|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chiến lược đa dạng hoá thị trường quốc tế ngoài Mỹ của VinFast đang thực hiện đến đâu?

15:16 | 04/04/2025
Chia sẻ
VinFast hiện đã mở rộng đầu tư sang các thị trường nước ngoài như Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Đông.

Năm 2022, VinFast xuất khẩu những chiếc ô tô điện đầu tiên đến Mỹ. Tuy nhiên, doanh số thấp khiến hãng gặp nhiều khó khăn tại thị trường này. Hiện nay, VinFast chuyển hướng sang Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Đông.

Từ năm 2024, VinFast đã xuất khẩu xe điện sang Indonesia và Philippines. Hãng cũng đã xây dựng hệ thống đại lý tại Oman và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ngoài ra, công ty đã bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất tại Ấn Độ và Indonesia để phục vụ kế hoạch mở rộng trong khu vực.

“VinFast đang tập trung vào những thị trường có khả năng thành công cao hơn. Đông Nam Á nên là ưu tiên ngay từ đầu vì khoảng cách địa lý gần và nhu cầu xe điện đang tăng”, ông Soumen Mandal - chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu Counterpoint Research, chia sẻ với Rest of World

“Những đánh giá từ Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu ở châu Á hay Trung Đông, châu Phi. Người tiêu dùng ở mỗi khu vực có kỳ vọng và mức độ cạnh tranh khác nhau”, ông nói.

Xe điện VinFast xuất khẩu vào Mỹ. (Ảnh: Đức Huy).

Đại diện VinFast cho biết hãng đã lắng nghe phản hồi từ khách hàng Mỹ và nâng cấp phần mềm cùng các hệ thống trên xe điện.

“Tại một số thị trường châu Á, chúng tôi cam kết xây dựng hệ sinh thái xe điện toàn diện cùng với các đối tác Xanh SM và V-Green”, người phát ngôn cho biết. Đây là hai công ty chuyên về taxi và trạm sạc xe điện dành riêng cho VinFast, đều do ông Phạm Nhật Vượng nắm phần lớn cổ phần.

“VinFast có chiến lược tài chính rõ ràng để mở rộng thị trường một cách bền vững”, người phát ngôn nói thêm, đồng thời cho biết công ty đặt mục tiêu hòa vốn vào năm 2026. Trong quý III năm 2024, VinFast ghi nhận khoản lỗ ròng 550 triệu USD, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thị trường nội địa Việt Nam, VinFast gần như không có đối thủ. Tháng 9/2024, hãng trở thành thương hiệu ô tô bán chạy nhất. VinFast chiếm lĩnh thị trường xe điện trong nước nhờ hệ thống trạm sạc phủ sóng rộng, khiến các đối thủ như BYD (Trung Quốc) khó có cơ hội cạnh tranh.

Trong tổng số 97.399 xe VinFast bán ra trong năm qua, khoảng 90% tiêu thụ tại thị trường nội địa. 10% còn lại được phân phối tại Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á, theo dữ liệu từ Counterpoint Research. VinFast đặt mục tiêu gấp đôi sản lượng giao xe trong năm nay, hướng đến doanh số ít nhất 180.000 xe. 

Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng sang Đông Nam Á không hoàn toàn suôn sẻ. Tháng 8 năm ngoái, VinFast xác nhận với Bloomberg rằng hãng sẽ hoãn kế hoạch ra mắt tại Thái Lan - thị trường xe điện lớn nhất Đông Nam Á, đúng vào thời điểm ngành xe điện tại đây đang bước vào cuộc chiến về giá.

Thay vào đó, VinFast chuyển trọng tâm sang Indonesia và đang áp dụng lại chiến lược từng triển khai tại Việt Nam. Tháng 12 năm ngoái, dịch vụ taxi điện Xanh SM bắt đầu hoạt động tại Jakarta. Đến tháng 3, lô hàng 2.500 xe điện VinFast đã được vận chuyển từ Việt Nam sang Indonesia bằng tàu biển.

Nhà máy lắp ráp mới của hãng tại Indonesia, dự kiến có công suất 50.000 xe điện mỗi năm, được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động trước cuối năm nay. Ngoài ra, một mạng lưới trạm sạc gồm 100.000 điểm trên toàn quốc cũng đang được lên kế hoạch triển khai.

Dù có tỷ lệ sở hữu ô tô thuộc hàng thấp nhất trong các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, chỉ 82 xe trên 1.000 người, Indonesia được dự báo sẽ trở thành thị trường xe điện lớn nhất khu vực, với 4,5 triệu xe được bán ra vào năm 2035, theo công ty tư vấn chiến lược EY-Parthenon có trụ sở tại Boston.

