|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Từ những người phụ nữ gốc Việt đầu tiên được cấp giấy phép làm nail đến ngành công nghiệp tỷ USD tại xứ cờ hoa

07:30 | 08/09/2021
Chia sẻ
Tại Mỹ, chỉ riêng số lượng nhân công người Việt chiếm đã tới hơn 40% tổng lực lượng lao động trong ngành công nghiệp nail.

Theo trang NPR, nếu làm nail (làm móng) trên đất Mỹ, rất có thể khách hàng đã sử dụng dịch vụ do những người Việt làm chủ. Các tiệm làm nail có mặt ở khắp mọi nơi, gần như mọi thành phố, tiểu bang và trung tâm thương mại trên khắp đất Mỹ. Rõ ràng, đây là sự bất ngờ khi chính những doanh nhân Việt Nam là những người thống trị ngành dịch vụ này tại nền kinh tế số một thế giới.

Mỹ là quốc gia có lượng người nhập cư lớn nhất thế giới. Jeanne Batalove, một nhà phân tích người Mỹ cho biết làn sóng nhập cư tới Mỹ chủ yếu để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. 

Theo đó, những người trong cùng một cộng đồng thường sẽ làm những công việc giống nhau. Chẳng hạn, khách hàng có thể tìm kiếm những quán rượu của người dân Cộng hòa Dominica ở New York, tiệm giặt khô của người Hàn Quốc tại Los Angeles hay những tài xế taxi người Ethiopia ở Washington.

Tương tự như vậy, người Việt Nam đã tạo nên một cộng đồng đông đảo trong lĩnh vực làm đẹp, đặc biệt là nail. Theo tạp chí US Nail Magazine, có khoảng 375.000 người gốc Việt được cấp chứng nhận thợ làm nail, chiếm hơn 40% số lượng nhân công trong lĩnh vực này trên khắp nước Mỹ. Chỉ tính riêng tại hai thành phố Miami và Florida, đã có gần 1.500 tiệm nail do người Việt làm chủ vào năm 2010.

Ngành công nghiệp nail tại Mỹ và sự thống trị của người Việt Nam - Ảnh 1.

Bà Tippi Hedren hướng dẫn những cô gái người Việt làm nail. (Ảnh: MPR News).

Tuy nhiên, trước khi nghề nail tại Mỹ được biết đến rộng rãi do những người Việt làm chủ, một ngôi sao Hollywood mới là người khởi xướng lĩnh vực này. Bà có tên Tippi Hedren.

Năm 1975, bà Tippi Hedren điều hành một chương trình nhân đạo cho người tị nạn, trong đó có khoảng 20 người phụ nữ Việt Nam. Những người này tỏ ra ngưỡng mộ trước bộ nail tay của bà Hedren, từ vẻ bề ngoài cho tới cách chăm sóc. 

Nhận thấy điều này, bà đã mời thợ làm nail riêng của mình, Dusty Coots, đến trại tị nạn ở Bắc California và dạy những người phụ nữ này cách làm nail tay như cách làm ở Beverly Hills, thiên đường làm đẹp hàng đầu thế giới.

Họ chính là những người phụ nữ gốc Việt đầu tiên được cấp giấy phép làm nail tại Mỹ. Đồng thời, đây cũng là điểm bắt đầu cho việc người Việt Nam thống trị ngành công nghiệp trị giá 8 tỷ USD này.

Sau này, trong bộ phim Nailed It kể về lịch sử của ngành làm nail có một chi tiết cho rằng sự thành công của người Việt đến từ cách họ hạ giá dịch vụ xuống mức ngay cả những phụ nữ thuộc tầng lớp lao động cũng có thể sử dụng được.

Ngoài việc hướng dẫn, bà Hedren còn thương thuyết với trường dạy nghề Citrus Heights Beauty tiếp nhận những phụ nữ này theo học ngành làm nail. Từ thời điểm đó, công việc này đã trở nên phổ biến và nở rộ tại nhiều nơi trên đất Mỹ. Thậm chí, nghề này phổ biến đến nỗi gần như các gia đình người Việt thời điểm đó trên đất Mỹ đều có ít nhất một người làm nghề nail.

Ngành công nghiệp nail tại Mỹ và sự thống trị của người Việt Nam - Ảnh 2.

Các tiệm làm nail của người Việt phổ biến trên đất Mỹ. (Ảnh: Language on the Move).

"Các tiệm làm nail có mặt ở mọi ngóc ngách trên các con phố ở Mỹ. Điều này tương tự như các quán Starbucks hay McDonal. Người Việt Nam đang làm chủ lĩnh vực này, họ sở hữu rất nhiều cửa hàng", Alfred Osborne, một giảng viên của trường kinh doanh Anderson cho biết.

Nhiều người lựa chọn nghề làm nail bởi nó không đòi hỏi trình độ quá cao cũng như không cần đầu tư quá nhiều tiền, cho phép bản thân có thể trang trải mọi thứ tới khi được cấp chứng chỉ. Khi đã tiết kiệm được một khoản tiền nhất định, một số người có thể chuyển ra ngoài làm riêng.

"Tôi chọn nghề nail bởi công việc này không đòi hỏi trình độ học vấn cao, vốn ban đầu vừa phải và tôi có thể giúp đỡ những người Việt Nam khác có nhu cầu tìm kiếm việc làm khi sinh sống tại Mỹ", Thanh Huỳnh, chủ tiệm nail Expo tại phía tây nam Miami cho biết.

So sánh với những tiệm spa và tiệm cắt tóc, các tiệm nail do người Việt làm chủ có xu hướng tập trung vào những nơi có chi phí thấp và đưa ra mức chiết khấu cao hơn, chẳng hạn như 10 USD/bộ nail tay, 20 USD/bộ nail chân và 30 USD/bộ gel.

"Ngành nail đã giúp ổn định cuộc sống của rất nhiều người Việt Nam tại Mỹ. Tuy nhiên, với thế hệ thứ hai là các con của tôi, chúng sẽ không chọn ngành này bởi chúng có bằng cấp và giỏi tiếng Anh, vì vậy chúng có thể tìm kiếm một công việc tốt hơn", ông Hiếu Trương, chủ một tiệm nail tại Kendall chia sẻ.

Theo chia sẻ của ông, mỗi nhân viên tại quán có thể kiếm được trung bình 3.000 USD/tháng. Từ công việc kinh doanh tiệm nail, giờ đây ông có thể mua được nhà trên đất Mỹ.

Quốc Anh