Motorola là vụ thâu tóm tốn kém nhất lịch sử Google, lỗ gần 80% khi bán lại cho Lenovo
Google (nay là một phần của công ty mẹ Alphabet) là một trong những công ty quan trọng nhất của lịch sử internet.
Google được thành lập vào ngày 4/9/1998 bởi Larry Page và Sergey Brin khi cả hai đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Stanford, California. Ngày 4/9 được sử dụng làm ngày sinh nhật của Google trong 7 năm đầu tiên. Tuy nhiên, sau đó, Google chuyển ngày kỷ niệm sinh nhật sang ngày 27/9. Nguyên nhân là bởi đây là thời điểm doodle (biểu tượng đặc biệt trên Google) sinh nhật đầu tiên của Google được sử dụng vào năm 2002.
Xuyên suốt quá trình phát triển, thâu tóm và sáp nhập là một phần quan trọng trong chiến lược của Google. YouTube là thương vụ thâu tóm được nhiều người biết đến nhất của Google. Tuy nhiên, đây không phải là khoản thâu tóm lớn nhất mà Google từng thực hiện. Dưới đây là 10 thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử Google.
1. Motorola Mobility (12,5 tỷ USD, 2012)
Motorola Mobility vẫn là khoản thâu tóm lớn nhất mà Google từng thực hiện cho tới thời điểm hiện tại. Vào tháng 10/2014, Motorola được bán lại cho Lenovo với mức giá chưa bằng một phần tư mức giá mà Google thâu tóm nó (xấp xỉ 2,9 tỷ USD).
2. Nest Labs (3,2 tỷ USD, 2014)
Nest Labs đánh dấu bước chân của Google trong lĩnh vực tự động hoá, nhà thông minh. Việc thâu tóm công ty sản xuất thiết bị điều khiển nhiệt độ kết nối và máy phát hiện khói này cho phép Google tiến sâu hơn vào mỗi hộ gia đình. Trong khi đó, Nest Labs cũng tạo cơ hội để hệ sinh thái Android mở rộng hơn.
3. DoubleClick (3,1 tỷ USD, 2007)
DoubleClick, một công ty phục vụ mảng quảng cáo, là khoản thâu tóm lớn nhất của Google tính tới thời điểm năm 2007. Google mua lại công ty này để bổ sung cho mảng kinh doanh quảng cáo hiện hữu.
DoubleClick đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tầm ảnh hưởng của Google ở mảng quảng cáo hiển thị. Bên cạnh đó, DoubleClick cũng giúp Google có thể thực hiện các giao dịch mua quảng cáo lập trình thông qua sàn giao dịch quảng cáo của chính mình.
4. Looker (2,6 tỷ USD, 2019)
Looker là một nền tảng kinh doanh thông minh có trụ sở tại California, Mỹ. Việc thâu tóm công ty này giúp Google thúc đẩy tăng trưởng ở mảng dịch vụ điện toán đám mây.
5. Fitbit (2,1 tỷ USD, 2019)
Google thâu tóm Fitbit, một công ty sản xuất thiết bị đeo sức khoẻ, khoảng 4 năm sau khi Fitbit thực hiện IPO trên sàn New York. Năm 2018, một năm trước khi về tay Google, Fitbit bán được 14 triệu thiết bị và có khoảng 30 triệu người dùng hoạt động trên toàn thế giới. Google kỳ vọng việc thâu tóm Fitbit có thể giúp mở rộng hệ sinh thái WearOS của hãng này.
6. YouTube (1,7 tỷ USD, 2006)
YouTube là thương vụ thâu tóm đầu tiên của Google có giá trị trên 1 tỷ USD. Thông qua thương vụ này, Google kỳ vọng thúc đẩy chuyển đổi từ hành vi xem TV truyền thống của người dùng sang xem các nội dung trực tuyến. YouTube cũng hỗ trợ phát triển mảng quảng cáo của Google.
7. Waze (1,15 tỷ USD, 2013)
Mua lại công ty dịch vụ bản đồ Waze giúp Google cải thiện được các tính năng của Google Maps, ví dụ như khả năng dự đoán thời gian di chuyển và định hướng.
8. HTC - Pixel Smartphone Division (1,1 tỷ USD, 2017)
Thương vụ HTC - Pixel Smartphone Division không bao gồm mua lại các cơ sở sản xuất của HTC, tuy nhiên nó mang đến cho Google một phần đội ngũ quan trọng của HTC nhằm ra mắt những chiếc điện thoại Google Pixel. Điều này thể hiện quyết tâm của Google trong việc cạnh tranh với Apple.
9. AdMob (750 triệu USD, 2009)
AdMod là một công ty quảng cáo di động được sáng lập vào năm 2006. Google mua startup này khi dự đoán được sự nở rộ của quảng cáo di động.
10. ITA Software (700 triệu USD, 2011)
ITA Software là một nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hàng không. Google mua công ty này để cải thiện khả năng tìm kiếm của Google, đặc biệt là đối với tính năng Google Flight Search.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/