|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sự sụp đổ của SVB khiến giới startup nhận ra tầm quan trọng của vị trí giám đốc tài chính (CFO)

20:40 | 25/03/2023
Chia sẻ
Sau khi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ, nhiều startup đã nhận ra tầm quan trọng của một giám đốc tài chính (CFO) sau nhiều năm không chú trọng tới vị trí này để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng. Giờ đây, giới startup cũng bắt đầu quan tâm hơn tới các chức năng về tài chính trong công ty.

Khi Kevin Lee lần đầu tiên nghe tin Silicon Valley Bank (SVB) có thể gặp rắc rối, người đồng sáng lập 32 tuổi của startup mì ăn liền Immi đã cuống cuồng gọi điện cho đối tác của mình. “Tôi lo ngại sẽ có một làn sóng rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng”, ông Lee nói với Kevin Chanthasiriphan, người ngay sau đó đã chuyển toàn bộ số vốn 15 triệu USD của họ ra khỏi SVB, theo WSJ.

Cặp đôi này đã ra mắt thương hiệu Immi cách đây ba năm, phát minh lại mì ramen hoàn toàn có nguồn gốc từ thực vật. Chỉ một tuần trước khi rút tiền khỏi SVB, startup này đã công bố gọi vốn thành công 10 triệu USD từ vòng gọi vốn Series A, có sự tham gia của một số nhân vật nổi tiếng, bao gồm tay vợt nữ người Nhật Bản Naomi Osaka và đã sẵn sàng cho một giai đoạn tăng trưởng nhanh với doanh thu tăng gấp 6 lần năm ngoái.

Tuy nhiên, startup còn non trẻ này không có một giám đốc tài chính (CFO) để định hướng hoặc chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng như sự sụp đổ của một đối tác ngân hàng, chẳng hạn như sự sụp đổ của SVB.

Sự sụp đổ của SVB khiến các startup nhận ra tầm quan trọng của vị trí giám đốc tài chính. (Ảnh: WSJ).

Vai trò của CFO tại các startup ngày càng lớn

Việc không có CFO hoặc chuyên gia tài chính là điều phổ biến ở các startup bởi họ ưu tiên tăng trưởng nhanh. Nhiều startup chỉ đơn giản dựa vào những nhà đầu tư, mentor hoặc đối tác ngân hàng để tìm tới những lời khuyên về tài chính.

Mặc dù không có số liệu thống kê về việc có bao nhiêu công ty mới thành lập thiếu CFO hoặc các chuyên gia tài chính, nhưng một chuyên gia trong ngành cung cấp dịch vụ tài chính cho các startup ước tính rằng khoảng 80% các công ty ở giai đoạn đầu không có CFO.

Jeff Laborde, CFO Jaggaer, nhà cung cấp công nghệ tự động hóa kinh doanh dựa trên đám mây, cho biết rất nhiều startup đã đầu tư ít hơn vào các chức năng quản trị trong công ty những năm gần đây, “vì tất cả họ đều có thể gọi vốn dễ dàng trong khoảng 9 tháng trước".

Ông Laborde cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên về số lượng startup không có CFO”. Ông nhận thấy sự thiếu chuyên môn về tài chính tại các công ty lớn và nhỏ, kể cả những công ty có doanh thu định kỳ từ 2 triệu USD đến 3 triệu USD hoặc thậm chí cả những công ty có doanh thu trên 10 triệu USD.

Tuy nhiên, trong khi các công ty mới thành lập thường không tập trung vào việc xây dựng chức năng tài chính của họ khi mới bắt đầu, thì những người trong ngành cho biết sự sụp đổ của SVB nhấn mạnh sự cần thiết của ít nhất một số quản lý tài chính trong bộ máy startup.

SVB là ngân hàng hỗ trợ cho nhiều startup. Sự sụp đổ của ngân hàng này khiến nhiều startup có tiền gửi không được đảm bảo cảm thấy lo lắng. Liz Giorgi, CEO và nhà đồng sáng lập một startup cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ được hỏi trong một cuộc họp hội đồng quản trị về các mối quan hệ với ngân hàng của mình. Ưu tiên hàng đầu tại các startup vẫn là tăng trưởng”.

