Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ năm 2023
Ngày 10/3/2023, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đã tuyên bố tiếp quản hoạt động của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) có trụ sở tại thành phố Santa Clara, bang California.
Theo số liệu mới nhất tính đến cuối năm 2022, Silicon Valley Bank (SVB) là ngân hàng lớn thứ 16 nước Mỹ với tổng tài sản 209 tỷ USD. Tổng tiền gửi hơn 175 tỷ USD.
SVB là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ kể từ khi FDIC được thành lập vào năm 1933, đồng thời là vụ lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và là vụ đầu tiên kể từ cuối năm 2020.
Silicon Valley Bank là ngân hàng gì?
Silicon Valley Bank (SVB) là ngân hàng thương mại khá đặc biệt chuyên phục vụ đối tượng khách hàng là các công ty công nghệ, start up và đầu tư mạo hiểm tại Vùng Vịnh San Francisco (Mỹ) cũng như trên toàn thế giới.
Ngân hàng SVB thành lập từ năm 1983 tại California, và nhanh chóng phát triển trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu chuyên phục vụ các công ty công nghệ lớn nhỏ trên toàn thế giới.
Silicon Valley Bank đã được niêm yết ở trên sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ với mã là SIVB. Vốn hóa thị trường của ngân hàng SVB đã đạt 125 tỷ USD trong tháng 3/2023. Xét về chỉ số tài chính, ngân hàng SVB có tỷ suất sinh lời ròng cao cũng như tỷ lệ nợ xấu thấp.
Vụ việc Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ tháng 3 năm 2023
Vào ngày 10.3 (theo giờ Mỹ), Silicon Valley Bank (SVB) đã bị giới chức California đóng cửa đồng thời giao lại cho Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý. FDIC có nhiệm vụ thanh lý tài sản của SVB để lấy tiền trả cho những khách hàng gửi tiền và các chủ nợ của ngân hàng này..
Có thể nói đây là một vụ sụp đổ lớn nhất ở trong ngành tài chính ngân hàng tính từ sau khủng hoảng tài chính vào năm 2008 đồng thời cũng lớn thứ hai từ trước đến nay sau vụ Lehman Brothers.
Sự việc sụp đổ đã diễn ra rất nhanh bắt đầu từ ngày 8/3 sau khi SVB đưa ra thông báo rằng ngân hàng sẽ bán tháo một loạt chứng khoán mặc dù lỗ lên tới 1,8 tỷ USD, với mục đích để huy động vốn và củng cố bảng cân đối kế toán. Điều này gây ra sự hoảng loạn ở các công ty đầu tư mạo hiểm, cũng chính họ đã khuyên các công ty rút tiền ra khỏi ngân hàng này.
Khi đó, cổ phiếu của SVB ngay lập tức lao dốc. Khách hàng rút tiền ồ ạt ra khỏi ngân hàng.
Không chỉ riêng cổ phiếu của SVB mà cổ phiếu của hàng loạt ngân hàng lớn khác cũng bị liên lụy, ví dụ như Bank of America, JPMorgan, First Republic Bank, Morgan Stanley, Wells Fargo... đều lao dốc.
Một số cổ phiếu ngân hàng như PacWest Bancorp, First Republic và Signature Bank cũng bị tạm dừng giao dịch.
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank gây nên một cú sốc vô cùng lớn đối với thị trường tài chính của toàn thế giới.
Các ngân hàng có mức an toàn thấp hiện đang phải đối mặt với hiệu ứng domino khi người dân ồ ạt rút tiền trong tâm thái lo sợ.
Những ảnh hưởng khi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ
Thiệt hại lớn cho khách hàng
Khách hàng ở Mỹ của SVB có ít nhất là 151,5 tỷ USD tiền gửi không có bảo hiểm ở đây. Còn tiền gửi của khách hàng nước ngoài cũng đạt ít nhất là 13,9 tỷ USD đồng thời cũng không được bảo hiểm. (tính đến thời điểm cuối 2022).
Các khách hàng doanh nghiệp có thể đã rút được khoản tiền lớn từ SVB từ cuộc rút tiền ồ ạt tuần trước. Tuy nhiên vẫn có lượng tiền gửi lớn vẫn nằm trong tình thể rủi ro.
Gây ra hiệu ứng domino tại hệ thống ngân hàng
Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ khiến cho nhiều ngân hàng khác gặp phải vấn đề bị rút tiền mạnh và sập theo như những quân bài Domino liên tiếp sập xuống.
Sau SVB, Signature Bank - một ngân hàng lớn về lĩnh vực tiền ảo cũng bị giới chức trách Mỹ đóng cửa. Điều này làm tăng sự sợ hãi về việc lãi suất tăng nhanh gây ảnh hưởng đến tài chính Mỹ và có thể lan rộng ra thế giới.
Một số ý kiến cho rằng hệ thống tài chính Mỹ hiện có sức mạnh lớn hơn so với trước nên có thể sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên việc sụp đổ liên tục của 3 ngân hàng trong vòng 1 tuần cũng là một vấn đề lớn khiến cho giới đầu tư lo lắng.
SVB khiến cho các startup công nghệ điêu đứng
Silicon Valley Bank có nhóm khách hàng chủ yếu cho vay cũng như nhận tiền gửi các startup công nghệ. Khi ngân SVB sụp đổ, nhiều công ty startup đang lo ngại sẽ không thể rút tiền để chi trả lương cho nhân viên cũng như trang trải các loại chi phí khác.
Vạ lây tới các ngân hàng khác
Các ngân hàng tương tự như Silicon Valley Bank đang rơi vào một tình thế vô cùng rủi ro. Ví dụ như ngân hàng Signature Bank cũng đã sụp đổ vào hôm Chủ nhật và được nhà chức trách tiếp quản để ngăn chặn các rủi ro lớn hơn của hệ thống. Trước đó, vào hôm thứ Tư, ngân hàng Silvergate cũng tự nguyện đóng cửa.
Nỗi lo của các nhà đầu tư được phản ánh rõ qua diễn biến ở trên thị trường chứng khoán. Nhiều cổ phiếu ngân hàng như Signature, First Republic, Wester Alliance Bancorp và PacWest Bancorp đã có lúc bị tạm ngưng giao dịch trong phiên hôm thứ Sáu.
Hành động của chính phủ trong vụ sụp đổ của SVB
Giới chức trách của Mỹ đã cật lực để cố gắng tìm ra một đơn vị có thể mua lại SVB. Mặc dù đến nay chính phủ Mỹ vẫn chưa tìm ra giải pháp khả thi, tuy nhiên giới chức trách vẫn khẳng định các khách hàng có tiền gửi tại SVB sẽ có thể sớm tiếp cận với số tiền gửi của họ.
Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Anh cho biết đã tạo điều kiện cho thương vụ tập đoàn HSBC mua lại chi nhánh của Silicon Valley Bank UK tại Anh.
HSBC là một trong những ngân hàng lớn nhất ở châu Âu, ngân hàng này có tiềm lực để có thể đảm bảo sự an toàn cho những khoản tiền gửi lên đến 8,1 tỷ USD của các khách hàng của SVB UK.