Rủi ro thắt chặt tín dụng tại Mỹ: Sản phẩm của khủng hoảng ngân hàng, 'bạn' của Fed nhưng là kẻ thù của nền kinh tế
"Sản phẩm" của cuộc khủng hoảng ngân hàng
Các nhà chức trách trên khắp thế giới đang cảnh giác cao độ sau sự sụp đổ của ba ngân hàng khu vực tại Mỹ, gồm Silvergate, Signature Bank và Silicon Valley Bank (SVB), cũng như sau thương vụ thâu tóm Credit Suisse của UBS tại Thụy Sỹ.
Tâm lý thận trọng càng trở nên rõ rệt hơn khi các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng của Deutsche Bank tăng vọt hồi cuối tuần trước, dù Thủ tướng Đức đã trấn an rằng nhà băng này “không phải Credit Suisse thứ hai”.
Trong vài ngày trở lại đây, các nhà hoạch định chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đề cập đến nguy cơ xảy ra tình trạng siết tín dụng trong nền kinh tế.
Tại cuộc họp tháng 3, Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo rằng sự sụp đổ của SVB và biến động trong hệ thống ngân hàng “có khả năng sẽ thắt chặt điều kiện tín dụng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, gây hại cho kết quả kinh tế”.
Hiểu một cách đơn giản, ông Powell dường như đang nhắc đến mối đe doạ rình rập từ một cuộc thắt chặt tín dụng (credit crunch), hoặc nghiêm trọng hơn là khủng hoảng tín dụng (credit crisis).
Ông Mark Zandi, kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, đánh giá rằng tín dụng là “nguồn sữa mẹ” của mọi hoạt động kinh tế. Trên một chương trình mới đây của CNBC, ông Zandi đã đưa ra một nhận định tương đồng với Chủ tịch Fed.
Vị kinh tế trưởng nói: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu chúng ta không thấy tình trạng thắt chặt tín dụng đáng kể trong thời gian tới”.
Khi nguồn cung tín dụng trong nền kinh tế bị siết lại, các tổ chức tài chính sẽ càng giới hạn điều kiện cho vay. Hay nói cách khác, khi đó các nhà băng sẽ không cho vay một cách mạo hiểm như trước.
Khi các khoản vay trở nên đắt đỏ và khó đáp ứng các điều kiện hơn, người tiêu dùng - lực lượng thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ - sẽ bị suy giảm sức mua.
Đồng thời, không có tín dụng hoặc nguồn cấp tín dụng chững lại, doanh nghiệp cũng sẽ do dự hơn khi quyết định đầu tư, tuyển dụng hoặc cải thiện lương và phúc lợi cho nhân viên.
Tình trạng thắt chặt tín dụng thường là “người bạn đồng hành” của suy thoái kinh tế. Căng thẳng tín dụng có thể chỉ khiến tăng trưởng khựng lại, nhưng khủng hoảng tín dụng sẽ khiến nền kinh tế ngã quỵ như vào năm 2008.
Tín dụng đang bị thu hẹp
Tại thời điểm cuối tháng 3/2023, tổng tín dụng của các ngân hàng thương mại tại Mỹ là khoảng 17.581 tỷ USD, chỉ thấp hơn một chút so với mức kỷ lục xác lập vào giữa tháng 2 là 17.591 tỷ USD.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng đang chững lại và hiện đã tụt xuống dưới mức trung bình lịch sử khoảng 7%. Trong quá khứ, khi thước đo này giảm xuống dưới 5% thì suy thoái kinh tế thường hay xảy ra.
Tăng trưởng tín dụng hàng năm hiếm khi rơi xuống mức âm, nhưng khi nó giảm tốc còn một chữ số như bây giờ, hoạt động cho vay giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung có thể đang bị căng thẳng.
Kể từ đầu thập niên 1970, chỉ duy nhất một lần tăng trưởng tín dụng là con số âm, đó là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2009.
Trên thực tế, các dấu hiệu của một cuộc thắt chặt tín dụng tại Mỹ đã dần xuất hiện từ trước cả khi SVB sụp đổ vào ngày 10/3/2023.
