|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phố Wall chuẩn bị cho SVB thứ hai

12:37 | 13/03/2023
Chia sẻ
Vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) khiến các nhà đầu tư lo ngại rủi ro sẽ lan rộng trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, một số tin rằng sóng gió trên hệ thống tài chính có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất.

Theo Wall Street Journal, các nhà đầu tư đã lo lắng rằng tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập kỷ sẽ khiến một thứ gì đó trong nền kinh tế Mỹ đổ vỡ. Vào tuần trước, đổ vỡ đã xảy ra khi Silicon Valley Bank (SVB) phải đóng cửa sau khi người gửi ồ ạt rút tiền, đánh dấu vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.

Vụ sụp đổ đã làm rung chuyển Phố Wall, làm gia tăng lo ngại rằng các điều kiện tài chính thắt chặt sẽ ảnh hưởng tới lĩnh vực tài chính và rộng hơn.

 

Sự sụp đổ của SVB đã tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư, chỉ số S&P 500 giảm 3,3% trong hai ngày giao dịch cuối tuần. Các nhà giao dịch đã bắt đầu suy đoán về tác động tới những ngân hàng đang tăng trưởng nhanh, và liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có giảm tốc hay tạm ngừng quá trình tăng lãi suất hay không.

Ông Fredric Russell, CEO của Fredric E. Russell Investment Management, cho rằng SVB có thể chỉ là nạn nhân đầu tiên. Vào ngày 12/3, các cơ quan quản lý đã kiểm soát Signature Bank - một ngân hàng có trụ sở tại New York, với tổng tài sản hơn 110 tỷ USD. 

Những nạn nhân tiếp theo

Các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng lớn nhất, có cơ cấp tài sản và nợ phải trả tốt hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư lo lắng rằng những sóng gió hiện tại có thể ảnh hưởng tới toàn ngành. 

Đồng thời, một đồng tiền tiền mã hóa lớn là USDC đã giảm mạnh vào cuối tuần, sau thông tin nhà điều hành Circle Internet Financial có 3,3 tỷ USD tiền gửi ở SVB. USDC là một đồng tiền ổn định (stablecoin), được neo giá với USD theo tỷ lệ 1:1.

Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) bảo đảm cho những người gửi tiền số tiền lên tới 250.000 USD tại ngân hàng. FDIC tuyên bố những người gửi số tiền lớn hơn 250.000 USD tại SVB sẽ nhận được giấy chứng nhận quyền nhận tiền với số dư không được bảo hiểm. Hay nói cách khác, người gửi tiền có thể sẽ không sớm nhận được hết toàn bộ số tiền của mình.

Ông Bob Elliott, Giám đốc đầu tư tài quỹ quản lý tài sản Unlimited cho biết: “Câu hỏi lớn là liệu FDIC và Fed có giúp những người gửi tiền không được bảo hiểm nhận lại một phần hay toàn bộ số tiền đã gửi hay không”.

“Cách giải quyết trường hợp của SVB không thỏa đáng sẽ tạo ra rủi ro hệ thống khi những người gửi tiền không được bảo hiểm rút tiền khỏi các ngân hàng nhỏ”, ông cảnh báo.

Vào cuối năm 2022, SVB có khoảng 151 tỷ USD tiền gửi không được bảo hiểm. First Republic Bank, một ngân hàng khu vực lớn khác, có khoảng 120 tỷ USD trong khi Signature Bank có khoảng 80 tỷ USD tiền gửi không được bảo hiểm.

Một tín hiệu đáng mừng là Bộ Tài chính, Fed và FDIC tối 12/3 đã tuyên bố sẽ đảm bảo quyền lợi cho tất cả người gửi tiền tại SVB và Signature Bank, bất kể số dư có được bảo hiểm hay không.

Sự sụp đổ của SVB không chỉ tác động tới người gửi tiền và nhà đầu tư, mà còn cả khách hàng. Những doanh nghiệp được SVB cấp vốn trong nhiều năm giờ đang trở nên rủi ro hơn nhiều. 

Cổ phiếu của công ty lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời Sunrun đã giảm 12% vào ngày 10/3. Nền tảng phát trực tuyến Roku tuyên bố 487 triệu USD trong tổng tiền mặt 1,9 tỷ USD của công ty đang bị kẹt tại SVB. Trong một báo cáo, Roku cho biết không rõ sẽ thu hồi được bao nhiêu tiền.

