|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chi nhánh SVB có tổng tài sản 8,8 tỷ bảng Anh, tại sao được bán với giá chỉ 1 bảng?

17:34 | 13/03/2023
Chia sẻ
Chi nhánh SVB tại Anh hiện có tổng tài sản khoảng 8,8 tỷ bảng, tương đương 10,6 tỷ USD. Tổng tiền gửi gần 6,7 tỷ bảng, tức 8,1 tỷ USD. Ngày 13/3, HSBC thông báo mua lại chi nhánh này với giá 1 bảng Anh, tức 1,2 USD.

Silicon Valley Bank (SVB) cấp vốn cho nhiều công ty công nghệ ở Anh bao gồm Uncapped, Apian, Pockit và Pivotal Earth, .... (Ảnh: New York Times).

Thông cáo ngày 13/3 của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết BoE đã tham vấn với Cơ quan Quản lý An toàn (PRA), Bộ Tài chính, và Cơ quan Kiểm soát Tài chính (FCA) trước khi ra quyết định bán chi nhánh ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) tại Anh cho ngân hàng HSBC với giá 1 bảng Anh, tương đương 1,2 USD.

“Động thái này được thực hiện nhằm ổn định chi nhánh SVB tại Anh (SVB UK), đảm bảo sự liền mạch của các dịch vụ ngân hàng, giảm thiểu sự gián đoạn tới ngành công nghệ Anh và củng cố lòng tin vào hệ thống tài chính”, thông cáo của BoE viết.

“Ngân hàng Trung ương Anh và Bộ Tài chính có thể xác nhận rằng toàn bộ tiền của người gửi tiền tại SVB UK đều an toàn và được đảm bảo nhờ có thương vụ sáp nhập này. Các hoạt động của SVB UK sẽ tiếp tục được SVB UK vận hành một cách bình thường. Tất cả dịch vụ sẽ diễn ra như thường lệ và khách hàng sẽ không nhận thấy sự khác biệt nào”.

BoE cho biết các khách hàng của SVB UK có thể tiếp tục liên lạc với ngân hàng thương mại này theo các phương thức như cũ và những người vay tiền của SVB UK vẫn cần trả nợ như thường. Các nhân viên của SVB UK vẫn sẽ làm việc như trước.

(Minh họa: Song Ngọc)

Thông cáo của Ngân hàng Trung ương Anh cho hay, tại thời điểm sụp đổ, SVB UK có tổng tài sản khoảng 8,8 tỷ bảng, tương đương 10,6 tỷ USD. Tổng tiền gửi gần 6,7 tỷ bảng, tức 8,1 tỷ USD.

Reuters trích dẫn một khảo sát được thực hiện cuối tuần vừa qua cho biết hơn 300 startup tại Anh được quỹ đầu tư mạo hiểm góp vốn đang có 2,5 tỷ bảng (tức 3 tỷ USD) mắc kẹt trong tài khoản tiền gửi tại SVB UK.

Báo cáo gửi cơ quan quản lý cho thấy tại ngày cuối năm 2022, SVB UK đang cho các khách hàng ở Anh vay khoảng 2,9 tỷ USD, chưa kể hơn 1 tỷ USD dưới dạng trái phiếu.

Tại sao một tổ chức tài chính với hàng tỷ bảng Anh tài sản lại được bán với giá chỉ 1 bảng?

Giá mua một ngân hàng là giá trị của vốn chủ sở hữu của ngân hàng đó. Số tiền 1 bảng Anh mà HSBC bỏ ra là để mua vốn chủ sở hữu của SVB UK. Đây là con số mang tính chất tượng trưng để phù hợp với quy định của pháp luật, giống như việc các nhà sáng lập của Google, Apple, Facebook hay các chính trị gia như Tổng thống John F. Kennedy từng nhận lương 1 USD/năm.

Hiện chưa rõ báo cáo tài chính của SVB UK ghi nhận vốn chủ sở hữu là bao nhiêu, có thể lên tới hàng triệu bảng Anh, hoặc bằng 0, hoặc âm. Tuy nhiên, giá trị vốn chủ thực tế có thể khác rất xa với số trên sổ sách nếu ngân hàng không áp dụng đúng chuẩn mực kế toán, khiến cho số liệu bị sai lệch.

Mức giá 1 bảng Anh cho thấy HSBC đánh giá vốn chủ sở hữu của SVB UK trên thực tế là vô giá trị.

Trong vai trò chủ sở hữu mới, HSBC sẽ có quyền quản lý hàng tỷ USD tài sản của SVB UK nhưng cũng sẽ phải đáp ứng toàn bộ nghĩa vụ nợ của chi nhánh này. Nói cách khác, HSBC sẽ có thêm cả quyền lợi cũng như nghĩa vụ, có lợi ích nhưng cũng phải chịu rủi ro.

Giả sử các nghĩa vụ nợ của SVB UK là 11 tỷ bảng Anh, còn tổng tài sản có giá trị thực tế 9 tỷ bảng, thì có nghĩa là vốn chủ sở hữu đang âm 2 tỷ bảng. Dù HSBC bán hết tài sản của SVB UK cũng sẽ không đủ trả nợ, phải tự bỏ tiền túi thêm 2 tỷ bảng. Khi đó, tuy chỉ phải bỏ ra 1 bảng Anh để mua nhưng số lỗ mà HSBC phải chịu có thể lên tới 2 tỷ bảng.

Ở Việt Nam từng có các ngân hàng âm vốn chủ sở hữu, bị mua lại bắt buộc với giá 0 đồng. Do quyền tài sản đi kèm với nghĩa vụ nợ nên ngay cả việc được “cho không” cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

SVB là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 2 lịch sử nước Mỹ, chỉ sau Washington Mutual năm 2008.

 Washington Mutual Bank là ngân hàng thương mại lớn nhất từng sụp đổ trong lịch sử nước Mỹ với tổng tài sản 307 tỷ USD.

JPMorgan Chase mua lại Washington Mutual giữa cuộc khủng hoảng tài chính 2008 với giá 1,9 tỷ USD. Đến năm 2013, JPMorgan Chase nhận án phạt kỷ lục 13 tỷ USD vì những sai phạm liên quan tới hoạt động cho vay dưới chuẩn trong những năm trước khủng hoảng, kể cả các vi phạm do Washington Mutual gây ra trước khi về với JPMorgan.

Vì JPMorgan đã mua lại Washington Mutual nên có nghĩa vụ phải nộp phạt cho tất cả sai phạm trước đây của Washington Mutual.

Những chi phí liên quan tới vấn đề pháp lý cũng là một loại rủi ro mà bên mua lại phải xem xét. Mức giá 0 đồng hay 1 bảng Anh tưởng như là rẻ nhưng hóa ra nhiều khi lại rất đắt.

Đức Quyền