Tổ chức ít người biết tới mà ba ngân hàng SVB, Signature và Silvergate đều nhờ cậy trước khi sụp đổ
Vay hàng tỷ USD từ tổ chức tài chính ít tên tuổi
Theo Wall Street Journal (WSJ), Hệ thống Ngân hàng Cho vay Mua nhà Liên bang (FHLB) là tổ chức được thành lập trong thời kỳ Đại Khủng hoảng và hiện là nguồn cấp thanh khoản cho các ngân hàng thuộc mọi lĩnh vực.
FHLB bao gồm 11 ngân hàng được chính phủ tài trợ, có chức năng cung cấp thanh khoản cho các định chế tài chính nhằm hỗ trợ các dự án nhà ở, cơ sở hạ tầng, cũng như giúp đỡ cộng đồng.
11 ngân hàng trên thuộc sở hữu của các tổ chức thành viên. Một ngân hàng thương mại sẽ để lại tài sản thế chấp tại FHLB, chẳng hạn như các khoản cho vay thế chấp mua nhà, để đổi lấy hạn mức tín dụng.
Mặc dù là các thực thể riêng biệt, 11 ngân hành thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các khoản nợ của nhau. Điều đó đồng nghĩa rằng nếu một ngân hàng sụp đổ, các ngân hàng khác sẽ phải đứng ra thanh toán nợ nần. Trong lịch sử 90 năm, FHLB chưa bao giờ bị lỗ tín dụng.
FHLB, hiện được quản lý bởi Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang, có thể vay và cho vay với lãi suất tương đối thấp. Tuy nhiên, lãi suất này vẫn cao hơn lãi suất tiền gửi của người tiêu dùng.
Lãi suất đối với các khoản vay tại FHLB thường nằm trong khoảng từ 4% đến 5%. Tài khoản tiết kiệm thông thường trả lãi suất 0,37%, theo Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).
Văn phòng Tài chính của FHLB cho biết tổ chức này đã phát hành khoản nợ kỷ lục 495 tỷ USD vào tháng 3 để cấp khoản vay cho các ngân hàng gặp khó khăn. Khoản cho vay đó được gọi là tạm ứng (advances).
Nhiều nhà băng đã tăng cường vay mượn trong tháng qua khi khách hàng ồ ạt rút tiền gửi và nhà đầu tư hoảng loạn sau cú sụp đổ của ba ngân hàng khu vực cũng như nghi ngờ về sự ổn định của hệ thống tài chính Mỹ.
Đầu tuần này, Charles Schwab cho biết họ có khoảng 46 tỷ USD tạm ứng tại FHLB trong quý I năm nay, tăng từ mức 12 tỷ USD trong quý trước và từ mức 0 một năm trước đó. Dự kiến sẽ có thêm nhiều ngân hàng tiết lộ các khoản tạm ứng tại FHLB trong vài tuần tới.
Schwab cho biết khoản vay tại FHLB sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của họ. CFO Peter Crawford lưu ý: “Các khoản vay này không nằm trong bức tranh tài chính dài hạn của chúng tôi và chúng tôi chắc chắn sẽ thanh toán chúng nhanh nhất có thể”.
Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và FHLB, các khoản tạm ứng mà FHLB đã cấp cho các ngân hàng đạt khoảng 820 tỷ USD vào cuối năm 2022, đánh dấu mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Có quên mất nhiệm vụ chính?
Gần đây, công chúng và các nhà lập pháp Mỹ đã để mắt đến FHLB vì Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và Silvergate Capital - tức ba ngân hàng mới sụp đổ - đã vay hàng tỷ USD từ họ.
Khi khách hàng tại SVB và Signature hoảng loạn rút tiền gửi vào tháng 3, cả hai nhà băng đã cố gắng tiếp cận FHLB để có thêm tiền nhưng cuối cùng vẫn bị cơ quan quản lý tiếp quản vì không có đủ thời gian xoay xở.
Theo WSJ, SVB cũng từng yêu cầu FHLB chi nhánh San Francisco chuyển tài sản thế chấp trị giá hàng tỷ USD của họ sang cửa sổ cho vay chiết khấu của Fed để tham gia chương trình cấp vốn khẩn cấp của ngân hàng trung ương nhưng cũng gặp phải rào cản về thời gian.
Một tuần sau khi SVB và Signature sụp đổ, FHLB đã phát hành khoản nợ trị giá 304 tỷ USD, chứng tỏ thời điểm này nhu cầu tạm ứng của các ngân hàng đang trên đà tăng.
Phe chỉ trích cho rằng các ngân hàng thành viên của FHLB đã đi quá xa khỏi nhiệm vụ chính là hỗ trợ thị trường nhà ở và vụ việc tại ba nhà băng khu vực trên cho thấy đôi khi FHLB đã ra tay giúp đỡ những ngân hàng không lành mạnh.
Giáo sư luật Cornelius Hurley của Đại học Boston cho biết việc SVB, Signature và Silvergate tăng cường vay tiền từ FHLB vào năm ngoái là một dấu hiệu cho thấy họ đang gặp rắc rối.
Song, FHLB cho biết họ đang giúp một số ngân hàng trang trải các khoản cho vay thế chấp mua nhà và hỗ trợ cộng đồng. Đồng thời, họ nói việc cho vay của FHLB đã trở nên quan trọng hơn trong thời kỳ khủng hoảng tài chính.
Chia sẻ với WSJ, bà Teresa Bryce Bazemore, Giám đốc điều hành của FHLB chi nhánh San Francisco, cho hay: “Các ngân hàng thuộc FHLB là một lực lượng giúp xoa dịu thị trường trong thời kỳ căng thẳng, thông qua việc cấp thanh khoản để ổn định nền kinh tế”.
Một số ngân hàng nói rằng họ vay tiền từ FHLB nhằm mục mở rộng kinh doanh. Ông John Rigler II, Chủ tịch kiêm CEO People Bank tại Iowa, cho biết ngân hàng của ông thường xuyên vay từ FHLB chi nhánh Des Moines.
Vị chủ tịch bày tỏ: “Nếu không có các chi nhánh FHLB, toàn bộ nền kinh tế và hệ thống ngân hàng sẽ trở nên kém hiệu quả và cồng kềnh hơn”.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/