Công ty phần mềm quản trị nhân sự Rippling đã không thể thanh toán một số tiền lương vào ngày 10/3, theo CEO Parker Conrad. Ông Conrad cho biết công ty đã chuyển sang làm việc với JPMorgan Chase.

Các nhà đầu tư nhanh chóng lo ngại rằng những ngân hàng khác cũng có thể chịu chung số phận. Chỉ số KBW Nasdaq Bank Index đã tụt 16% vào tuần trước, mức suy giảm cao nhất kể từ đại dịch COVID.

Những ngân hàng với các khoản cho vay rủi ro cao như thế chấp bất động sản, hoặc tập khách hàng nhiều rủi ro sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hoạt động giao dịch cổ phiếu của một số ngân hàng, bao gồm First Republic, Signature Bank, Western Alliance và PacWest đã bị tạm ngừng trong một khoảng thời gian ngắn vào ngày 10/3.

Cổ phiếu 4 ngân hàng địa phương của Mỹ sụt giảm mạnh vào ngày 10/3.

Khác biệt với khủng hoảng năm 2008

Những sóng gió hiện nay trong lĩnh vực ngân hàng có những khác biệt so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 

Ngân hàng SVB gặp rắc rối một phần vì đầu tư mạnh vào trái phiếu chính phủ và chứng khoán được đảm bảo bằng nợ thế chấp. Khi Fed nâng lãi suất, giá của các chứng khoán này sa sút.

Tuy nhiên, những tài sản này sẽ được thanh toán đầy đủ khi đáo hạn, khác với những công cụ tài chính phức tạp, gắn liền với các khoản thế chấp đầy rủi ro, vốn đã khiến nhiều tổ chức tài chính sụp đổ vào năm 2008. 

 

Sau sự sụp đổ của SVB, thay vì từ bỏ Trái phiếu Kho bạc Mỹ, các nhà đầu tư lại tăng cường mua vào, với giả định rằng những vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng có thể làm tăng trưởng kinh tế chậm lại, và lãi suất thấp hơn. Ngoài nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, Fed còn có trọng trách đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.

Theo Tradeweb, lợi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hôm 10/3 ghi nhận mức sụp giảm trong một ngày cao thứ ba trong thập kỷ qua. Lợi suất trái phiếu giảm khi giá trái phiếu tăng lên. 

Ngân hàng lớn đứng vững

Theo dữ liệu từ Fed, từ cuối năm 2019 đến cuối 2021, giá trị nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ của các ngân hàng thương mại Mỹ tăng 53% lên 4.580 tỷ USD. Đa phần các khoản lỗ chưa thực hiện trong hệ thống ngân hàng hiện đang nằm tại những tổ chức cho vay lớn nhất.

Trong báo cáo thường niên, Bank of America cho biết tính đến ngày 31/12/2022, giá thị trường của lô trái phiếu nắm giữ tới khi đáo hạn của ngân hàng là 524 tỷ USD, thấp hơn giá trị trên bảng cân đối kế toán là 109 tỷ USD.

Bank of America và những ngân hàng khổng lồ khác cho thể chi trả một lượng lớn tiền gửi, trước khi buộc phải thanh lý những lô trái phiếu đang bị lỗ trên.

Đa phần nợ phải trả của SVB (89% vào cuối năm 2022) là tiền gửi. Trong khi đó, Bank of America có nguồn vốn đa dạng hơn, bao gồm cả vay dài hạn. Chỉ 69% nợ phải trả của ngân hàng này là tiền gửi. Và khác với SVB hay Silvergate, các ngân hàng lớn có nhiều loại tài sản, phục vụ đang dạng doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro khi sự suy thoái trong một ngành có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

“Các khoản lỗ chưa thực hiện làm suy yếu khả năng của ngân hàng trong việc đáp ứng nhu cầu thanh khoản bất ngờ trong tương lai”, Chủ tịch FDIC, ông Martin Gruenberg phát biểu vào ngày 6/3.

Các ngân hàng nhỏ thường phải trả lãi suất tiền gửi cao hơn để hút khách hàng. Theo WSJ, Bank of America trả lãi suất trung bình là 0,96% trong quý IV/2022. Mức trung bình của toàn ngành ngân hàng Mỹ là 1,17%, trong khi SVB sẵn sàng trả lãi suất lên tới 2,33%. 

Minh Quang