|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tiền gửi ngân hàng đổ về các quỹ thị trường tiền tệ rồi chảy vào Fed, hệ thống tài chính Mỹ thêm bấp bênh

12:03 | 12/04/2023
Chia sẻ
Fed mong muốn giúp đỡ hệ thống ngân hàng, nhưng nghiệp vụ repo nghịch đảo của họ đang vô tình hút dòng tiền gửi ra khỏi các nhà băng sau khi các vụ sụp đổ của SVB và Signature Bank khiến niềm tin của công chúng bị lung lay.

(Ảnh minh hoạ: WSJ).

Tiền chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ

Trong giai đoạn 1/3 - 29/3, tiền gửi tại các ngân hàng thương mại của Mỹ đã giảm hơn 473 tỷ USD, xuống còn khoảng 17,2 nghìn tỷ USD, theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Dữ liệu của Viện Doanh nghiệp Đầu tư cho thấy trong cùng khoảng thời gian, tài sản của các quỹ thị trường tiền tệ đã tăng 304 tỷ USD lên mức kỷ lục 5,25 nghìn tỷ USD.

Những lo ngại về sức khoẻ của hệ thống ngân hàng sau sự sụp đổ đột ngột của ba nhà băng khu vực là Silicon Valley Bank, Signature Bank và Silvergate Bank đã thúc đẩy nhiều khách hàng rút tiền gửi. 

Mặt khác, trong bối cảnh Fed tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát, lợi nhuận mà các quỹ thị trường tiền tệ mang lại cho nhà đầu tư cao hơn đáng kể so với lãi suất mà các ngân hàng trả cho người gửi tiền. 

Tính đến tháng 3, trong khi lãi suất quỹ liên bang hiệu lực hàng tháng đã lên mức 4,65%, thì lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại chỉ vào khoảng 0,37%. Điều này có liên quan đến một thước đo gọi là "deposit beta" (beta tiền gửi), theo nghiên cứu mới đây của Fed chi nhánh New York.

Deposit beta là thuật ngữ đo lường mức độ phản ứng của một ngân hàng đối với những thay đổi trong lãi suất hiện hành. Hệ số này có khả năng sẽ ở mức rất thấp "trong vài đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fed", khi thanh khoản dư thừa trong hệ thống tài chính. 

Các nhà kinh tế của Fed chi nhánh New York phát hiện ra rằng deposit beta từng chạm mức cao trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trước thời điểm đó, khi Fed tăng lãi suất chuẩn, lãi suất tiền gửi sẽ đi lên nhanh chóng và đáng kể hơn.

Chẳng hạn, nếu Fed nâng lãi suất 4 điểm % thì lãi suất tiền gửi sẽ đi lên hơn 2 điểm %. Hay nói cách khác, deposit beta của một ngân hàng càng cao thì tỷ lệ tăng lãi suất tiền gửi của ngân hàng đó cũng càng lớn.

 

Song, xu hướng trên đã thay đổi sau cuộc khủng hoảng. Nghiên cứu nhận thấy người dân bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn và do đó, các ngân hàng ngập trong tiền gửi. Vì vậy, họ không cần phải trả lãi suất tiền gửi cao hơn.

Đến năm 2019 và đặc biệt là sau cuộc bơm tiền của chính phủ trong đại dịch COVID-19 năm 2020, deposit beta đã giảm đáng kể. Do đó, giả dụ nếu Fed tăng lãi suất 4 điểm % thì lãi suất tiền gửi có thể chỉ đi lên hơn 1 điểm %.

Trong khi đó, các quỹ thị trường tiền tệ bắt sóng các thay đổi lãi suất của Fed nhanh hơn. Chia sẻ với Reuters, CIO Deborah Cunningham của hãng tài chính Federated Hermes cho biết lãi suất trung bình tại các quỹ thị trường tiền tệ hiện là 4,5% và có xu hướng hướng tới mốc 5%.

Do đó, cũng dễ hiểu tại sao nhiều nhà đầu tư quyết định rút tiền gửi khỏi ngân hàng và chuyển chúng sang các quỹ thị trường tiền tệ.

Dòng tiền đổ vào các quỹ thị trường tiền tệ gần đây đã thu hút sự chú ý của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen. Hồi cuối tháng 3, bà từng cảnh báo về “những lỗ hổng mang tính cấu trúc” của lĩnh vực này.

Trong bài phát biểu tại một hội nghị về kinh tế, bà Yellen bày tỏ: “Trong hệ thống tài chính, nơi các lỗ hổng có thể hình thành...chính là các quỹ thị trường tiền tệ. Rủi ro bất ổn tài chính do các quỹ thị trường tiền tệ và quỹ đầu tư mở gây ra vẫn chưa được đánh giá toàn diện”.

 

Sau đó tìm đường đến Fed

Các quỹ thị trường tiền tệ thường nhận vốn của nhà đầu tư, sau đó mua các khoản nợ ngắn hạn và có chất lượng cao, chẳng hạn như tín phiếu Kho bạc, trái phiếu của các cơ quan liên bang,...

