Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi của Mỹ có 128 tỷ USD, đủ để xử lý những vụ sụp đổ như SVB hay không?
Trong vụ sụp đổ gần đây của SVB, cái tên được nhắc đến nhiều hơn cả Cục Dự trữ Liên bang hay Bộ Tài chính Mỹ chính là Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).
Theo Investopedia, FDIC là một cơ quan liên bang độc lập, có nhiệm vụ bảo hiểm tiền gửi, tiền tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng Mỹ. FDIC được thành lập giữa cuộc Đại Khủng hoảng năm 1933 nhằm mục đích đảm bảo niềm tin của công chúng và khuyến khích sự ổn định trong hệ thống tài chính thông qua việc thúc đẩy các hoạt động ngân hàng lành mạnh.
Hiện nay, FDIC chịu trách nhiệm bảo hiểm cho số tiền tối đa 250.000 USD cho mỗi người gửi, trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi là thành viên của cơ quan này. Mục đích chính của FDIC là ngăn chặn viễn cảnh người gửi đổ xô đi rút tiền (bank run), khiến nhiều ngân hàng sụp đổ trong cuộc Đại Khủng hoảng những năm 1930.
Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi của FDIC
Một trong những cách để FDIC duy trì sự ổn định và niềm tin của công chúng với hệ thống tài chính của Mỹ là thông qua bảo hiểm tiền gửi. Mục đích chính của Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi (DIF) là: bảo hiểm cho tiền gửi, bảo vệ người gửi tiền và giải quyết các ngân hàng bị sụp đổ.
Quỹ DIF có được vốn từ hai nguồn: phí bảo hiểm tiền gửi của các tổ chức được FDIC bảo lãnh và lãi suất nhận được từ việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ.
Phí bảo hiểm được tính như thế nào
Nguồn vốn của DIF chủ yếu đến từ phí bảo hiểm hàng quý được các ngân hàng đóng góp. Phí bảo hiểm được tính bằng cách nhân tỷ lệ đóng bảo hiểm với tài sản được bảo hiểm. Tài sản được bảo hiểm và tỷ lệ đóng bảo hiểm được FDIC xác định hàng quý.
Từ năm 1935 đến 2010, tài sản được bảo hiểm của một ngân hàng gần bằng tổng tiền gửi trong nước. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng và Cải cách Phố Wall Dodd-Frank năm 2010, FDIC xác định tổng tài sản được bảo hiểm là tổng tài sản hợp nhất trung bình, trừ đi vốn chủ sở hữu trung bình.
Do đó, một ngân hàng phải chi trả phí bảo hiểm cho toàn bộ tổng tài sản chứ không chỉ những khoản tiền gửi được FDIC bảo hiểm. Tỷ lệ đóng bảo hiểm được xác định dựa trên rủi ro, và tùy thuộc vào quy mô của từng ngân hàng. Ngân hàng nào bị coi là rủi ro cao thì tỷ lệ phí bảo hiểm sẽ cao.
Quỹ bảo hiểm đang có bao nhiêu tiền?
Theo dữ liệu từ FDIC, Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi hiện đang nắm giữ 128,2 tỷ USD. Số tiền gửi được quỹ này bảo hiểm là 10.068 tỷ USD. Như vậy, số tiền mà quỹ này đang nắm giữ tương đương với khoảng 1,27% tổng tiền được bảo hiểm.
- TIN LIÊN QUAN
-
89% tiền gửi ở Silicon Valley Bank không được bảo hiểm, khách hàng có hy vọng nhận lại 150 tỷ USD? 12/03/2023 - 07:31
Trong trường hợp của ngân hàng SVB (Silicon Valley Bank) sụp đổ mới đây, tổng giá trị tiền gửi tại ngày cuối năm 2022 là 175,4 tỷ USD, trong đó chỉ có 11% được bảo hiểm bởi FDIC. Do vậy, FDIC dự kiến sẽ phải trả 19,25 tỷ USD cho người gửi tiền.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, quỹ DIF đã từng phải thanh toán các khoản tiền gửi tại hàng trăm ngân hàng sụp đổ. Kết quả là, số dư của quỹ trong hai năm 2009 và 2010 đều âm hàng chục tỷ USD. Sau cuộc khủng hoảng và đạo luật Dodd-Frank, cùng với sự phát triển của ngành tài chính, số dư của quỹ DIF liên tục tăng đều.
Vào năm 2010, số lượng tổ chức tài chính sụp đổ tăng lên mức kỷ lục là 157. Trái lại, vào năm 2021 và 2022, không hề có tổ chức tài chính nào bị sụp đổ. SVB là ngân hàng đầu tiên mà FDIC phải tiếp quản trong ba năm gần đây.