VF 9 - mẫu ô tô điện cao cấp nhất của VinFast. (Ảnh: Đức Huy).

Nếu chiến lược triển khai tại Việt Nam thành công ở Indonesia, điều đó “có thể tạo nền tảng để VinFast mở rộng mô hình này sang Philippines và các quốc gia khác trong tương lai gần”, người phát ngôn VinFast cho biết.

Năm 2024, BYD là thương hiệu xe điện bán chạy nhất tại Indonesia. Theo ông Hendra Lie – chuyên gia trong ngành ô tô tại PricewaterhouseCoopers Indonesia, yếu tố quan trọng nhất đối với người tiêu dùng khi chọn mua xe điện là giá cả, sau đó mới đến thương hiệu. 

Mẫu xe rẻ nhất của BYD tại thị trường này là Dolphin, có giá 369 triệu rupiah (khoảng 22.000 USD). Trong khi đó, mẫu SUV cỡ nhỏ VF3 của VinFast chỉ có giá 227,65 triệu rupiah (khoảng 13.700 USD) và đi kèm với dịch vụ sạc miễn phí tại các trạm sạc V-Green.

VinFast cũng đang xây dựng một nhà máy tại Indonesia, điều này có thể giúp hãng giảm giá bán hơn nữa. Indonesia là quốc gia giàu trữ lượng niken và “muốn đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng xe điện”, ông Lie nhận định. 

Chính phủ nước này cũng đang đưa ra nhiều ưu đãi dành cho các hãng xe đầu tư vào sản xuất nội địa, bao gồm giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa xa xỉ.

Đầu năm ngoái, VinFast đã khởi công xây dựng nhà máy tại Ấn Độ. Nhà máy này dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 6 năm nay.

“Quyết định đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy tại Thoothukudi cho thấy rõ VinFast đang muốn giành lợi thế tiên phong tại thị trường xe điện đang phát triển của Ấn Độ”, ông Ashwin Amberkar, chuyên gia phân tích ô tô độc lập tại Ấn Độ, chia sẻ với Rest of World.

Kế hoạch bán ra các mẫu SUV thuộc phân khúc C vào nửa cuối năm nay, theo ông, “hướng đến nhóm người tiêu dùng thành thị, thuộc tầng lớp trung lưu khá giả - những người ngày càng quan tâm đến các giải pháp di chuyển vừa cao cấp vừa thân thiện với môi trường”.

Nhà máy có công suất 50.000 xe mỗi năm, tọa lạc tại bang Tamil Nadu – trung tâm sản xuất xe điện lớn của Ấn Độ, gần các cảng chính. Điều này sẽ “giúp nâng cao hiệu quả và khả năng xuất khẩu để phục vụ một số thị trường tại Nam Á, Trung Đông và châu Phi”, ông Diwakar Murugan, chuyên gia phân tích ô tô tại công ty nghiên cứu thị trường công nghệ toàn cầu Canalys, nhận định với Rest of World.

 Robot hoạt động bên trong nhà máy của VinFast tại Hải Phòng. (Ảnh: Đức Huy).

Trong khi đó, chiến lược của VinFast tại Trung Đông lại khác so với cách tiếp cận ở châu Á. Công ty hiện chưa công bố kế hoạch xây dựng nhà máy hay triển khai dịch vụ taxi điện tại khu vực này. Thay vào đó, VinFast đã ký loạt thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong khu vực để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang xe điện. 

Đầu tháng 3, hãng đã ký một thỏa thuận đầu tư tiềm năng trị giá 1 tỷ USD với quỹ đầu tư tư nhân JTA Investment có trụ sở tại Qatar. Tuy nhiên, theo ông Shivaum Punjabi – người điều hành trang web chuyên về ô tô Cornea Impression tại Dubai, VinFast sẽ phải cạnh tranh về giá và mức độ nhận diện thương hiệu.

Công ty có vẻ đang nhắm đến phân khúc xe cao cấp tại UAE. Mẫu VF8 thuộc dòng sản phẩm cao cấp của VinFast có giá 47.500 USD - cao hơn các mẫu xe rẻ nhất của Tesla và BYD.

“Đây là một thách thức lớn vì BYD hiện là hãng xe điện có sản lượng lớn nhất thế giới và xuất hiện trên mặt báo hằng ngày”, ông Punjabi chia sẻ.

Đức Huy