|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ tịch Trương Gia Bình đối thoại với 'bố già AI': Chúng tôi nuôi giấc mơ đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI của thế giới

10:31 | 06/09/2021
Chia sẻ
"Cách đây 20 năm, chúng tôi có một giấc mơ là ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Chúng tôi bắt đầu giấc mơ ấy từ con số 0", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ.

Mới đây, trong khuôn khổ hội thảo trí tuệ nhân tạo FAIC 2021 do FPT tổ chức ngày 17-21/8, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Yoshua Bengio, người được mệnh danh là "bố già AI", Viện trưởng Viện nghiên cứu AI Mila. Ông Bengio là người tiên phong trong lĩnh vực AI và Deep Learning. Năm 2018, ông từng nhận giải thưởng A.M. Turing Award - được biết tới là Nobel của ngành máy tính.

Mở đầu cuộc trò chuyện, Giáo sư Bengio và Chủ tịch Trương Gia Bình đã có những chia sẻ về vấn đề ứng dụng công nghệ AI trong việc hỗ trợ, giúp đẩy lùi đại dịch COVID-19. Theo Giáo sư Bengio, Viện Mila của ông cũng giống như FPT và nhiều đơn vị khác, đang ngày đêm nỗ lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI, Machine Learning giúp cộng đồng chống dịch.

"Chúng tôi đã rút ra được nhiều điều, như cách dùng AI để tìm ra những phương thuốc hay thành phần mới cho sản xuất thuốc, hoặc giải quyết một số bài toán về tối ưu hóa nguồn lực mà chúng ta đang gặp phải trong cộng đồng hiện nay", ông Bengio nói. Vị Giáo sư đề cao sự đoàn kết sẽ giúp con người vượt qua đại dịch cũng như biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Trương Gia Bình đối thoại với 'bố già AI': Chúng tôi nuôi giấc mơ đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI của thế giới - Ảnh 1.

Chủ tịch FPT (trái) đối thoại với ông Bengio. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Ở phía ngược lại, ông Trương Gia Bình cho biết FPT cũng đang nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI FPT vào công tác chống dịch, hỗ trợ bác sĩ và nhân viên y tế trong việc theo dõi, cung cấp thông tin, truy vết người bệnh. Qua đó, giúp giảm tải hệ thống y tế, nâng cao hiệu quả điều trị.

Về khả năng sử dụng AI để giúp dự báo tình hình dịch bệnh, Giáo sư Bengio cho biết Viện Mila có thể thực hiện điều này nhưng sẽ cần rất nhiều nghiên cứu phức tạp. Ví dụ như việc tìm hiểu bộ gene của các biến thể virus để dự báo về các biến thể mới có thể được sinh ra thời gian tới, từ đó phát triển các loại vắc xin, thuốc điều trị tương ứng trước khi biến thể lây lan trên diện rộng. 

"Đây là những nghiên cứu thực sự rất nghiêm túc đang được thực hiện. AI sẽ rất hữu dụng trong các hoạt động nghiên cứu này, nhưng không thể chỉ dựa vào AI, mà cần có sự kết hợp của cả trí tuệ con người, trí tuệ của các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau", ông Bengio nói. 

Ngoài ra, Giáo sư Bengio cũng đưa ra lời trấn an rằng công nghệ AI hiện tại đang được phát triển ở mức sơ khai và còn cần thời gian rất dài để đạt chạm tới khả năng suy nghĩ như một triết gia, vì vậy nhưng đồn đoán về việc AI sẽ lấn át con người là chưa cần thiết.

"Chúng ta chính là người thiết kế ra AI. Có một số lo ngại rằng máy móc sẽ được sử dụng như một công cụ để củng cố quyền lực và đe dọa người khác. Liệu trí tuệ nhân tạo có thể sánh ngang và thay thế trí tuệ con người hay không thực sự là một vấn đề mang tính khoa học viễn tưởng", ông Bengio nói và hi vọng con người sẽ đủ khả năng huấn luyện AI làm những điều tốt đẹp.

