Sau loạt ngân hàng sụp đổ, Mỹ xem xét bảo hiểm cho mọi khoản tiền gửi trên 250.000 USD
Theo nguồn tin riêng của Bloomberg, Bộ Tài chính Mỹ đang xem xét liệu các cơ quan quản lý có đủ quyền lực khẩn cấp để tạm thời bảo hiểm cho tất cả những khoản tiền gửi lớn hơn giới hạn 250.000 USD mà không cần đến sự chấp thuận của Quốc hội hay không.
Các nhà chức trách nhìn nhận rằng động thái trên hiện vẫn chưa cần thiết, đặc biệt sau khi cơ quan quản lý tung ra những biện pháp giúp ngân hàng đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn được nghiên cứu trong trường hợp tình hình xấu đi.
“Chúng tôi sẽ dùng những công cụ trong tay để hỗ trợ các ngân hàng địa phương”, người phát ngôn Nhà Trắng Michael Kikukawa tuyên bố. “Kể từ khi chính quyền và các cơ quan quản lý có những biện pháp quyết liệt vào tuần trước, tiền gửi tại các ngân hàng trên khắp đất nước đã ổn định, và trong một số trường hợp, dòng tiền gửi đã trở lại ngân hàng”.
Tuy nhiên, những cuộc thảo luận kín cho thấy Washington đang lo ngại khi các ngân hàng tầm trung kêu gọi chính phủ can thiệp mạnh hơn. Ba ngân hàng Mỹ đã sụp đổ trong tháng 3, trong khi ngân hàng thứ 4 đang cố gắng tránh khỏi viễn cảnh tương tự.
- TIN LIÊN QUAN
-
Ngân hàng lớn thứ 14 của Mỹ rơi vào thế ‘ngàn cân treo sợi tóc’ dù mới được hỗ trợ 30 tỷ USD 21/03/2023 - 11:21
Các quan chức đang thảo luận việc sử dụng đến Quỹ Bình ổn Tỷ giá (Exchange Stabilization Fund) của Bộ Tài chính Mỹ, theo nguồn tin của Bloomberg.
Quỹ trên thường được sử dụng để mua hoặc bán tiền tệ, cung cấp các khoản vay cho chính phủ nước ngoài. Quỹ Bình ổn Tỷ giá được thành lập vào những năm 1930, và được Fed sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động cho vay khẩn cấp trong những năm gần đây.
Quỹ Bình ổn Tỷ giá là nguồn tiền duy nhất mà Bộ Tài chính Mỹ có quyền kiểm soát hoàn toàn. Những quỹ hay khoản chi tiêu khác sẽ cần đến sự chấp thuận của Quốc hội. Hiện Quốc hội Mỹ đang bị chia rẽ, khiến những quyết định mang rủi ro lớn như bảo hiểm toàn bộ tiền gửi khó được thông qua.
‘Tiền lệ nguy hiểm’
Liên minh ngân hàng cỡ trung của Mỹ, bao gồm những ngân hàng có tài sản lên tới 100 tỷ USD, đã kêu gọi cơ quan quản lý dỡ bỏ mức trần 250.000 USD với bảo hiểm tiền gửi. Tổ chức này bày tỏ lo ngại rằng nếu một ngân hàng khác sụp đổ, người gửi tiền sẽ ồ ạt chuyển đến những nhà băng lớn nhất.
Trong khi nhiều nhà lập pháp ở cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa đang cân nhắc thay đổi mức trần bảo hiểm 250.000 USD của FDIC, một số thành viên bảo thủ tại Hạ viện lại phản đối.
"Bất kỳ sự đảm bảo nào đối với tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng, dù ngấm ngầm hay công khai, đều tạo ra một tiền lệ nguy hiểm [bằng cách] khuyến khích các hành vi vô trách nhiệm trong tương lai. Những người không liên quan và tuân thủ quy tắc sẽ phải trả giá cho [những hành vi vô trách nhiệm kể trên]", nhóm chính trị House Freedon Caucus tại Hạ viện Mỹ tuyên bố.
Khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ra điều trần trước Thượng viện ngày 16/3 vừa qua, Thượng Nghị sỹ Đảng Cộng hòa James Lankford đến từ bang Oklahoma đã đặt câu hỏi: “Liệu các khoản tiền gửi tại mọi ngân hàng cộng đồng ở Oklahoma, bất kể quy mô, có được bảo hiểm đầy đủ ngay bay giờ không? Liệu những ngân hàng này có được đối xử giống với SVB hay Signature Bank hay không?”
Bộ trưởng Yellen thừa nhận là không. Bà cho biết bảo hiểm toàn bộ tiền gửi sẽ chỉ được áp dụng trong trường hợp “việc không [can thiệp] sẽ tạo ra rủi ro hệ thống và hậu quả kinh tế, tài chính nghiêm trọng”.
Thượng Nghị sỹ Lankford cho biết tác động của sự phân biệt này là các ngân hàng nhỏ sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn với người gửi tiền trên 250.000 USD. "Tôi lo ngại rằng bà đang ... khuyến khích bất kỳ ai có khoản tiền gửi lớn tại các ngân hàng cộng đồng [tìm đến các ngân hàng khác] bằng cách nói rằng: 'chúng tôi sẽ không đảm bảo toàn bộ tiền gửi, nhưng nếu bạn đến một trong những ngân hàng được chúng tôi yêu thích, chúng tôi sẽ đảm bảo toàn bộ tiền gửi giúp bạn".