|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khối tiền gửi khổng lồ của các ngân hàng Mỹ trước cú sốc: Trị giá hơn 17.700 tỷ USD, 43% không được bảo hiểm

09:38 | 18/03/2023
Chia sẻ
Các ngân hàng thương mại của Mỹ có 17.725 tỷ USD tiền gửi của các khách hàng trong nước tại ngày cuối năm 2022, số tiền gửi được bảo hiểm là hơn 10.000 tỷ USD, tương đương tỷ lệ 57%.

Các ngân hàng và quỹ tiết kiệm tại Mỹ có 17.725 tỷ USD tiền gửi trong nước tại ngày cuối năm 2022, trước khi các ngân hàng Silicon Valley Bank, Signature và Silvergate sụp đổ vào tháng 3/2023.

Tại ngày 31/12/2022, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đang bảo hiểm cho 4.706 tổ chức tài chính tại Mỹ, bao gồm 4.127 ngân hàng thương mại, còn lại là các quỹ tiết kiệm. Tổng tài sản của các tổ chức tài chính này là 23.600 tỷ USD, tổng giá trị cho vay là 12.227 tỷ USD, chiếm gần 52%.

Tổng giá trị tiền gửi là 19.215 tỷ USD, trong đó có 17.725 tỷ USD là tiền gửi trong nước Mỹ, gần 1.500 tỷ USD là tiền gửi tại các chi nhánh ở nước ngoài. Tổng tiền gửi lập đỉnh 19.932 tỷ USD vào ngày cuối quý I/2022, cũng là lúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nâng lãi suất để chống lạm phát, sau đó số dư liên tục giảm trong ba quý gần đây.

(Minh họa: Song Ngọc).

FDIC chỉ nhận bảo hiểm tiền gửi trong nước. Hạn mức bảo hiểm của FDIC hiện nay là 250.000 USD/người/loại tài khoản/mỗi ngân hàng, được áp dụng từ tháng 10/2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới bùng phát.

Để so sánh, vào năm 2021, một hộ gia đình Mỹ có thu nhập trung vị khoảng 70.800 USD/năm và một cá nhân có thu nhập trung vị gần 45.500 USD/năm.

Hạn mức bảo hiểm tiền gửi 250.000 USD nói trên được áp dụng cho cả người gửi tiền là cá nhân cũng như tổ chức. Mục đích của chính sách bảo hiểm này là bảo vệ cho những người dân Mỹ không giàu có và không sành sỏi về tài chính.

Những cá nhân hay doanh nghiệp có hàng chục triệu USD được kỳ vọng phải tự biết quản lý tiền bạc của mình sao cho an toàn, nhà nước không bảo hiểm toàn bộ.

Ví dụ nếu một người gửi 1 triệu USD vào một ngân hàng thì sẽ chỉ có 250.000 USD được bảo hiểm, còn lại 750.000 USD có nguy cơ thiệt hại nếu ngân hàng này phá sản.

Thống kê của FDIC cho thấy tại ngày cuối năm 2022, giá trị tiền gửi được bảo hiểm là 10.024 tỷ USD, tương đương 56,6% tổng tiền gửi trong nước. Số tiền gửi không được FDIC bảo hiểm là 7.700 tỷ USD.

57% số tiền gửi trong nước tại các ngân hàng và quỹ tiết kiệm của Mỹ được FDIC bảo hiểm, còn khoảng 7.700 tỷ USD không được bảo hiểm.

Nếu một doanh nghiệp có 2,5 triệu USD và muốn tất cả đều được FDIC bảo hiểm thì sẽ phải chia nhỏ ra thành 10 khoản tiền 250.000 USD rồi gửi ở 10 ngân hàng khác nhau. Cách làm này tuy an toàn nhưng rất bất tiện trong hoạt động vì khi cần chuyển 1 triệu USD, doanh nghiệp sẽ phải gửi lệnh chi tới ít nhất 4 ngân hàng, khiến khối lượng công việc giấy tờ nhiều gấp 4 lần.

Trong vụ Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ hôm 10/6 vừa qua, khoảng 90% tổng số tiền gửi không được FDIC bảo hiểm. Đa số khách hàng của SVB là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và doanh nhân giàu có nên số dư trên mỗi tài khoản là rất lớn, vượt xa hạn mức bảo hiểm.

Ví dụ, công ty phát video trực tuyến Roku có tổng cộng 1,9 tỷ USD tiền mặt, trong đó 487 triệu USD được gửi ở SVB. Ngày 10/3, công ty này thừa nhận: “Hầu hết tiền gửi của chúng tôi ở SVB không được bảo hiểm. Hiện nay chúng tôi không biết sẽ thu hồi được bao nhiêu tiền gửi tại SVB”.

Công ty trò chơi trực tuyến Roblox có tổng cộng 3 tỷ USD tiền mặt, trong đó 150 triệu USD được gửi ở SVB.

Công ty dịch vụ kỹ thuật số AcuityAds Holding có tổng cộng gần 60 triệu USD tiền mặt, trong đó đến 90% là ở SVB.

Các doanh nghiệp này đã phải trải qua hai ngày cuối tuần đầy lo lắng vì không biết mình có lấy lại được tiền gửi hay không. May mắn đã mỉm cười các khách hàng của SVB và ngân hàng sụp đổ sau đó là Signature Bank, vào tối 13/3, Bộ Tài chính, Fed và FDIC đã thống nhất sẽ bảo hiểm cho 100% số dư tiền gửi của tất cả khách hàng tại cả hai ngân hàng.

Tuy nhiên đến hôm 16/3, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết SVB và Signature Bank là các trường hợp ngoại lệ và người gửi tiền của các ngân hàng khác không nên kỳ vọng mình sẽ nhận lại tất cả tiền gửi trên mức bảo hiểm 250.000 USD.

Việc có một lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm khiến cho các ngân hàng ở vào tình thế rất bấp bênh mỗi khi có tin tức tiêu cực vì người gửi tiền sợ rất dễ hoảng sợ, tháo chạy.

Tổng tài sản của các ngân hàng được FDIC bảo hiểm tại ngày cuối năm 2022 là 23.600 tỷ USD, tương đương 93% GDP của Mỹ. Vốn chủ sở hữu 2.207 tỷ USD.

Đức Quyền