Google tròn 23 tuổi: Từ một công cụ tìm kiếm trong trường đại học đến công ty trị giá nghìn tỷ USD
Ngày 27/9, trang tìm kiếm Google đã đổi phần hình ảnh để chào mừng sinh nhật lần thứ 23. Mặc dù tên miền Google.com được đăng ký vào ngày 15/9/1997 và công ty được thành lập vào ngày 4/9/1998 nhưng Google đã quyết định ngày sinh nhật chính thức là 27/9.
Trong suốt chiều dài lịch sử, trang tìm kiếm phổ biến nhất thế giới này đã để lại những dấu ấn đặc biệt. Giờ đây là lúc thích hợp để nhìn lại những dấu mốc đó
Google Search
Sản phẩm cơ bản của Google là công cụ tìm kiếm, thứ khởi đầu cho tất cả. Thực tế, các công cụ tìm kiếm trên internet đã có từ rất lâu trước khi Google xuất hiện. Điều khiến dịch vụ tìm kiếm này trở nên khác biệt là cách xếp hạng các kết quả tìm kiếm.
Tiền thân của Google Search ra mắt trên các máy chủ của Đại học Stanford với cái tên "BlackRub" vào năm 1996. Hai năm sau, khi những người đứng đầu tìm thấy thuật toán mới, sản phẩm đã được đổi tên thành Google (theo tên toán học của thuật ngữ "googol") và bắt đầu tìm kiếm nhà tài trợ.
Google Doodle đầu tiên
Nhằm cho người dùng biết Google sẽ không có người lãnh đạo trong một thời gian, hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin đã đặt biểu tượng Burning Man đằng sau chữ "O" thứ hai trong Google. Đây chính là Doodle đầu tiên của Google.
Doodle chính là những hình ảnh chúng ta thấy hàng ngày khi đăng nhập vào trang Google.com. Hình ảnh được thay đổi hàng ngày để kỷ niệm các ngày lễ, con người, sự kiện,… Đây cũng chính là thứ tạo nên thương hiệu Google nổi tiếng toàn cầu.
Excite từ chối mua Google
Năm 1999, Google mới bắt đầu tự đứng vững sau khi được một số nhà đầu tư thiên thần tài trợ. Tuy nhiên, cả hai nhà sáng lập vẫn quyết định bán thuật toán và thương hiệu Google cho Excite, một trong những công cụ tìm kiếm phổ biến nhất khi đó với mức giá khoảng 750.000 USD. Tuy nhiên, Excite đã từ chối và cho rằng mức giá đó quá cao so với giá trị của Google thời điểm đó.
Đây có thể là một trong những quyết định gây tiếc nuối nhất của Excite. Hiện Google có vốn hóa thị trường gần 1.900 tỷ USD, theo Yahoo Finance.
Google AdWords
Khi Google bắt đầu ghi những dấu ấn đầu tiên, họ đã nghĩ đến cách kiếm tiền. Năm 2000, Google cho ra mắt Google AdWords, cung cấp cho các nhà quảng cáo một nơi để quảng bá sản phẩm và dịch vụ. Thời gian đầu, các nhà quảng cáo phải trả một khoản phí hàng tháng để sử dụng dịch vụ này. Theo thời gian, Google AdWords đã trở thành một cỗ máy kiếm tiền cho Google.
Google được sử dụng như một động từ
Ngày 15/10/2002, một tập của bộ phim Buffy the Vampire Slayer được phát sóng có dòng thoại "Have you googled her yet"? (tạm dịch "Bạn đã google cô ấy chưa?"). Đây có thể là một chi tiết nhỏ, nhưng là lần đầu tiên từ Google được sử dụng như một động từ. Sau đó, việc sử dụng từ Google như một động từ đã gây ra vấn đề với công ty vì đôi khi gây ra sự lẫn lộn.
Google từ chối đề nghị mua lại từ Yahoo
Năm 2002, doanh thu hàng năm của Google đạt khoảng 240 triệu USD. Mặc dù rất lớn nhưng nếu so với mức doanh thu trung bình hàng năm hơn 800 triệu USD của Yahoo tại thời điểm đó vẫn còn khá nhỏ.
Nhận thấy Google là một công ty tiềm năng, Yahoo đã đưa ra lời đề nghị trị giá 3 tỷ USD cho Page và Brin. Dù vậy, họ khẳng định sẽ không bán với giá dưới 5 tỷ USD. Yahoo đã chùn bước và dừng lại. Đây là một khoảnh khắc quan trọng với Google, tạo tiền đề cho sự lớn mạnh ngày nay.
