|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trước khi sụp đổ, SVB báo lãi 55 quý liên tiếp, tỷ lệ nợ xấu 0,18%

18:53 | 14/03/2023
Chia sẻ
SVB sụp đổ vì khách hàng rút tiền đồng loạt dẫn tới thiếu thanh khoản, không phải vì làm ăn thua lỗ triền miên hay nợ xấu cao.

SVB là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ 2 lịch sử nước Mỹ.

Ngày 10/3 vừa qua, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đã tiếp quản hoạt động của Silicon Valley Bank (SVB) sau khi ngân hàng này bị rút tiền hàng loạt. Chỉ riêng ngày 9/3, các nhà đầu tư và khách hàng đã rút tổng cộng 42 tỷ USD, tương đương 1/5 tổng tài sản của SVB tại ngày cuối năm 2022.

 

Nếu chỉ nhìn vào kết quả kinh doanh, người gửi tiền và nhà đầu tư sẽ khó có thể dự đoán trước được sự sụp đổ của SVB.

Trong cả năm 2022, Tập đoàn tài chính SVB Financial Group (SVB FG) - trong đó ngân hàng SVB đóng vai trò quan trọng nhất - có lãi ròng 1,51 tỷ USD, giảm 14,8% so với năm trước nhưng vẫn là mức cao thứ hai trong lịch sử hoạt động. Thu nhập lãi thuần (NII) đạt gần 4,5 tỷ USD, tăng trưởng 41%. Biên lãi thuần (NIM) đạt 2,16%, cải thiện so với mức 2,02% của năm trước.

Trong quý gần đây nhất (IV/2022), SVB FG ghi nhận thu nhập lãi thuần 1,04 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng đạt 275 triệu USD. Đây là quý thứ 55 liên tiếp SVB FG có lãi ròng. Biểu đồ bên dưới cho thấy lần gần đây nhất ngân hàng này thua lỗ là vào quý I/2009 khi hệ thống tài chính Mỹ đang chìm sâu trong khủng hoảng.

SVB FG có lãi tổng cộng 8,8 tỷ USD trong 55 quý vừa qua.  

Việc liên tục tạo ra lợi nhuận đã giúp vốn chủ sở hữu của SVB được tích lũy thêm nhanh chóng, từ 669 triệu USD vào ngày cuối năm 2007 lên mức 16,3 tỷ USD vào ngày 31/12/2022.

Tổng tài sản của SVB cũng đi lên mạnh mẽ, từ 6,7 tỷ USD lên gần 212 tỷ USD trong giai đoạn 2007 – 2022, tương ứng với tốc độ tăng bình quân gần 26% mỗi năm.

Tài sản của SVB tăng với tốc độ bình quân 25,9% trong 15 năm qua. 

Đa số tài sản của SVB FG được phân bổ vào khoản mục chứng khoán đầu tư, bao gồm trái phiếu Kho bạc Mỹ, trái phiếu do các tổ chức liên bang Mỹ phát hành, trái phiếu được đảm bảo bằng bất động sản, ….

Khoản mục tài sản quan trọng thứ hai của SVB FG là danh mục cho vay trị giá 73,6 tỷ USD, chiếm 34,8% tổng tài sản. Tỷ lệ nợ xấu tại ngày cuối năm 2022 là 0,18%, nhỉnh hơn mức 0,14% của một năm trước đó.

Giá trị trích lập dự phòng nợ xấu là 636 triệu USD, tương đương 0,86% tổng giá trị cho vay và cao gấp 4,6 lần quy mô nợ xấu.

Tại ngày 31/12/2022, SVB FG có 13,8 tỷ USD tiền và tương đương tiền. Riêng ngày 9/3/2023, nhà đầu tư và khách hàng đã rút 42 tỷ USD khỏi ngân hàng này. 

SVB làm ăn có lãi liên tục, tỷ lệ nợ xấu thấp, vậy tại sao ngân hàng này lại sụp đổ?

Tập khách hàng của SVB chủ yếu là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 8 lần liên tiếp trong giai đoạn từ tháng 3/2022 đến tháng 2/2023 để chống lạm phát, các công ty công nghệ gặp khó khăn về nguồn vốn, ít huy động được tiền từ các nhà đầu tư cổ phần.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ không còn nhận được tiền đầu tư để gửi vào SVB, ngược lại, còn phải rút bớt tiền gửi tại SVB nhằm trang trải chi phí hoạt động.

Để áp ứng nhu cầu thanh khoản, SVB phải bán 21 tỷ USD trái phiếu trong ngày 8/3. Lô trái phiếu này được mua chủ yếu trong thời kỳ đại dịch khi lãi suất thấp gần 0%. Vào tháng 3/2023, lãi suất đã lên cao 4 – 5%, giá trái phiếu giảm đi, SVB chịu lỗ 1,8 tỷ USD khi bán lô trái phiếu nói trên. Riêng ngày 9/3, nhà đầu tư và khách hàng đã rút 42 tỷ USD khỏi ngân hàng này.

SVB dự kiến chào bán cổ phần để huy động thêm 1,75 tỷ USD vốn chủ sở hữu nhưng không thành. Đến ngày 10/3, SVB trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên tại Mỹ sụp đổ kể từ tháng 10/2020 và là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.

Một câu hỏi cần được đặt ra là: Quá trình tăng lãi suất của Fed được thông báo trước nhiều tháng, và diễn ra dần dần trong 8 cuộc họp kéo dài gần một năm chứ không phải sự việc gì bất ngờ gây sốc, tại sao SVB không rào chắn rủi ro (hedging) trên bảng cân đối kế toán của mình?

Câu trả lời hợp lý nhất có lẽ là sai lầm của ban lãnh đạo SVB trong quản trị rủi ro. Trong suốt 8 tháng từ tháng 4/2022 đến 1/2023, SVB không có ai làm Giám đốc Quản lý Rủi ro.

Đức Quyền - Song Ngọc