bàn tay trắng lập nên Citigroup
Cỗ máy sáp nhập
Sinh ra trong một gia đình Do Thái gốc Ba Lan nhập cư vào Mỹ, Sandy Weill xuất thân không tiền tài, không quan hệ, không vẻ ngoài lịch lãm.
Năm 1955, ông bước chân vào ngành tài chính với công việc chạy giấy tờ (runner) tại ngân hàng đầu tư Bear Stearns. Là người có chí lớn, Sandy Weill không hài lòng với công việc chân tay mà quyết tâm khởi nghiệp làm ông chủ.
Sandy Weill - cựu CEO và Chủ tịch Citigroup. |
Năm 1960, Weill khi đó 27 tuổi cùng ba người bạn lập công ty môi giới chứng khoán với tên CBPW, sau đổi thành CBWL.
10 năm sau, CBWL mua lại Hayden Stone – một công ty môi giới với 100 năm lịch sử và quy mô lớn gấp 10 lần CBWL nhưng đang làm ăn thua lỗ và đứng trên bờ vực phá sản. Năm 1973, Weill trở thành CEO của công ty sau sáp nhập.
Hayden Stone chính là bước khởi đầu trong chiến lược mở rộng quy mô không ngừng nghỉ của Sandy Weill: Thâu tóm với giá rẻ các công ty danh tiếng đang gặp khó khăn > sử dụng thương hiệu của "con mồi" > tinh giản bộ máy > hợp nhất hoạt động > cắt giảm chi phí > tìm kiếm "con mồi" tiếp theo.
Năm 1974, công ty của Sandy Weill mua lại Shearson Hamill, đổi tên thành Shearson Hayden Stone, quy mô tăng lên gấp đôi. Năm 1979, quy mô công ty lại lên gấp đôi sau khi mua lại Loeb Rhoades và đổi tên thành Shearson Loeb Rhoades.
Sau 14 thương vụ mua lại như vậy, cậu bé tí hon CBWL ngày nào đã trở thành người khổng lồ Shearson – công ty môi giới lớn thứ hai Phố Wall.
Quay lại kiếp làm thuê
Năm 1981, trước làn sóng hợp nhất trong ngành tài chính, Weill quyết định bán Shearson cho ông lớn American Express (AmEx) với giá gần 1 tỷ USD. Sau sáp nhập, Weill giữ chức Giám đốc vận hành - người quyền lực thứ 3 trong công ty.
Vốn quen với vị trí lãnh đạo cao nhất cùng toàn quyền quyết định, Weill nhanh chóng cảm thấy ân hận khi bán đi đứa con Shearson, cay đắng tự nhận mình chỉ như “con chó trông nhà” (deputy dog). Năm 1985, khi thấy cơ hội leo lên chức Chủ tịch và CEO của AmEx quá sức mong manh, Weill nghỉ việc, quyết tâm từ bỏ tất cả để làm lại từ đầu.
Trong thời gian ở AmEx, Sandy Weill gặp Jamie Dimon – một chàng sinh viên mới tốt nghiệp MBA Harvard. Nhìn ra tài năng hiếm có, tham vọng tột cùng cũng như khả năng làm việc ‘trâu bò’ của Dimon, Weill mời Dimon về làm trợ lý cho mình ở AmEx.
Jamie Dimon (phải) và Sandy Weill (trái) khi còn ở AmEx. Dimon hiện nay là CEO và Chủ tịch của J.P. Morgan Chase. |
Về phần mình, Jamie Dimon nhận thấy đây là cơ hội tốt để học hỏi từ một ngôi sao mới nổi trên Phố Wall và cũng là con đường tiến thân nhanh chóng, nên đã mạnh dạn từ chối lời mời từ 3 ngân hàng danh tiếng nhất khi đó là Goldman Sachs, Morgan Stanley và Lehman Brothers để đầu quân cho Sandy Weill với mức lương chỉ bằng 2/3.
Khi Weill rời khỏi AmEx, chàng trai trẻ Dimon lại chọn đi theo Sandy Weill, chấp nhận từ bỏ công việc hấp dẫn hiện tại để dấn thân vào tương lai bất định phía trước.
Xây lại từ đầu
Weill và Dimon - hai thầy trò thất nghiệp, lập tức bắt tay vào xây dựng một đế chế mới.
Nổi danh là chuyên gia "cải tử hoàn sinh", năm 1986 Weill được chọn làm CEO của Commercial Credit – một công ty tài chính nhỏ bên bờ vực phá sản.
Chỉ hai năm sau, Commercial Credit đã quay đầu ngoạn mục và mua lại Primerica – một công ty môi giới và bảo hiểm lớn, với giá 1,54 tỷ USD. Tiếp đó Weill mua lại Tập đoàn Bảo hiểm Travelers.
Về phần Shearson, từ khi thiếu vắng lãnh đạo tài tình Weill, công ty môi giới này thua lỗ chồng chất. Năm 1993, Weill mua lại "đứa con cưng" của mình từ tay AmEx với giá 1 tỷ USD.