Chuyển đến Googleplex
Khi ngày càng có nhiều tiền đổ vào Google, Page và Brin cần mở rộng quy mô. Công ty đã trải rộng văn phòng khắp San Francisco và cần phải tập trung lại. Chính vì vậy, Google đã thuê một khu phức hợp các tòa nhà tại 1600 Amphitheatre Parkway ở Mountain View, California, được gọi là Googleplex.
Gmail
Một nhân viên Google có tên Paul Buchheit đã bí mật bắt đầu thực hiện ý tưởng mang tên Gmail, với mật danh "Caribou". Ngay cả nhiều kỹ sư nổi tiếng của Google cũng không biết điều này.
Cuối cùng, năm 2004, Google phát hành bản beta công khai của Gmail. Ngày nay, Gmail đã trở thành dịch vụ phổ biến bậc nhất thế giới, được hơn 1,4 tỷ người sử dụng, tính đến năm 2018.
Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO)
Tháng 8/2004, Google quyết định IPO, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Mỗi cổ phiếu khi đó có giá 85 USD, và công ty đã huy động được 1,9 tỷ USD. Khi IPO, Google phải tìm cách xoa dịu các cổ đông, điều này có thể thay đổi cách thức hoạt động của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, Google vẫn là một cỗ máy kiếm tiền và từng bước phát triển các sản phẩm mới.
Ra mắt Google Maps
Sử dụng Google Maps, người dùng có thể xem hình ảnh vệ tinh chi tiết, bản đồ đường phố và hướng dẫn chỉ đường. Dịch vụ đồng hành Google Earth cho phép mọi người nhìn toàn bộ thế giới hoặc phóng to bất kỳ nơi nào họ thích. Những dịch vụ này hoàn toàn miễn phí.
Google Maps là một trong những ứng dụng phổ biến nhất dành cho điện thoại thông minh, với phần lớn người dùng cho biết họ đã sử dụng nó ít nhất một lần.
Google mua lại YouTube
Năm 2004, một "trục trặc của tủ quần áo" tại Super Bowl đã truyền cảm hứng cho một nhóm nhỏ các nhà phát triển tạo ra một trang web nơi mọi người có thể dễ dàng chia sẻ nội dung video. Nhóm nghiên cứu đặt tên cho trang web là YouTube. Vài năm sau, mạng xã hội này đạt 8 triệu lượt xem mỗi ngày.
Năm 2006, Google đã mua lại YouTube với giá 1,65 tỷ USD. Đây là một trong những thương vụ mua bán lớn nhất của Google từ trước đến nay. Năm 2018, YouTube là trang web được truy cập nhiều thứ hai trên internet, chỉ sau Google.
Tháng 5/2017, Morgan Stanley định giá YouTube vào khoảng 160 tỷ USD, gần gấp 100 lần số tiền mà Google đã bỏ ra để mua.
Sự xuất hiện của Google Docs
Năm 2005 và 2006, Google mua lại hai công ty nhỏ. Một trong những công ty đó đã tạo ra trình xử lý văn bản dựa trên web và công ty còn lại tạo ra công cụ dựa trên web để tạo và chia sẻ bảng tính.
Mùa hè năm 2006, Google đã tung ra các chương trình cho một số người thử nghiệm. Cuối cùng, các chương trình được mở dưới dạng Google Docs. Ngày nay, Google Docs là sự thay thế khả thi, hoàn toàn miễn phí cho các dịch vụ tài liệu khác như Microsoft Office, thậm chí còn mạnh mẽ hơn với khả năng tích hợp Google Drive.
Thiết bị Android đầu tiên ra mắt
Năm 2003, một nhóm nhỏ các nhà phát triển đã tạo ra hệ điều hành Android với ý định tích hợp vào các hệ thống máy ảnh kỹ thuật số. Năm 2005, Google mua lại công ty với giá 50 triệu USD và bắt đầu áp dụng chương trình này cho điện thoại di động.
Năm 2008, sự ra mắt của HTC Dream (hay còn gọi là T-Mobile G1) đã đưa Android đến với thị trường di động. Chỉ vài năm sau, nó trở thành hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới. Đây rõ ràng là sự kiện quan trọng bậc nhất lịch sử của Google.