Quý IV/2022, nhiều nhà băng cho biết họ đã siết các tiêu chuẩn về cấp thẻ tín dụng, cho vay mua xe ô tô và cho vay tiêu dùng khác, theo khảo sát hoạt động cho vay ngành ngân hàng mới nhất của Fed.
Một phần đáng kể cũng đã nâng các tiêu chuẩn cho vay thương mại và công nghiệp đối với các doanh nghiệp. Đến tháng 2 năm nay, các khoản cho vay thuộc hai nhóm này đã sụt giảm lần đầu tiên kể từ tháng 9/2021.
Đồng thời, tăng trưởng cho vay tiêu dùng và doanh nghiệp dường như đã đạt đỉnh vào giữa năm ngoái, dù cả hai vẫn ở mức 10% trở lên - cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình lịch sử khoảng 6,5%.
Tín dụng của một số ngân hàng đang đáng ngại đến mức họ không thể xoay xở từ các nguồn truyền thống mà phải tìm đến chương trình cho vay “cửa sổ chiết khấu” của Fed.
Từ lâu, ngành tài chính đã coi chương trình cho vay nói trên là phương kế cuối cùng của các nhà băng đang chật vật trong khó khăn.
Cửa sổ chiết khấu từng được các ngân hàng sử dụng rộng rãi trong những tháng đầu của đại dịch. Sau khi SVB sụp đổ, các ngân hàng đã tăng cường đi vay từ hệ thống này.
“Đồng minh bất đắt dĩ” của Fed
Tại cuộc họp chính sách tháng 3, Fed đã nâng lãi suất lần thứ 9 chỉ trong hơn một năm. Hiện tại, lãi suất chuẩn của Fed đã tăng thêm 25 điểm cơ bản, nằm trong phạm vi 4,75 - 5%.
Ngân hàng trung ương Mỹ vẫn đang phải vật lộn với lạm phát cao. Ở mức 6%, lạm phát của Mỹ dù đã lùi xa mức đỉnh 9,1% của năm ngoái nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Song, Fed cũng báo hiệu rằng họ có thể sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Sự suy giảm trong hoạt động cho vay của ngành ngân hàng là một trong các nguyên nhân chính, bởi điều này sẽ làm chậm nền kinh tế và hạ gục lạm phát.
Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc họp chính sách vừa qua, Chủ tịch Powell lập luận rằng khi các tiêu chuẩn cho vay bị siết chặt, hoạt động cho vay sẽ giảm bớt. Tác dụng của việc này đến lạm phát cũng tương đương như các đợt tăng lãi suất.
Ông Gregory Daco, kinh tế trưởng tại hãng tư vấn EY-Parthenon, tính toán rằng một cuộc thắt chặt tín dụng tại Mỹ sẽ có tác động kinh tế hơn mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản một chút.
Trong khi đó, nhà kinh tế Edward Yardeni của Yardeni Research, công ty chuyên cung cấp các chiến lược đầu tư toàn cầu, ước tính tác động sẽ lớn hơn, tương đương một đợt tăng lãi suất 100 điểm cơ bản.
Tuy nhiên, công chúng cần phải lưu ý rằng nguy cơ suy thoái sẽ đeo bám nền kinh tế Mỹ nếu tình trạng thắt chặt tín dụng thực sự xảy ra. Khi đó, nó sẽ trở thành “đồng minh bất đắc dĩ” của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát.
Trên đài CBS hồi cuối tuần trước, ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis và là thành viên có quyền bỏ phiếu trong ủy ban chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ, đã xác thực mối lo đó.
Khi được hỏi rằng liệu cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay có thể đẩy Mỹ tiến gần tới suy thoái hơn hay không, ông Kashkari đáp “chắc chắn là có”.
“Biến số quan trọng là các cú sốc trong ngành ngân hàng sẽ gây ra tình trạng siết chặt tín dụng ở quy mô nào, bởi chính sự việc này sẽ khiến nền kinh tế đi chậm lại”, ông giải thích.
Ông Kashkari nói thêm rằng các quan chức Fed đang theo dõi “rất sát” tác động từ vụ sụp đổ của ba ngân hàng gần đây. Ông còn nhấn mạnh Fed sẽ “hỗ trợ đầy đủ” cho hệ thống ngân hàng khi cần thiết.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/