Chia sẻ về giấc mơ biến Việt Nam thành một quốc gia phát triển về mặt công nghệ, ông Trương Gia Bình cho biết: "Cách đây 20 năm, chúng tôi có một giấc mơ là ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Chúng tôi bắt đầu giấc mơ ấy từ con số 0. Sau rất nhiều nỗ lực, chúng tôi đã thực hiện được giấc mơ của mình, Việt Nam đứng trong Top 5 quốc gia phát triển phần mềm. Lúc này, chúng tôi tiếp tục nuôi một giấc mơ lớn hơn, là đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI của khu vực, của thế giới". 

Từ Tổ hợp AI ở Quy Nhơn cho đến FPT Smart Cloud, hệ thống AI trong trường Đại học, ông Bình cho biết FPT đã dành rất nhiều thời gian và công sức cho hành trình này, Chủ tịch FPT muốn nghe thêm lời khuyên từ Giáo sư Bengio về chặng đường tiếp theo.

"Cách đây 35 năm, khi vừa mơi tốt nghiệp, tôi đã có giấc mơ lớn, giấc mơ về AI, về một hệ thống máy móc có thể hoạt động như bộ não của con người. Và tôi đã tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình bằng việc liên tục trả lời các câu hỏi liên quan đến ngành khoa học này trong rất nhiều năm, từ lúc còn là những khái niệm mới và khó hiểu", ông Bengio chia sẻ.

Theo Viện Trưởng Mila, ngoài việc tiếp tục mơ lớn, điều tiếp theo FPT cần đầu tư là giáo dục. Đây là việc khó vì "thu hút các nhà khoa học AI đầu ngành từ nước ngoài về Việt Nam không dễ, thậm chí một số người Việt Nam có trình độ sẽ sang nước ngoài để nghiên cứu học tập". 

Do đó, phải tự tạo nên một dòng chảy những kỹ sư, nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực AI có kỹ năng vững vàng để dẫn dắt cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo trong nước. "Việt Nam có nguồn lực dồi dào và yêu toán học, môn học nền tảng cho nghiên cứu AI, tôi tin việc tạo ra dòng chảy trên hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu đủ đầu tư và nỗ lực trong giáo dục", Giáo sư Bengio nói.

Theo ông Bengio, AI có khả năng thay đổi thế giới và cũng sẽ mang đến những thay đổi cho Việt Nam. Trong tương lai, AI sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đem lại những giá trị lớn cho xã hội, nhưng con người phải biết cách ứng dụng AI một cách đúng đắn. Giáo sư Bengio cũng rất sẵn lòng hỗ trợ FPT xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ quy tụ nhiều nhân tài trong lĩnh vực.

Tháng 6/2020, FPT hợp tác với Mila theo ba hướng là đào tạo và trao đổi nguồn lực chất lượng AI; tư vấn xây dựng trung tâm AI tại Bình Định và kết nối các cơ hội kinh doanh trong hệ sinh thái của Mila.

Đã có 17 chuyên gia công nghệ trẻ của Việt Nam được tiếp cận với các chương trình đào tạo/nghiên cứu các giáo sư hàng đầu của Mila. Hai bên cũng đã thảo luận đưa ra được cách thức xây dựng hệ sinh thái AI góp phần đưa Bình Định trở thành trung tâm AI khu vực/thế giới. Hiện FPT cũng đã hình thành được đội ngũ hơn 200 kỹ sư, chuyên gia AI tại trung tâm nghiên cứu phát triển AI của Tâp đoàn tại Quy Nhơn, Bình Định.

Đồng thời, Tập đoàn cũng đang quyết liệt đẩy nhanh việc triển khai Dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo và đô thị phụ trợ quy mô 94ha. Bước đầu, cấp phổ thông trung học đã đào tạo khoá đầu tiên với 154 học sinh.

Phân hiệu ĐH FPT đang xúc tiến thành lập với quy mô đào tạo trên 5.000 sinh viên và đã trao 10 suất học bổng toàn phần ngành trí tuệ nhân tạo từ bậc Đại học tới Tiến sĩ cho 10 học sinh giỏi Bình Định, nhằm thắp ngọn lửa đam mê nghiên cứu AI trong giới trẻ.

Thùy Trang