Ra mắt trình duyệt Google Chrome
Tháng 9/2008 là một tháng bận rộn đối với Google. Không chỉ tung ra thị trường thiết bị Android đầu tiên mà Google cho ra mắt trình duyệt riêng mang tên Google Chrome.
Ban đầu, khía cạnh chính của Chrome tách biệt nó với các đối thủ cạnh tranh là Omnibar, giúp trộn thanh địa chỉ và thanh tìm kiếm thành một. Giao diện gọn gàng, cập nhật liên tục và các tính năng cải tiến đã giúp củng cố vị thế Chrome như một sản phẩm không thể thiếu và là tiêu chuẩn để duyệt web.
Hơn 1 tỷ lượt truy cập Google Search trong một ngày
Năm 2009, Google là trang công cụ tìm kiếm thống trị với 65% thị phần tại Mỹ. Khoản thời gian này, công ty đã đạt một tỷ lượt truy cập trong một ngày. Ngày nay, Google xử lý khoảng 40.000 lượt tìm kiếm mỗi giây, tương đương khoảng 3,5 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày.
Google ra mắt Nexus One
Tháng 1/2010, Google ra mắt Nexus One, một chiếc điện thoại thông minh được tạo ra với sự hợp tác của HTC. Thiết bị khởi chạy với hệ điều hành Android 2.1 Eclair và sau đó trở thành thiết bị đầu tiên chạy Android 2.2 Froyo.
Nexus One là nỗ lực đầu tiên của Google trong việc phát hành điện thoại thông minh mang thương hiệu Google. Tới năm 2015, Huawei đã sản xuất chiếc Nexus 6P. Tuy nhiên, dòng Nexus đã bị bỏi rơi sau chiếc 6P, khi Google chuyển trọng tâm sang dòng điện thoại thông minh Pixel.
Android Market trở thành Google Play
Khi Android ra mắt cùng với HTC Dream vào năm 2008, Android Market là nơi người dùng tải các ứng dụng xuống điện thoại. Khi Android mở rộng quy mô và sự hiện diện của Google trên điện thoại thông minh ngày càng lớn, một cửa hàng trực tuyến như Android Market là quá hạn chế.
Do đó, vào năm 2012, Google đã kết hợp Android Market với hai sản phẩm khác của mình: Google Music và Google eBookstore để cho ra mắt Google Play
Ngày nay, dịch vụ này bao gồm hầu hết các hình thức truyền thông điện tử như trò chơi, phim, truyền hình, ứng dụng, âm nhạc, tạp chí, tin tức,... Chỉ tính trong năm 2017, Google Play đã kiếm được hơn 20 tỷ USD cho Google.
Google Glas
Trước năm 2012, Google đã đưa ra tiêu đề cho một số chương trình được gọi là "moonshot". Một trong số đó là xe tự lái, cuối cùng được tách ra thành công ty riêng có tên Waymo.
Không có sản phẩm moonshot nào tạo ra nhiều sóng gió như Google Glass, kính mắt thông minh. Được công bố thông qua một màn quảng cáo tại Google I / O 2012, Glass ngay lập tức được coi là một cái nhìn thoáng qua về tương lai.
Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra khó chịu với tương lai đó, vì quyền riêng tư là một trong những mối quan tâm chính. Nhìn lại, có thể nhận thấy Glass đã đi quá sớm. Tuy nhiên, Glass là một bước phát triển đặc trưng từ một trong những công ty lớn nhất thế giới.
Alphabet, Inc. ra đời
Ba năm sau khi Google ra mắt Google Glass, công ty đã tự tái cấu trúc. Một công ty mới có tên là Alphabet sẽ hoạt động như một công ty mẹ của Google, với các chương trình "moonshot" khác hiện có.
Việc tái cấu trúc công ty không thay đổi nhiều đối với người dùng cuối, nhưng nó đã giúp làm hài lòng các cổ đông muốn có cái nhìn tốt hơn về tình hình tài chính của Google.
Google Assistant
Hai điều lớn đã xảy ra vào năm 2016: Google ra mắt chương trình trí tuệ nhân tạo Google Assistant và kết hợp nó vào dòng loa thông minh Google Home, cũng như điện thoại thông minh mới Google Pixel.
Sử dụng từ nóng "Ok, Google", người dùng có thể kích hoạt Google Assistant để trả lời các câu hỏi đơn giản hoặc thực hiện các tác vụ cơ bản. Thuật toán tìm kiếm mà Page và Brin tạo ra tại Stanford vào năm 1998 giờ đây có tên và giọng nói.