Chỉ một lệnh bán khiến thị trường chứng khoán châu Âu ‘sụp đổ chớp nhoáng’
Theo tin từ Bloomberg, Citigroup thừa nhận bộ phận giao dịch của ngân hàng này tại London đã phạm sai sót khi “nhập lệnh một giao dịch” ngày 2/5. Sai sót này đã châm ngòi cho một đợt bán tháo chớp nhoáng trên thị trường chứng khoán Thụy Điển.
Chỉ trong 5 phút, đà bán tháo lan rộng ra khắp châu Âu, từ thị trường chứng khoán Pháp tới Ba Lan. Citigroup khẳng định đã xác định được sai sót “trong vòng vài phút” và có biện pháp khắc phục.
Cú sụp đổ chớp nhoáng khiến chỉ số chứng khoán đại diện cho châu Âu sụt 3%, thổi bay 315 tỷ USD vốn hóa trong 5 phút. Sau đó, thị trường nhanh chóng hồi phục về trạng thái trước khi có sai sót của Citigroup.
Riêng chỉ số OMX Stockholm 30 của Thụy Điển chịu thiệt hại nặng nề nhất khi lao dốc 8% trong 5 phút giao dịch buổi sáng. Kết phiên 2/5, chỉ số này thu hẹp đà giảm còn 1,9%.
Việc chỉ một lệnh bán của một ngân hàng khiến cho thị trường chứng khoán toàn châu Âu náo loạn đã đặt ra câu hỏi liệu các định chế tài chính có cách nào ngăn chặn sai sót xảy ra và thị trường có đủ các biện pháp bảo vệ hay không.
Bloomberg dẫn lời ông Oliver Scharping, nhà quản lý danh mục tại Bantleon, nhận định: “Thực tế là dù đã có nhiều hệ thống kiểm soát tối tân nhưng đa phần hoạt động giao dịch vẫn được thực hiện bằng tay và do con người đảm nhiệm. Nói cách khác, hiện tượng ‘ngón tay béo’ không phải chỉ là cách nói ví von”.
“Ngón tay béo” ám chỉ những người có ngón tay to nên dễ ấn nhầm phím khi nhập lệnh giao dịch. Cụm từ này cũng được dùng với nghĩa rộng hơn khi nói về những sai sót đánh máy do con người nói chung trong hoạt động đầu tư.
Nguồn tin riêng của Bloomberg và Reuters cho biết Citigroup đang làm việc với cơ quan quản lý và sở giao dịch chứng khoán về sự cố ngày 2/5.
Sai sót này có thể khiến cho Citigroup thiệt hại lớn cả về mặt tài chính lẫn danh tiếng do Nasdaq tuyên bố sẽ không hủy bỏ những giao dịch được thực hiện trên các thị trường chứng khoán Bắc Âu.
Người phát ngôn của sàn Nasdaq Stockholm cho biết việc thị trường đột ngột lao dốc trong phiên đầu tuần 2/5 không phải do lỗi kỹ thuật của sàn gây ra.
“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là loại bỏ những vấn đề kỹ thuật trong hệ thống của sàn, và ưu tiên số 2 là loại bỏ các cuộc tấn công từ bên ngoài. Rõ ràng là biến động của thị trường ngày 2/5 bị gây ra bởi một lệnh giao dịch lớn của một thành viên thị trường”, người phát ngôn của Nasdaq Stockholm nói.
Không phải sai sót lần đầu của Citigroup
Đối với Citigroup, vụ việc ngày 2/5 là một lời nhắc nhở về những việc mà CEO Jane Fraser phải làm để khôi phục uy tín của ngân hàng. Hai năm trước, Citigroup từng một phen mất mặt khi các nhân viên của ngân hàng này chuyển nhầm gần 900 triệu USD cho các chủ nợ của công ty sản xuất son môi bên bờ vực phá sản Revlon.
Số tiền này được chuyển đi từ tài khoản của chính Citigroup, không phải của Revlon. Một ngày sau khi chuyển tiền, Citigroup nhận ra sai sót và đề nghị các chủ nợ của Revlon trả lại tiền. Nhiều chủ nợ lớn không trả lại và các bên lôi nhau ra tòa.
Sau quá trình tranh tụng kéo dài và khiến cho Citigroup thêm xấu mặt, tòa án xử nhà băng này thua kiện và không thể đòi lại được 504 triệu USD từ các chủ nợ của Revlon.
Theo lời thẩm phán Jesse Furman, Citibank là một trong những định chế tài chính lớn và hiện đại nhất trên thế giới, quy mô giao dịch lại lên tới gần 1 tỷ USD nên ông khó có thể tin rằng Citibank đã phạm sai lầm ngớ ngẩn đến thế. Trong lịch sử chưa từng có vụ chuyển tiền nhầm nào tai hại như vậy. Một phần nhờ có Citigroup vô tình trả nợ thay mà Revlon may mắn thoát án phá sản vào năm 2020.
Không chỉ thua kiện, Citigroup còn bị các cơ quan quản lý tài chính Mỹ thanh tra và yêu cầu thắt chặt các biện pháp kiểm soát nội bộ. Năm 2020, Citigroup bị phạt 400 triệu USD vì những yếu kém về cơ chế kiểm soát và hạ tầng công nghệ.