Hành trình khởi nghiệp, quá trình từ thất bại đến thành công
"Hành trình khởi nghiệp" là quá trình khởi nghiệp của một người hoặc nhóm người từ khi bắt đầu tới thời điểm hiện tại hoặc một thời điểm nào đó trong quá khứ.
Câu chuyện về hành trình khởi nghiệp bao gồm thời điểm ý tưởng kinh doanh phát sinh, quá trình biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực, việc huy động các nguồn lực (như vốn, kỹ năng, nhân sự, mối quan hệ, thời gian). Hành trình khởi nghiệp cũng bao gồm những thách thức và vấn đề nảy sinh trong quá trình khởi nghiệp cũng như những giải pháp mà người khởi nghiệp áp dụng để vượt qua chúng. Chúng tôi tập trung đề cập tới những bài học, tầm nhìn, triết lý, quan điểm mà doanh nhân rút ra trong hành trình khởi nghiệp.
Hành trình khởi nghiệp sẽ chẳng những giúp độc giả hiểu về doanh nhân và doanh nghiệp của họ, mà còn giúp người đọc tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong kinh doanh. Với những kinh nghiệm ấy, họ có thể tránh những sai lầm trong hành trình khởi nghiệp, tăng khả năng thành công.
Sự khác biệt giữa "hành trình khởi nghiệp" và startup
Sstartup và khởi nghiệp là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đương nhiên, trên thực tế, nhiều người nghĩ hai khái niệm ấy chỉ là một.
Khởi nghiệp là sự bắt đầu một nghề nghiệp, với hình thức phổ biến nhất là thành lập doanh nghiệp để kinh doanh trong một hoặc vài lĩnh vực. Trong khi khái niệm "khởi nghiệp" đã tồn tại từ hàng trăm năm qua và trở nên quen thuộc ở nhiều quốc gia, thì "startup" chỉ mới ra đời trong vài năm qua.
Công chúng có nhiều cách hiểu về "startup" nhưng đa số giới kinh doanh đều nhất trí rằng "startup là một danh từ chỉ một nhóm người hoặc một doanh nghiệp cùng nhau theo đuổi một sứ mệnh không chắn chắn thành công".
Neil Blumenthal, Đồng giám đốc điều hành của tập đoàn kính mắt Warby Parky (Mỹ), từng phát biểu với tạp chí Forbes: "Startup là một công ty ra đời và hoạt động nhằm giải quyết một vấn đề mà giải pháp đối với vấn đề ấy chưa rõ ràng và khả năng thành công không được bảm đảm".
Eric Ries, tác giả cuốn sách "The Lean Startup: How Constant Innovation Creates Radically Successful Businesses", nhận định startup là một tổ chức, con người hoạt động nhằm tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới trong tình trạng cực kỳ không chắc chắn.
Như vậy, mọi người có thể hiểu "khởi nghiệp" có nội hàm rộng hơn "startup" và "startup" chỉ là một trong những lựa chọn dành cho những người muốn khởi nghiệp.
Ở Việt Nam, phần lớn giới khởi nghiệp là những thanh niên đam mê sáng tạo và có khát vọng làm giàu cho bản thân, cộng đồng và xã hội. Điểm chung của họ là tràn đầy nhiệt huyết, nhạy bén với thời cuộc, có khả năng tiếp thu kỹ năng, kiến thức và công nghệ mới. Song điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa họ với số đông là họ có lòng can đảm, sẵn sàng chấp nhận thất bại để khẳng định bản thân.
Khả năng sáng tạo phi thường là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất đối với mọi doanh nhân khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Sự sáng tạo sẽ giúp họ tạo ra sản phẩm, dịch vụ khác biệt so với các đối thủ, giúp họ có thể nhìn bao quát thị trường và tìm ra những nhu cầu của người tiêu dùng mà thị trường chưa có giải pháp để đáp ứng. Dựa trên sự sáng tạo và hiểu biết đúng đắn về thị trường, người khởi nghiệp sẽ lập kế hoạch kinh doanh của họ. Kế hoạch kinh doanh có thể ra đời từ những ý tưởng mà nhiều người đã biết, chứ không nhất thiết phải là ý tưởng mới lạ, song phải có những yếu tố đột phá và lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.