|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hàng trăm quỹ đầu tư cam kết 'đồng hành' với SVB nếu ngân hàng này được cứu

10:34 | 13/03/2023
Chia sẻ
Hơn 300 quỹ đầu tư mạo hiểm đã ký một tuyên bố chung cam kết sẽ kinh doanh trở lại với Silicon Valley Bank (SVB) trong trường hợp ngân hàng này được “mua lại và tái cấp vốn".

Theo CNBC, một số quỹ đầu tư mạo hiểm đã rút tiền của họ và hướng dẫn nhiều startup trong danh mục của họ rút tiền gửi từ SVB trước khi ngân hàng này sụp đổ. Founders Fund, USV và Coatue là một vài cái tên đã thực hiện việc rút tiền. 

Dù sớm tháo chạy nhưng nhiều nhà đầu tư mạo hiểm vẫn phải lên tiếng. Họ cho rằng những chỉ thị từ các tổ chức có sức ảnh hưởng đã khiến họ đánh mất đi sự thận trọng với SVB và khiến ngân hàng này trở thành tổ chức tài chính đáng tin cậy của nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ và các quỹ đầu tư vào họ trong nhiều thập kỷ.

Trong tối 11/3, các quỹ đầu tư như Accel, Cowboy Ventures, Greylock, Lux Capital và Sequoia nằm trong số 325 đơn vị đã ký vào một bức thư, bày tỏ thiện chí với phương án giải cứu SVB.

Cụ thể, hơn 300 quỹ này sẵn sàng kinh doanh trở lại với SVB dưới quyền sở hữu mới. Tuyên bố chung được nhiều nhà đầu tư mạo hiểm cá nhân chia sẻ trên mạng xã hội sau vụ ngân hàng đổ vỡ. Nội dung tuyên bố như sau:

"Silicon Valley Bank đã là đối tác lâu năm và đáng tin cậy của ngành đầu tư mạo hiểm và những người sáng lập của chúng tôi. Trong 40 năm, nó là một nền tảng quan trọng đóng vai trò then chốt trong việc phục vụ cộng đồng khởi nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế đổi mới ở Mỹ.

Các sự kiện diễn ra trong 48 giờ qua đã gây thất vọng và lo ngại sâu sắc. Trong trường hợp SVB được mua và được tái cấp vốn phù hợp, chúng tôi sẽ hỗ trợ mạnh mẽ và khuyến khích các công ty trong danh mục đầu tư của chúng tôi nối lại quan hệ với họ.”

Hôm 10/3, các cơ quan quản lý Mỹ đã đóng cửa SVB và thu giữ tiền gửi của ngân hàng này. Điều này xảy ra sau khi Silicon Valley Bank bất ngờ huy động 2,25 tỷ USD vào hôm 8/3 để củng cố bảng cân đối kế toán. Chính động thái này đã dẫn tới làn sóng rút tiền ồ ạt khỏi Silicon Valley Bank vào hôm 9/3, buộc nhà quản lý phải hành động.

Giá cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm mạnh và gây ra tình trạng ngừng giao dịch vào hôm 10/3 trước khi các cơ quan quản lý của bang California tiếp quản. Trường hợp của SVB đánh dấu vụ sụp đổ lớn nhất trong ngành ngân hàng Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và là vụ sụp đổ lớn thứ hai trong lịch sử.

Các bên đang trông chờ khả năng có SVB được mua lại. Năm 2008, JPMorgan Chase đã mua lại Washington Mutual Bank trong một giao dịch do FDIC tạo điều kiện.

Trong khi đó, những tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ và tài chính đã kêu gọi chính phủ liên bang thực hiện các hành động mạnh mẽ để bảo vệ những người gửi tiền. Mối quan tâm chính của họ là việc không bảo vệ các khoản tiền gửi có giá trị trên 250.000 USD có thể gây mất niềm tin vào các ngân hàng cỡ trung bình khác.

Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Ngân hàng Liên bang (FDIC) sẽ chi trả mức tối đa cho mỗi người gửi tiền là 250.000 USD. Thời gian chậm nhất để người gửi tiền nhận được mức chi trả này là ngày 13/3.   

Thùy Trang