Năm 1997, ngân hàng đầu tư danh tiếng Salomon Brothers cũng bị Travelers thâu tóm. Trong các thương vụ này, Weill đóng vai trò người thuyền trưởng hoạch định chiến lược còn Dimon với kỹ năng phân tích và xử lý số liệu nhanh nhạy - cánh tay phải đắc lực thực hiện các công đoạn chi tiết.
Đỉnh cao danh vọng
Các thương vụ kể trên mới chỉ là món khai vị của "cá mập" Sandy Weill.
Năm 1998, Tập đoàn Travelers của Weill tuyên bố sáp nhập với ngân hàng danh tiếng Citicorp để lập nên Citigroup. Thông tin này gây chấn động toàn giới tài chính, không phải chỉ vì giá trị khủng 70 tỷ USD mà còn vì thương vụ này vi phạm trực tiếp quy định của Luật Glass-Steagall.
Ra đời năm 1933, luật Glass-Steagall quy định các tổ chức nhận tiền gửi của người dân (như Citicorp) không được phép thực hiện các nghiệp vụ đầu tư chứng khoán rủi ro (như Travelers). Sandy Weill - cũng ra đời năm 1933 - là người góp công lớn nhất trong việc khai tử đạo luật này.
Citigroup được chính phủ Mỹ cho thời hạn 1 năm để bán đi các chi nhánh, công ty con hoạt động không đúng lĩnh vực nhằm đảm bảo tuân thủ theo luật.
Mất bao nhiêu công sức mới sáp nhập được với nhau, bây giờ tách ra thì còn nghĩa lý gì? Sandy Weill và Citigroup liền tổ chức các chiến dịch vận động hành lang rầm rộ để thuyết phục Tổng thống và Quốc hội Mỹ bãi bỏ đạo luật 65 năm tuổi bị cho là đã lỗi thời.
Quả nhiên một năm sau, Glass-Steagall chính thức bị bãi bỏ, sự tồn tại của Citigroup hoàn toàn được hợp pháp hóa.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký thông qua đạo luật Gramm-Leach-Bliley, thay thế Glass-Steagall. |
Nói cách khác, Sandy Weill không cố gắng thay đổi hiện trạng Citigroup cho phù hợp với luật mà tìm cách thay đổi luật cho phù hợp với hiện trạng của Citigroup.
Về đối nội, Weill không muốn lặp lại sai lầm xưa kia là xây rồi bán cho người khác quản nên lần này ông kiên quyết đòi ngồi ghế lãnh đạo cao nhất của Citigroup. Nhưng John Reed - CEO của Citicorp cũng nhất quyết không chịu nhường. Cuối cùng hai bên thống nhất cả Reed và Weill sẽ cùng làm CEO của Citigroup (Co-CEO).
Sandy Weill (trái) và John Reed (phải) bắt tay sau khi thông báo tin sáp nhập. Logo của Citigroup là sự kết hợp giữa chữ Citi từ tên Citicorp và chiếc ô màu đỏ từ logo của Travelers. |
Một nước không thể có hai vua, sau một thời gian đấu đá, John Reed phải từ chức vào đầu năm 2000 để lại Sandy Weill độc chiếm ngôi vị cao nhất tại tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.
"Sát hại công thần"
Đáng tiếc là sau khi thành công, Weill đã không giữ chân được nhân tài cho Citigroup. Giám đốc tài chính (CFO) Heidi Miller và Giám đốc vận hành (COO) Jay Fishman đều nghỉ việc vào năm 2000 và 2001.
Jamie Dimon – người bạn và người học trò trung thành đi theo ông suốt 16 năm qua bao nhiêu biến cố, tưởng chừng sẽ là người kế vị ông ở Citigroup, bị ông yêu cầu từ chức vào tháng 11/1998, chỉ 1 tháng sau thương vụ sáp nhập lịch sử.
Phải chăng thỏ rừng hết thì chó săn bị làm thịt?
Dimon sau này trở thành CEO của J.P.Morgan Chase và chèo lái ngân hàng này không chỉ sống sót qua khủng hoảng tài chính 2008 mà còn tranh thủ sáp nhập thêm hai ngân hàng Bear Stearns và WaMu để trở thành định chế tài chính lớn nhất thế giới.
Chuck Prince - người kế nhiệm Sandy Weill tại Citigroup, không xuất sắc như vậy. Tháng 7/2007 khi khủng hoảng đã cận kề, Chuck Prince có tuyên bố nổi tiếng “nhạc chưa dừng, đừng thôi nhảy múa” ý muốn nói lợi nhuận từ cho vay dưới chuẩn vẫn còn kéo dài.
Vì không nhận thấy nguy hiểm trước mắt, Citigroup trở thành ngân hàng bị thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng và phải dựa phần lớn vào hỗ trợ từ chính phủ để sống sót qua cơn nguy kịch. Ngày nay, giá cổ phiếu của Citigroup chỉ bằng 1/10 thời kỳ trước khủng hoảng.
Biến động giá cổ phiếu J.P.Morgan Chase (màu xanh) và Citigroup (màu đen) từ 2001-2018. |