Hướng đi nào cho đầu tư mạo hiểm thời kỳ hậu SVB
Ngân hàng First Citizens (FCB) đã đạt được thỏa thuận mua lại tất cả các khoản tiền gửi và khoản vay của SVB. First Citizens Bank & Trust Co, công ty chủ quản của FCB đã nhất trí các điều khoản với Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) - cơ quan đang tạm thời tiếp quản SVB sau khi ngân hàng này tuyên bố phá sản.
Theo ông Steve Papa, người sáng lập và CEO của công ty khởi nghiệp chuyên xây dựng hệ thống liên lạc di động Parallel Wireless, hiện có một lỗ hổng trong hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ mà có lẽ sẽ mất một thập kỷ để một ngân hàng khác có thể lấp đầy.
Ông Papa, một khách hàng của SVB từ năm 1990, đã thành lập một số công ty khởi nghiệp và những công ty này đã được mua lại hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ông cho biết, SVB sở hữu mạng lưới các nhà đầu tư mạo hiểm, tài chính, tài khoản thanh toán cho khách hàng nước ngoài và nhiều dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ khác.
Ngoài ra, các khoản vay mạo hiểm, hoặc các khoản vay khởi nghiệp, mà SVB tích cực cung cấp, rất có ý nghĩa với triển vọng doanh thu tương lai của các công ty khởi nghiệp. Sự quen thuộc với chu kỳ tăng trưởng của các công ty công nghệ đã khiến SVB trở thành một đồng minh đắc lực của họ.
Ông William Mann - Giáo sư tài chính tại Đại học Emory (Mỹ) giải thích, hạng mục trên đã giúp định vị SVB ở trung tâm về tài chính trong Thung lũng Silicon. SVB đã phát hành 251 khoản vay mạo hiểm từ năm 2002 đến năm 2022, với tổng trị giá khoảng 3 tỷ USD, nhiều nhất trong số các tổ chức tài chính nào của Mỹ. Mạng lưới và chuyên môn của SVB là chìa khóa cho loại hình tài trợ này, và giờ đây sự sụp đổ của SVB có thể tạo ra một khoảng trống lớn.
Bill Geary, đồng sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Flare Capital Partners, chia sẻ rằng ông đảm bảo tất cả các công ty trong danh mục đầu tư đã mở tài khoản ngân hàng tại các tổ chức khác, hầu hết là các ngân hàng lớn. Sau khi nhận được thông tin về sự sụp đổ của SVB, ông đã thảo luận về các biện pháp đối phó với các công ty mà Flare Capital đã đầu tư vào khoảng 1 tỷ USD.
Một số cựu nhân viên của SVB đã gia nhập JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất của Mỹ, trong những năm gần đây và đã cố gắng áp dụng bí quyết đầu tư và khai thác mạng lưới trong Thung lũng Silicon của họ. Tuy nhiên, các dịch vụ tương tự mà nhiều ngân hàng lớn đang cố gắng cung cấp sẽ khó có thể thay thế SVB.
Nhiều công ty khởi nghiệp đã tồn tại nhờ lãi suất thấp và thanh khoản dư thừa trong đại dịch COVID-19. Nhưng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất, những “cơn gió ngược” đã xuất hiện. Ông Geary nhận xét, với sự sụp đổ của SVB, các công ty khởi nghiệp sẽ buộc phải điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh của mình. 12 đến 24 tháng tới sẽ rất khó khăn, khi nguồn vốn sẵn có giảm và chi phí đi vay sẽ cao hơn nếu có các giải pháp tín dụng thay thế.
Theo công ty nghiên cứu CB Insights, các khoản đầu tư mạo hiểm đã bắt đầu giảm từ mức cao nhất ghi nhận vào quý IV/2021 là 181,2 tỷ USD. Đầu tư mạo hiểm chậm lại sẽ dẫn đến hoạt động cho vay mạo hiểm cũng chậm lại, tức là Thung lũng Silicon sẽ phải đối mặt với một môi trường huy động vốn ngày càng khó khăn.
Trong khi đó, các tổ chức tài chính khác ở Thung lũng Silicon đã bắt đầu nắm bắt những cơ hội mới nảy sinh từ cuộc khủng hoảng ngân hàng này. Ngày 13/3, một ngày sau khi FDIC tiếp quản SVB, công ty công nghệ tài chính Mercury (Mỹ) đã ra mắt dịch vụ bảo vệ tiền gửi lên tới 5 triệu USD. Giới hạn bảo hiểm của FDIC là 250.000 USD cho mỗi khách hàng gửi tiền tại một ngân hàng. Mercury cung cấp phạm vi bảo hiểm gấp 20 lần bằng cách chia tiền của khách hàng cho nhiều ngân hàng đối tác.
JPMorgan cũng đang nỗ lực lấp đầy khoảng trống hậu SVB với thông báo mua lại nhà cung cấp phần mềm phân tích đầu tư Aumni. Aumni đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất-kinh doanh của 17.000 công ty khởi nghiệp cho khoảng 300 công ty đầu tư mạo hiểm, nhà quản lý tài sản và các khách hàng khác.
Mặt khác, nhà sáng lập Vinnie Lauria của công ty đầu tư khởi nghiệp Golden Gate Ventures (Singapore) cho rằng dòng vốn đầu tư có thể bắt đầu chuyển sang châu Á. SVB có thể muốn tiếp tục giữ chân khách hàng của mình, nhưng giá trị quan trọng nhất của ngân hàng là niềm tin và niềm tin đó đã mất. Ông Lauria kỳ vọng trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ chuyển từ Thung lũng Silicon sang Đông Nam Á, và các ngân hàng ở Singapore sẽ đảm nhận vai trò tương tự như SVB.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/