Bị bạn bè bắt nạt, chàng thanh niên 17 tuổi quyết khởi nghiệp để khẳng định bản thân, bỏ túi cả triệu USD sau một năm
Mới 17 tuổi, Sukone Hong đã hiện thực hóa ước mơ kinh doanh của mình bằng cách xây dựng không chỉ một mà là hai doanh nghiệp.
Đầu tiên, một thương hiệu thời trang của Hàn Quốc do cậu làm Giám đốc điều hành, đã đạt doanh thu hơn 1 triệu USD trong năm nay và được ĐH Harvard khen ngợi. Công ty thứ hai là một startup sản xuất đồng hồ thông minh chữ nổi dành cho người khiếm thị, đã có hàng nghìn đơn hàng đặt trước.
Đó là một cách để khẳng định bản thân trước những kẻ bắt nạt mình. "Thật khó cho tôi để yêu thích trường học. Tôi bị bắt nạt. Tôi phải tìm thứ gì đó có thể thay đổi cuộc đời mình ", Hong nói với CNBC Make It.
Xây dựng thương hiệu
Cậu thiếu niên Hong bắt đầu hành trình kinh doanh của mình cách đây 4 năm, khi mới học lớp 8. Chật vật để hòa nhập với các bạn cùng lớp tại trường của mình ở thủ đô Seoul, cậu bắt đầu tìm một hướng đi mới cho bản thân, bắt đầu bằng việc bán lại quần áo hàng hiệu trên công cụ tìm kiếm Naver của Hàn Quốc.
Nhưng chỉ với 150 USD trong túi, số tiền này nhanh chóng "bốc hơi", cậu nhóc nhận ra rằng mình phải thay đổi khéo léo. Hong cần một lợi điểm bán hàng độc nhất (USP - unique selling point).
Vì vậy, cậu sử dụng khoản vay 5.000 USD từ ông bà của mình và sự hỗ trợ của một doanh nghiệp in ấn, cậu bắt tay vào việc tạo ra trang web quần áo của riêng mình, cung cấp trang phục unisex giản dị với thiết kế đơn giản, vui tươi.
Với những yếu tố như thế, thương hiệu Olaga Studios - tiếng Hàn có nghĩa là "đi lên" - đã ra đời. "Không có gì xảy ra trong một sớm một chiều," Hong nói. "Sau đó, vào sáng thứ Hai, có khoảng 15 đơn đặt hàng. 50 đơn vào bữa trưa. Rồi 80 đơn hàng vào giờ tối. Tuần đó, tôi đã bán được 300 chiếc áo sơ mi."
Học cách cho đi
Kể từ đó, thương hiệu chỉ vọn vẹn ba năm tuổi đã trở thành một thành công trong khu vực, thu về 1,2 triệu USD doanh thu hàng năm trên 6 thị trường châu Á và đứng số một trong danh mục áo thun của Style Share.
Điều đó đã cho phép Hong thuê 12 nhân viên để giúp điều hành trang web. Nhưng nó vẫn còn đủ để cho phép cậu trả lại tiền học phí cho bố mẹ tại trường quốc tế Mỹ ở Seoul, nơi mà cậu chuyển đến.
Và chính ở đó, cậu đã có được nguồn cảm hứng cho công việc kinh doanh mới nhất của mình, mà theo cậu thì đó chính là tiếng gọi đích thực từ cuộc sống. "Trước đây, tôi nghĩ kinh doanh chỉ đơn thuần là để kiếm thật nhiều tiền," Hong nói. "Nhưng sau khi chuyển trường, tôi đã có một nền tảng giáo dục tốt."
"Giáo viên nói rằng kinh nghiệm của tôi có thể được sử dụng để tạo ra một doanh nghiệp để giúp đỡ người khác," cậu cho biết thêm. Với Paradox Computers, công ty đứng sau chiếc đồng hồ thông minh chữ nổi, cậu đặt mục tiêu làm được điều đó.
Tìm kiếm sự hỗ trợ của các nhà đầu tư
Đồng hồ thông minh chữ nổi Braille - cho phép người khiếm thị nhận thông tin theo thời gian thực, chẳng hạn như văn bản và tin nhắn từ điện thoại của họ - đã có mặt trên thị trường được vài năm.
Nhưng chi phí "cắt cổ" của những chiếc đồng hồ như vậy - thường lên tới 300 USD, có thể khiến nhiều người khuyết tật khó tiếp cận với sản phẩm. Sau khi thực hiện dự án trường học về người khuyết tật, Hồng nhận ra sự bất bình đẳng và quyết định phải có một lựa chọn khác hợp lý hơn.
"Tôi thấy rằng điều này thật không công bằng," cậu nói. "Đồng thời, đó là một cơ hội tốt để kinh doanh." Vì vậy, cậu bắt đầu tìm hiểu thị trường, nói chuyện với những người khiếm thị để biết nhu cầu của họ cũng như với các kỹ sư để đưa ra giải pháp.
Sau đó, với mạng lưới quan hệ từ công việc kinh doanh thời trang hiện có của mình, Hong đã kêu gọi các "cá mập" nhảy vào, với mức 300.000 USD cho 30% cổ phần.
"Những trải nghiệm với vị trí CEO công ty thời trang đã giúp tôi," anh nói. "Tôi học được rằng mặc dù không rành về công nghệ, tôi vẫn có thể thuê các kỹ sư tài giỏi về mảng này làm việc giúp mình".
Sáu tháng sau, chiếc đồng hồ thông minh chữ nổi trị giá 80 USD của Paradox Computers đã được bán với hàng trăm chiếc, cùng với đó là 3.000 đơn đặt hàng trước từ Trung Quốc hiện đang trong quá trình thực hiện. Nhưng giữa thành công vang dội của bản thân, Hong cho biết anh vẫn cam kết theo đuổi việc học của mình.
"Khi công việc kinh doanh đang phát triển nhanh chóng, tôi đã nghĩ đến việc bỏ học. Nhưng tôi đã gặp rất nhiều CEO và họ đều nói với tôi rằng nên theo học đại học, "anh nói. Và ai biết được, với tư cách là một diễn giả khách mời và cố vấn (mentor) tại các đại học hàng đầu như Harvard và Stanford, thì điều này thực sự đáng làm.