|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Một cô gái gốc Việt kiếm được 3,4 triệu USD sau hai năm mở quán bán phở, lọt top Under 30 Forbes Slovakia

07:16 | 12/08/2021
Chia sẻ
Mơ ước từ khi ra trường của Lucia Thao Huong Simekova là mở chuỗi nhà hàng riêng, kinh doanh các món ăn Việt, bao gồm cả phở.

Trong năm 2020, một cô gái gốc Việt Lucia Thao Huong Simekova đã có tên trong danh sách 30 Under 30 của Forbes Slovakia nhờ thành công trong việc kinh doanh nhà hàng phở tại đất nước này, theo Next Shark.

Lucia Thao Huong Simekova, tên tiếng Việt là Vũ Thảo Hương, là chủ sở hữu chuỗi nhà hàng PHOČKÁREŇ (House of Pho) tại Slovakia, đã kiếm được 3,4 triệu USD chỉ sau hai năm.

Cô sinh ra ở Bratislava. Bố mẹ của Hương đều là người Việt. Họ gặp nhau tại Warsaw, Ba Lan, sau khi kết thúc các chương trình học tại châu Âu. Bên cạnh đó, cô còn có ba người em trai.

Cô gái gốc Việt đầu tiên lọt top Under 30 Forbes Slovakia: Bán phở thu 3,4 triệu USD sau hai năm, hạn chế lạm dụng mạng xã hội - Ảnh 1.

Cô gái gốc Việt thành công trên đất Slovakia. (Ảnh: @Phockaren).

Là gia đình người Việt Nam duy nhất sinh sống trong làng, Hương gặp nhiều khó khăn từ khi còn bé. Cô thường bị những đứa trẻ khác trêu trọc ở trường và thậm chí ngay trên đường phố.

"Sự phân biệt đối xử xung quanh tôi đã thúc đẩy tôi phải học thật tốt và nỗ lực để chứng minh rằng người Việt Nam có thể thành công", cô chia sẻ.

Sau khi giành được học bổng, Hương quyết định theo học tại cơ sở Bratislava của Đại học Seattle. Sau đó, cô đã hoàn thành bằng thạc sĩ của mình tại Đại học Reading ở Vương quốc Anh.

Thời gian làm việc trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, cô mơ ước về việc mở một cơ sở kinh doanh nhà hàng riêng để có thể làm ra những bữa ăn mà bố mẹ cô đã từng nấu.

Với mong ước đó, cô đã biến điều này thành hiện thực vào năm 2017, ngay sau khi làm những món ăn Việt Nam tại một lễ hội âm nhạc. Cô mở quán phở đầu tiên vào cuối năm 2017. Hai cơ sở khác của chuỗi nhà hàng được ra mắt vào cuối năm 2018 và tháng 2/2019.

Cô gái gốc Việt đầu tiên lọt top Under 30 Forbes Slovakia: Bán phở thu 3,4 triệu USD sau hai năm, hạn chế lạm dụng mạng xã hội - Ảnh 2.

Cô mơ ước mở chuỗi nhà hàng từ lâu. (Ảnh: @Phockaren).

Công việc kinh doanh của cô đã chịu thử thách sau khi Slovakia áp đặt các lệnh giãn cách xã hội, hạn chế đối với các nhà hàng trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 vào năm ngoái.

Tuy nhiên, thay vì chấp nhận doanh thu sụt giảm do đại dịch, cô đã thực hiện các chiến lược khác nhau để cứu chuỗi nhà hàng như cắt giảm chi phí, đăng ký ứng dụng giao hàng trực tuyến và cộng tác với các công ty bán hàng trực tuyến.

Khi các hạn chế được nới lỏng, Hương đã chọn mở lại một cửa hàng ở khu vực có lượng người qua lại cao, tích hợp dịch vụ giao hàng tận nơi và mở rộng phạm vi giao hàng ở Bratislava.

Một đại diện xác nhận rằng Hương là người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách của Forbes Slovakia. Khi được hỏi vấn đề lớn nhất đối với thế hệ của mình, cô đề cập đến các ảo tưởng về sự hoàn mỹ trên mạng xã hội.

"Những ảo tưởng về sự hoàn mỹ trên mạng xã hội thường kiểm soát chúng ta và làm cuộc sống của chúng ta phức tạp thêm. Thế hệ của tôi đang tìm kiếm sự hoàn hảo trên mạng, và điều này có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe cũng như tinh thần. 

Tôi nhận thấy điều này từ môi trường xung quanh và chính bản thân mình, vì vậy tôi cố gắng hạn chế những ảnh hưởng từ mạng xã hội và chú tâm hơn vào cuộc sống đời thực", cô chia sẻ với Forbes Slovakia.

Quốc Anh