Đây là một số trong những khoản đầu tư an toàn nhất hiện có trên thị trường, bởi chúng có rất ít khả năng vỡ nợ. Hơn nữa, nhờ tính chất ngắn hạn của các chứng khoán trên, nhà đầu tư sẽ không bị vướng vào rủi ro về lãi suất dài hạn.

Hiện tại, một lượng lớn tài sản của các quỹ thị trường tiền tệ đang tìm đến chương trình repo nghịch đảo của Fed. 

Trong một hợp đồng repo nghịch đảo, Fed sẽ vay tiền từ các ngân hàng và quỹ tiền tệ. Khi đó, Fed sẽ đưa các chứng khoán nợ như trái phiếu Kho bạc cho các định chế này và cam kết sẽ mua lại chúng với giá cao hơn.

Thông thường là vào ngày hôm sau, Fed sẽ mua lại chứng khoán đã bán, còn các định chế tài chính nhận tiền từ Fed, bao gồm cả gốc và lãi.

Tóm lại, chương trình repo nghịch đảo cho phép các công ty tài chính và ngân hàng kiếm tiền lãi từ số dư tiền mặt lớn. Nghiệp vụ này được Fed xây dựng từ 10 năm trước nhằm rút bớt thanh khoản từ hệ thống và kéo lãi suất ngắn hạn đi lên.

Tính đến ngày 4/4, hơn 40% tài sản của các quỹ thị trường tiền tệ đã được đầu tư vào nghiệp vụ repo nghịch đảo của ngân hàng trung ương Mỹ, theo Wall Street JournalKhoản đầu tư vào các hợp đồng repo nghịch đảo hiện trả lãi suất khoảng 4,8%.

 

Mối đe doạ của ngành ngân hàng

Dòng tiền không ngừng chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ và cuối cùng đến chương trình repo đảo ngược của Fed có thể là “một tai nạn đang chực chờ xảy ra”, theo nhận định của ông Andrew Levin, cựu quan chức Fed.

Ông Levin, hiện đang giảng dạy tại Đại học Dartmouth, cảnh báo rằng căng thẳng đối với các nhà băng nhỏ sẽ gia tăng đáng kể nếu người gửi tiền tiếp tục rót vốn vào các tổ chức thị trường tiền tệ.

“Trớ trêu thay là dù Fed muốn hỗ trợ và bảo vệ hệ thống ngân hàng, nghiệp vụ [hợp đồng repo nghịch đảo] của họ lại trở thành mắt xích yếu nhất...”, ông nhấn mạnh.

 

Khi các quỹ thị trường tiền tệ đầu tư vào Fed thì các ngân hàng thương mại nói chung sẽ có ít tiền gửi hơn và có thể sẽ hạn chế hoạt động cho vay.

Tín dụng là “nguồn sữa mẹ” của mọi hoạt động kinh tế. Nếu các ngân hàng siết chặt việc cho vay, người tiêu dùng - lực lượng thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ - sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, khi nguồn cấp tín dụng chững lại, doanh nghiệp cũng sẽ do dự hơn khi quyết định đầu tư, tuyển dụng hoặc mở rộng sản xuất. 

Trên thực tế, tại cuộc họp chính sách hồi tháng 3, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã từng đề cập đến nguy cơ thắt chặt tín dụng sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank. Ông Powell cảnh báo rằng biến động trong hệ thống ngân hàng “có khả năng sẽ thắt chặt điều kiện tín dụng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, gây hại cho kết quả kinh tế”.

Một số nhà phân tích thậm chí lo ngại rằng xu hướng tiền gửi tháo chạy khỏi hệ thống ngân hàng và chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ có thể sẽ gây thêm nhiều bất ổn khác.

Mặc dù xu hướng trên thường xảy ra trong mỗi chu kỳ tăng lãi suất của Fed, họ cho rằng nó có thể sẽ tiếp tục ngay cả khi ngân hàng trung ương Mỹ dừng thắt chặt tiền tệ và bắt đầu hạ chi phí đi vay.

Chia sẻ với Financial Times, chiến lược gia Joseph Abate của Barclays, cho biết các ngân hàng đang ở giữa một “cuộc chuyển đổi hai giai đoạn”.

Thay đổi đầu tiên là làn sóng rút tiền gửi bắt nguồn từ việc người dân lo lắng về sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Thay đổi thứ hai thì chỉ mới bắt đầu, khi “những người gửi tiền ngái ngủ” choàng tỉnh giấc và phát hiện ra sự chênh lệch ngày càng lớn giữa tỷ suất sinh lời từ tiền gửi tiết kiệm và từ các khoản đầu tư khác.

Theo ông Abate, số dư của các quỹ thị trường tiền tệ đã tăng khoảng 20% trong 4 chu kỳ tăng lãi suất gần đây của Fed. Ông ước tính số dư sẽ tăng khoảng 1 nghìn tỷ USD trong chu kỳ hiện tại. Cho đến nay, số dư chỉ mới đi lên khoảng 600 tỷ USD, chứng tỏ biến động sẽ còn tiếp diễn.

Ngay cả khi các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm để khắc phục vấn đề thứ hai (cạnh tranh với các quỹ thị trường tiền tệ) thì công chúng có thể vẫn dè dặt bởi vấn đề thứ nhất (những rủi ro trong hệ thống ngân hàng thương mại). 

Yên Khê