|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngân hàng lớn thứ 14 của Mỹ bị rút hơn 100 tỷ USD tiền gửi trong một quý

07:40 | 25/04/2023
Chia sẻ
Trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 24/4, giá cổ phiếu của First Republic đã lao dốc hơn 20% sau khi ngân hàng tiết lộ họ đã mất hơn 100 tỷ USD tiền gửi trong quý I năm nay.

Bị rút hơn 100 tỷ USD tiền gửi

Cổ phiếu của First Republic Bank đã giảm hơn 20% trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 24/4 sau khi ngân hàng này cho biết khách hàng đã rút ra hơn 100 tỷ USD tiền gửi trong quý đầu tiên của năm 2023 và họ đang nghiên cứu các phương án như cơ cấu lại bảng cân đối kế toán.

Lợi nhuận của First Republic trong quý I đã vượt kỳ vọng của giới phân tích, nhưng lại bị lu mờ bởi thông tin về dòng tiền gửi tháo chạy.

Hồi tháng 3, sau sự sụp đổ của ba ngân hàng khu vực khác là Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và Silvergate Bank, 11 nhà băng lớn nhất của Mỹ đã bơm tiền gửi vào hỗ trợ First Republic.

First Republic cho biết họ có kế hoạch cắt giảm chi phí bằng cách thu hẹp quy mô các khoản lương thưởng cho ban giám đốc, giảm diện tích văn phòng và sa thải gần 20 - 25% nhân viên trong quý II.

Nhà băng này cũng đặt mục tiêu tăng lượng tiền gửi được bảo hiểm và giảm các khoản vay mượn từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Một chi nhánh của First Republic Bank tại New York. (Ảnh: Reuters).

Chia sẻ tại buổi công bố kết quả kinh doanh, CEO Mike Roffler cho hay: “Chúng tôi đang thực hiện các bước để giảm đáng kể chi phí, phù hợp với trọng tâm mới là thu hẹp bảng cân đối kế toán”.

Theo Reuters, buổi công bố báo cáo tài chính của First Republic diễn ra chưa đến 15 phút và kết thúc mà không có màn trả lời câu hỏi của giới phân tích từ ban giám đốc ngân hàng.

First Republic trở thành tâm điểm chú ý sau khi SVB và Signature Bank sụp đổ vào tháng 3, làm lung lay niềm tin của công chúng vào các ngân hàng khu vực và khiến khách hàng ồ ạt rút tiền gửi để chuyển sang các tổ chức tài chính lớn hơn.

Ông Neal Holland, Giám đốc Tài chính của First Republic, bày tỏ: “Sau vụ đóng cửa của một số ngân hàng vào tháng 3, chúng tôi đã trải qua cú sốc rút tiền gửi chưa từng có”.

Cụ thể, tiền gửi của First Republic đã giảm từ mức 176,43 tỷ USD hồi quý IV/2022 xuống còn 104,47 tỷ USD trong quý I/2023.

Dòng tiền gửi của First Republic bị rút mạnh dù nhà băng này đã nhận được khoản tiền gửi trị giá 30 tỷ USD từ các ngân hàng lớn của Mỹ là JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo.

Nếu tính luôn khoản hỗ trợ từ các đại gia ngân hàng, tổng tiền gửi mà First Republic đã mất là gần 102 tỷ USD.

Khó khăn phía trước

First Republic cho biết hoạt động gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng đã bắt đầu ổn định trở lại trong tuần tính từ ngày 27/3 và duy trì cho đến ngày 21/4.

Theo dữ liệu từ Refinitiv, nhà băng này đã kiếm được 1,23 USD trên mỗi cổ phiếu trong ba tháng đầu năm 2023, cao hơn mức 85 cent trên mỗi cổ phiếu mà các nhà phân tích dự đoán.

Kết quả kinh doanh quý vừa qua đã cho thấy mức độ thiệt hại mà cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng tháng trước gây ra cho First Republic. Thời điểm SVB sụp đổ, nhiều người lo ngại khủng hoảng có thể lan ra khắp hệ thống tài chính.

 

Hiện tại, các nhà phân tích và chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cảnh báo với Reuters rằng First Republic sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn để vực dậy vận may của mình.

Trong nhiều năm qua, First Republic đã thu hút các khách hàng có thu nhập cao bằng lãi suất ưu đãi đối với các khoản vay thế chấp mua nhà cũng như các khoản vay khác. Điều này khiến First Republic dễ bị ảnh hưởng hơn các nhà băng khu vực có ít khách hàng giàu có hơn.

Ông Robert Conzo, CEO hãng tư vấn The Wealth Alliance tại New York, cho rằng rủi ro nói tên có thể làm giảm số lượng người mua tiềm năng của First Republic vì “một danh mục cho vay thế chấp mua nhà với lãi suất cực kỳ thấp tạo ra ít doanh thu và không hấp dẫn lắm”.

Các khoản cho vay và danh mục đầu tư của First Republic cũng trở nên kém giá trị hơn khi lãi suất chuẩn tăng lên.

Khả Nhân