|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bloomberg: Warren Buffett trao đổi với chính phủ Mỹ về nguy cơ khủng hoảng ngân hàng

08:07 | 20/03/2023
Chia sẻ
Tỷ phú Warren Buffett và các quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden đã có nhiều cuộc trò chuyện với nhau, chủ yếu xoay quanh khả năng vị tỷ phú đầu tư vào ngành ngân hàng và lời khuyên để đối phó với tình hình rối ren hiện tại.

Warren Buffett, Chủ tịch kiêm CEO Berkshire Hathaway. (Ảnh: Đại học Nebraska–Lincoln)

Nguồn tin giấu tên của Bloomberg cho biết tỷ phú Warren Buffett đã trò chuyện với các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden khi cuộc khủng hoảng ngân hàng cấp khu vực tại Mỹ diễn ra trong những ngày gần đây. 

Những người thân cận với vấn đề cho biết Warren Buffett và đội ngũ của ông Biden đã có nhiều cuộc đối thoại trong tuần vừa qua. Các cuộc gọi chủ yếu xoay quanh khả năng Warren Buffett đầu tư vào các ngân hàng khu vực (regional bank) tại Mỹ theo một cách nào đó. Đồng thời, vị tỷ phú đầu tư cũng đưa ra lời khuyên chung về tình hình hỗn loạn hiện thời.

Warren Buffett đã không ít lần hỗ trợ các ngân hàng trong khủng hoảng, tận dụng danh tiếng của ông và nguồn lực tài chính để khôi phục niềm tin vào các nhà băng gặp nguy khốn. Bank of America từng được Warren Buffett bơm vốn trong năm 2011 sau khi cổ phiếu lao dốc nặng vì những khoản lỗ liên quan đến nợ thế chấp dưới chuẩn.

Warren Buffett cũng đưa cho Goldman Sachs “phao cứu sinh” 5 tỷ USD vào năm 2008 nhằm củng cố ngân hàng này sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers. Các đại diện của Berkshrie Hathaway và Nhà Trắng chưa trả lời yêu cầu bình luận của tờ Bloomberg.

Trong tuần vừa qua, các nhà quản lý Mỹ đã công bố các chương trình đặc biệt để trấn an khách hàng của các nhà băng, hứa hẹn tiền gửi tại những ngân hàng bị giải thể sẽ được hoàn trả đầy đủ. Nhưng cổ phiếu tại các ngân hàng khu vực vẫn sụt giảm khi nhà đầu tư lo ngại các diễn biến tiêu cực sẽ tiếp tục lan ra.

Theo tờ Bloomberg, đội ngũ của ông Biden lo ngại lực cản chính trị nên đã điều phối các biện pháp hỗ trợ mà không đòi hỏi khoản chi trực tiếp từ chính phủ. Tiêu biểu trong số đó là Chương trình Cấp vốn Kỳ hạn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thông cáo chung của Fed, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Bộ Tài chính Mỹ đưa ra nhấn mạnh rằng kế hoạch đó sẽ không tiêu tốn tiền thuế của người dân. 

Tuần trước, 11 ngân hàng lớn tại Mỹ đã tự nguyện gửi 30 tỷ USD vào nhà băng First Republic để tránh một vụ sụp đổ khác sau các biến cố của Silvergate, SVB và Signature.

Các nhà quản lý của Mỹ khen ngợi động thái trên là “rất đáng hoan nghênh”. Bất kỳ khoản đầu tư hay sự can thiệp nào từ Warren Buffett hay những huyền thoại đầu tư khác cũng có thể coi là một phần trong chiến lược đó, giúp chính phủ Mỹ ngăn chặn khủng hoảng mà không cần giải cứu trực tiếp các ngân hàng.

Giang