Mặc dù một CFO độc lập hoặc chuyên gia tài chính có thể không hoàn toàn giúp startup tránh được ảnh hưởng từ sự sụp đổ của các ngân hàng như SVB, nhưng một tiếng nói có chuyên môn và kinh nghiệm về tài chính có thể đã giúp các công ty khởi nghiệp đa dạng hóa vốn lưu động của họ.

Kể từ khi SVB sụp đổ, gần 30% CFO cho biết họ sẽ tìm cách đa dạng hóa các đối tác ngân hàng của mình, theo một cuộc khảo sát gần đây với hơn 250 CFO và lãnh đạo tài chính cấp cao của công ty nghiên cứu Gartner Inc.

Kyle Doherty, CEO tại công ty đầu tư mạo hiểm General Catalyst có trụ sở tại Cambridge, Mass., cho biết: “Một công ty đầu tư mạo hiểm rất muốn có một CFO càng sớm càng tốt”.

Kể từ khi SVB sụp đổ, ông Doherty cho biết đã nói chuyện với hàng chục CFO có kinh nghiệm, từ các công ty nhỏ đến lớn, và hỏi số dư phù hợp là bao nhiêu để các startup chi tiêu cho chức năng tài chính hoặc chuyên môn. Phần lớn câu trả lời mà ông nhận được là startup cần một người có kinh nghiệm đảm nhận vai trò này, dù không nhất thiết phải có chức danh CFO.

Tuy nhiên, kinh nghiệm là chìa khóa cho vấn đề này. Ông Doherty cho biết mình đã tham gia vào nhiều cuộc tìm kiếm CFO cho các công ty công nghệ giai đoạn đầu. “CFO là vị trí khan hiếm nguồn nhân lực nhất, khiến startup phải chờ đợi lâu hơn để lấp đầy vị trí này”, ông Doherty chia sẻ.

Cơ hội rộng mở với các CFO

Việc chờ đợi đó khiến nhiều startup phải trả cái giá ngày càng đắt, một rào cản tiềm ẩn đối với các công ty khởi nghiệp hoạt động với ngân sách eo hẹp. Jack McCullough, người sáng lập Hội đồng Lãnh đạo CFO với hơn 1.900 thành viên trên khắp nước Mỹ, cho biết: “Mức lương của CFO đã tăng nhanh trong vài năm qua khi các công ty nhận ra giá trị mà họ mang lại và vai trò quan trọng của họ.”

Theo một báo cáo gần đây, mức lương cơ bản của các CFO tăng nhanh hơn so với các CEO vào năm 2022, với các CFO ghi nhận lương trung bình tăng 5,5%, trong khi lương của CEO tăng trung bình 4,4%.

Mairtini Ni Dhomhnaill là người sáng lập Countsy, một văn phòng hỗ trợ theo yêu cầu cung cấp dịch vụ CFO thuê ngoài cho các startup. Kể từ khi SVB sụp đổ, bà Ni Dhomhnaill cho biết đã nhận được nhiều cuộc gọi từ những người sáng lập công ty khởi nghiệp đang tìm kiếm sự giúp đỡ.

Bà Ni Dhomhnaill cho biết, trung bình, một công ty ở giai đoạn đầu điển hình với nguồn tài trợ hạt giống hoặc Series A sẽ tiêu tốn 5.000 USD một tháng để Countsy cung cấp một CFO thuê ngoài. Chi phí phụ thuộc vào quy mô của công ty và phí sẽ tăng lên khi cần nhiều dịch vụ hơn. Tuy nhiên, một CFO thuê ngoài sẽ giống như một giải pháp tạm thời hơn là một phương thuốc chữa bệnh.

Michael Bayer, CFO của nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dựa trên đám mây Wasabi Technologies Inc., nói rằng CFO tại một startup là người giúp “kể câu chuyện ban đầu”.

Ông Bayer nói: “Tôi thường gọi vị trí giám đốc tài chính tại các công ty ở giai đoạn đầu là “CF-GO”, bởi vì đó là một người có khả năng “tinh vi” về tài chính, người luôn ở đó để tìm ra cách startup có thể tận dụng vốn và nguồn lực một cách tốt nhất để tạo điều kiện tăng trưởng”.

Anh Nguyễn