|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Credit Suisse đã được mua lại nhưng các chuyên gia lo khủng hoảng ngân hàng còn lâu mới kết thúc

08:30 | 21/03/2023
Chia sẻ
Giám đốc đầu tư của JPMorgan Asset Management dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất trong tháng 9. Chủ tịch công ty tư vấn Yardeni Research cảnh báo Mỹ có nguy cơ suy thoái nếu tín dụng bị thắt chặt.

(Hình minh họa: Pete Baker/The Times). 

Sự bình tĩnh trên thị trường tài chính châu Á sáng ngày 20/3 đã nhanh chóng nhường chỗ cho những lo lắng mới về triển vọng của hệ thống tài chính toàn cầu. Các nhà đầu tư và chuyên gia thị trường đang chuẩn bị để đương đầu với đợt náo động mới.

Cổ phiếu, trái phiếu và tiền mã hóa diễn biến trái chiều khi thị trường mở cửa sau thông tin UBS đồng ý mua lại Credit Suisse và các ngân hàng trung ương bơm thêm thanh khoản USD. Nhưng niềm lạc quan không kéo dài lâu.

Giá trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) của các ngân hàng châu Á lao dốc kỷ lục, cổ phiếu HSBC sụt giảm khi cổ đông lo ngại về mối liên hệ với Credit Suisse. Giá trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm phục hồi và hợp đồng tương lai chứng khoán châu Âu đảo chiều đi xuống.

Ông Bob Michele, Giám đốc đầu tư của JPMorgan Asset Management, nói rằng giờ vẫn còn quá sớm để phán đoán tình hình sẽ kết thúc ra sao. Nhưng ông dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có lẽ sẽ giảm lãi suất cuối năm nay.

Ông Ed Yardeni, Chủ tịch hãng tư vấn Yardeni Research, cho rằng sự hỗn loạn của ngành ngân hàng có thể gây ra suy thoái nếu nó khiến cho tín dụng bị siết chặt.

Dưới đây là bình luận của một số chuyên gia thị trường về các sự kiện tài chính mới nhất, theo tổng hợp của Bloomberg

Bob Michele, Giám đốc đầu tư của JPMorgan Asset Management:

“Những gì vừa xảy ra mới chỉ là khởi đầu. Chắc chắn chúng sẽ khiến tăng trưởng chậm lại và làm giảm áp lực lạm phát. Fed không cần phải tăng lãi suất trong cuộc họp tuần này. Thị trường sẽ tự thắt chặt tín dụng thay cho họ. Chúng tôi kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9 để ngăn suy thoái”.

Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz:

“Việc UBS mua lại Credit Suisse chính là một vụ giải cứu. Đây không phải giải pháp tốt nhất, nhưng vẫn hơn nhiều hai lựa chọn còn lại là quốc hữu hóa Credit Suisse hoặc cố gắng đóng cửa ngân hàng này dần dần. Giải cứu Credit Suisse không phải hành động lý tưởng, nhưng là phương án tốt nhất Thụy Sỹ có thể thực hiện”.

Ed Yardeni, Chủ tịch Yardeni Research:

“Cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện tại có vẻ sẽ không nghiêm trọng như khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Tuy nhiên, các biến cố trong ngành ngân hàng vẫn có thể mời gọi suy thoái nếu gây ra tình trạng thiếu hụt tín dụng trong toàn nền kinh tế.  

Chúng tôi chưa nâng cảnh báo nguy cơ suy thoái nhưng có thể sẽ phải làm vậy nếu thấy dấu hiệu nỗ lực bình ổn khủng hoảng ngân hàng của Fed không phát huy hiệu quả”.

Win Thin, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ toàn cầu tại Brown Brothers Harriman:

“Thương vụ UBS-Credit Suisse và tin các ngân hàng trung ương tăng tần suất hoán đổi USD đã tạm thời trấn tĩnh được thị trường. Nhưng tôi nghĩ rằng First Republic và các ngân hàng khu vực khác vẫn chưa ổn định. Do đó, tôi không chắc chúng ta không thể yên tâm rằng sóng gió đã qua”.

Gregory Peters, đồng Giám đốc đầu tư tại PGIM Fixed Income:

“Đối với Fed, có lẽ ngừng tăng lãi suất sẽ là phản ứng thích hợp. Tăng lãi suất sẽ là động thái quá vô tâm còn giảm lãi suất thì lại quá đáng ngờ. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu có lẽ đang rất tập trung vào rủi ro lây nhiễm và đảm bảo hoạt động của hệ thống tài chính. Câu hỏi là liệu những cân nhắc đó có tạo ra thay đổi trong chính sách tiền tệ hay không.

Mọi người đều cho rằng khủng hoảng ngân hàng sẽ kéo nền kinh tế và lạm phát đi xuống. Nhưng nếu điều đó không xảy ra thì viễn cảnh tương lai sẽ hoàn toàn khác biệt và làm thay đổi hoàn toàn quỹ đạo lãi suất của Fed”.

Gerard Macdonell, Giám đốc điều hành cấp cao tại 22V Research:

“Nếu Fed giữ nguyên lãi suất vào ngày 22/3 thì thị trường có thể coi đó là dấu hiệu hoảng loạn. Động thái này cũng có thể làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát và biến động trên thị trường trái phiếu.

Ý tưởng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất dù họ biết sau này sẽ phải mạnh tay hơn nữa có vẻ không hợp lý. Và chưa chắc việc Fed ngừng tăng lãi suất trong một cuộc họp sẽ giúp giải quyết rắc rối trong hệ thống ngân hàng”.

Các nhà phân tích tại Australia & New Zealand Banking Group:

“Các ngân hàng trung ương đang cố gắng tách biệt những lo ngại về chính sách tiền tệ với ổn định tài chính, nhưng về mặt lý thuyết, thực hiện chúng thì dễ hơn là trên thực tế”.

Chính sách kích thích quá đà trong quá khứ đang gây ra thêm các hậu quả khác bên cạnh lạm phát. Rủi ro là các điều kiện tài chính thắt chặt đến mức gây ra tình trạng thiểu phát và một cuộc hạ cánh cứng đau đớn”.

Giang